“Đất vàng” chưa... vàng!

Cập nhật 10/07/2010 14:40

Cuối năm 2007 nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước hào hứng với việc TP.HCM kêu gọi đầu tư vào các “khu đất vàng” trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến nay sau ba năm thí điểm đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chưa có dự án nào thành hình hài.

Cuối năm 2007 nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước hào hứng với việc TP.HCM kêu gọi đầu tư vào các “khu đất vàng” trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến nay sau ba năm thí điểm đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chưa có dự án nào thành hình hài.


Trên nền đất chợ Văn Thánh dự kiến xây cao ốc 25 hoặc 32 tầng - Ảnh: N.C.T.

Dự án được xem suôn sẻ nhất là “khu đất vàng” chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh) được chuyển đổi công năng thành cao ốc nay đang được chủ đầu tư xin điều chỉnh tăng chiều cao. Tam giác Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão (Q.1) sau một thời gian bị kiện cáo, thanh tra nay vẫn bị “treo” đó.

Còn thương xá Tax sau khi chọn được nhà đầu tư lại không đàm phán được các bước kế tiếp nên phải chia tay nhà đầu tư và lập lại dự án.

Tăng thêm 7 tầng

Thay đổi quy hoạch phải nộp thêm 88 tỉ đồng

Năm 2004, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 trúng đấu giá khu đất 3,55ha tại phường 15, quận 11, TP.HCM (góc Ba Tháng Hai - Lê Đại Hành) với giá bằng giá khởi điểm đã công bố là 600 tỉ đồng.

Điều kiện quy hoạch của khu đất là cao 25 tầng, 250 căn hộ, hệ số sử dụng đất tối đa 7,5, khoảng 1.800 chỗ đậu xe... Đến năm 2005, chủ đầu tư dự án đề xuất tăng hệ số sử dụng đất lên 7,76, tăng số lượng căn hộ lên 960 căn...

Tuy nhiên UBND TP chỉ đồng ý cho tăng hệ số sử dụng đất tối đa là 7,74, tăng chỗ đậu xe lên 2.330 chỗ, giữ nguyên tầng cao, riêng số lượng căn hộ tăng lên 700 căn... Đổi lại, chủ đầu tư dự án phải đóng thêm hơn 88 tỉ đồng do thay đổi quy hoạch.

Hiện trên khu đất này chủ đầu tư đã xây dựng một số công trình và đưa vào sử dụng.
Trong công văn gửi UBND TP.HCM ngày 18-3, Công ty cổ phần SSG Văn Thánh xin tăng chiều cao của tòa nhà từ 95-99m lên 140m, nghĩa là số tầng của tòa nhà tăng từ 25 lên 32. Tuy tăng số tầng cao nhưng chủ đầu tư cam kết không tăng hệ số sử dụng đất.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, phó giám đốc Công ty cổ phần SSG Văn Thánh, giải thích: “Không tăng diện tích đất sử dụng là do chúng tôi bóp chiều ngang lại và tăng chiều cao lên”. Còn lý do phải điều chỉnh, theo ông Tuấn, chủ yếu để tăng độ thẩm mỹ cho cao ốc.

Ông Tuấn khẳng định chức năng sử dụng đất của dự án vẫn đảm bảo 85% cho khu văn phòng và thương mại, 15% cho khu căn hộ. Tất cả có 78 căn hộ, trong đó 50% cho thuê, phần còn lại được bán.

Theo ông Tuấn, khó khăn nhất là việc tái bố trí cho bưu điện và trạm điện. Vướng mắc này đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Để nhường “đất vàng” xây cao ốc văn phòng và căn hộ, chợ Văn Thánh mới đang được Công ty cổ phần SSG Văn Thánh xây dựng với quy mô hai tầng, diện tích khoảng 1.200m2, phục vụ cho 166 sạp bán hàng. Mặc dù dự kiến chợ mới sẽ hoàn thành vào giữa tháng 7 nhưng việc xây dựng vẫn còn dang dở trong những ngày này.

Các tiểu thương chợ Văn Thánh cũ lo lắng khó có thể kinh doanh ở nơi mới bởi khu chợ được xây ngay trong khu dân cư, đường sá bao quanh khá chật hẹp.

Còn phần giải quyết di dời và bồi thường cho tiểu thương chợ Văn Thánh cũ, theo ông Tuấn đã thực hiện được 90%. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cho rằng công tác đền bù vẫn chưa thỏa đáng, việc thuê lại sạp ở chợ mới vẫn chưa rõ ràng nên e ngại tương lai của việc kinh doanh còn bấp bênh.

Satra sẽ xây mới thương xá Tax

Một phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM khẳng định vẫn chưa có lối ra cho khu tam giác Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão kể từ sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi năm ngoái. “Chúng tôi vẫn đang chờ lãnh đạo UBND TP chỉ đạo. Phương án đấu thầu lại hay chỉ định nhà đầu tư vẫn chưa gút được”, vị phó giám đốc này nói.

Trong khi đó, việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án tại “khu đất vàng” ở địa chỉ 164 Đồng Khởi, Q.1 cũng chưa có dấu hiệu tái khởi động. Hiện nay vẫn có gần 70 nhà đầu tư trong và ngoài nước nằm trong danh sách chờ đợi.

Tương tự, tại “khu đất vàng” thương xá Tax (được xem là một trong những vị trí đẹp nhất trung tâm hiện nay), ông Đào Xuân Đức, phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), xác nhận UBND TP.HCM đã đồng ý để Satra tự thực hiện đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng và khách sạn.

Satra hiện đang lập dự án đầu tư với tổng vốn dự kiến 3.000-4.000 tỉ đồng. Việc tổ chức thi thiết kế và công bố các tiêu chí sẽ được triển khai trong tháng 7 này.

Theo chỉ đạo của UBND TP, dự án này được huy động nhiều nguồn vốn khác để đầu tư nhưng Satra giữ vai trò chi phối và quyết định.

Mặc dù nằm ở vị trí đắc địa nhất nhưng chủ nhân khu đất thương xá Tax đã ít nhất hai lần thất bại trong việc xe duyên với đối tác nước ngoài để phát triển nơi đây thành tòa nhà có tính biểu tượng của TP.HCM.

Sau khi bị rút giấy phép do đối tác nước ngoài gặp khó khăn tài chính năm 1996, mười năm sau dự án xây dựng cao ốc trên nền đất thương xá Tax tiếp tục trục trặc do Satra không kết thúc được đàm phán với một công ty Indonesia.

Việc Satra không thành công trong việc xúc tiến xây dựng một dự án mang ý nghĩa bộ mặt của TP.HCM trong quá khứ, khiến nhiều chuyên gia và nhà đầu tư tỏ ra ngạc nhiên khi UBND TP tiếp tục giao cho đơn vị này tự thực hiện đầu tư dự án này.

Dư luận đang thắc mắc: vì sao không đưa “khu đất vàng” vào cùng danh sách các khu đất cần đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm nhất, đủ năng lực nhất?

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO