Đấu giá quyền sử dụng đất: Phân cấp mạnh cho quận, huyện

Cập nhật 14/06/2011 15:45

TP Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện quy định mới về đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn...


Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất. Ảnh: Nguyên Đào
TP Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện quy định mới về đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn, nhằm thay thế QĐ số 43/2008/QĐ-UBND không còn phù hợp. Dự kiến, quy định mới này sẽ được ban hành ngay trong năm 2011.

Tăng quyền cho cơ sở

Có nhiều nội dung mới đáng quan tâm trong bản dự thảo quyết định mới. Thứ nhất, là vấn đề phân cấp tổ chức đấu giá. Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng, việc này là rất cần thiết, để phân định rõ quy mô dự án tới bao nhiêu mét vuông thì TP đứng ra tổ chức, quy mô nhỏ tới mức nào thì thuộc thẩm quyền của các quận, huyện, thị xã. "Không phải dự án nào TP cũng đứng ra "ôm".

Do đó, trong dự thảo mới, các khu đất trên 5ha để xây dựng công trình và trên 2ha để xây dựng nhà chung cư sẽ thuộc thẩm quyền TP. Quy mô nhỏ hơn do quận, huyện, thị xã tổ chức. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các khu đất đấu giá cũng sẽ phân cấp theo hướng trên" - Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nói.

Để tháo gỡ những vướng mắc về quy hoạch, Giám đốc Sở TN&MT Vũ Văn Hậu cho rằng, với những khu đất nằm trong kế hoạch đấu giá, nếu chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt thì cho phép sử dụng quy hoạch tổng mặt bằng của dự án làm cơ sở thu hồi đất. Điều này sẽ tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

Đây là thực trạng đang diễn ra ở tất cả các huyện, vì thế, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Vũ Tuấn Định khuyến cáo, nếu cứ cứng nhắc thì sẽ không thể tổ chức đấu giá được. Bởi hiện toàn bộ các xã của Hà Nội đều chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt. Mà không có quy hoạch chi tiết thì không có cơ sở để cấp chỉ giới đường đỏ, dẫn đến rất khó khăn trong việc lập dự án để đấu giá đất.

Trước những băn khoăn, vướng mắc về chủ trương sẽ thuê đấu giá viên chuyên nghiệp khi triển khai đấu giá QSDĐ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Tư pháp và Chính phủ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện đặc thù của Hà Nội, đồng thời nhấn mạnh: Thành phố đã phân cấp cho quận, huyện thì quận, huyện phải chủ động triển khai và chịu mọi trách nhiệm về pháp lý…

Xóa cơ chế xin - cho

Ưu điểm lớn nhất của đấu giá QSDĐ là đảm bảo tính bình đẳng chứ không như cơ chế xin - cho trước đây. Các cá nhân hoặc các công ty kinh doanh nhà có thể giành được QSDĐ thông qua đấu giá. Theo Bộ TN&MT, từ khi chuyển sang cơ chế đấu giá, nguồn thu từ đất tăng gấp 5 lần, lên khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm. Việc đưa QSDĐ đất vào đấu giá là một bước tiến trong quản lý đất đai, đã huy động tối đa nguồn vốn một cách công khai.

Nếu như tổng mức đầu tư cho một công trình khá đồ sộ là dự án cầu cạn Pháp Vân (thuộc dự án xây dựng cầu Thanh Trì, Hà Nội), là 933,4 tỷ đồng, thì năm 2009, Hà Nội đã thu về hơn 3.480 tỷ đồng từ đấu giá đất, đến năm 2010 là 2.519,44 tỷ đồng và năm nay dự kiến là 2.450 tỷ đồng. Rõ ràng, đấu giá QSDĐ là một kênh khai thác, huy động nguồn vốn lớn bổ sung cho nguồn vốn đầu tư cho quá trình phát triển của địa phương.

Việc thực hiện đấu giá đất còn có một điểm lợi khác là thị trường BĐS có thêm lượng hàng hóa tương đối lớn, góp phần làm giảm nạn đầu cơ đất. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thị trường BĐS của Việt Nam hiện vẫn lên xuống thất thường, không tuân theo quy luật nào.

Do đó, Ban soạn thảo cũng cần đưa ra những chế địnhchặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của người tham dự đấu giá, không để họ tạo ra những cơn sốt ảo về giá. Thực tế, tại một số phiên đấu giá QSDĐ trong vài năm qua, đã xuất hiện "quân xanh, quân đỏ" của một số cá nhân, công ty cùng mua hồ sơ tham gia đấu giá, có nhiệm vụ "kìm" hoặc "đẩy" giá sàn lên cao.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị