Đất nông nghiệp sẽ được xây dựng tạm

Cập nhật 14/06/2014 08:10

Kiến nghị bỏ quy định tách thửa phải tiến hành đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất.

Kiến nghị bỏ quy định tách thửa phải tiến hành đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất.

“Đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư đã được cấp giấy chứng nhận, không phù hợp quy hoạch đất ở nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì được cấp phép tạm làm sân thể thao, sân chơi thiếu nhi, lắp đặt các thiết bị thể thao ngoài trời. Chủ đầu tư phải cam kết tháo dỡ mà không bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch”. Đó là một trong những nội dung mới nhất tại dự thảo sửa đổi Quyết định 21/2013 về cấp phép xây dựng do Sở Xây dựng TP.HCM trình UBND TP tại cuộc họp ngày 13-6.

Mở rộng trường hợp xây tạm

Dự thảo của Sở Xây dựng nhận được sự đồng tình cao của các quận, huyện vì sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc trên thực tế lâu nay. “Nên mở rộng loại hình được cấp phép tạm hơn, không chỉ thể dục thể thao mà còn có công trình dịch vụ như bãi giữ xe, quán ăn…vì những loại hình này cũng dễ xây tạm với kết cấu không kiên cố” - huyện Bình Chánh đề nghị.

Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thông tin thêm: Dự thảo đề xuất nhà ở riêng lẻ xây dựng trên đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, sử dụng ổn định trước ngày 1-7-2006, không có tranh chấp nhưng không phù hợp quy hoạch cũng được cấp phép tạm nếu được xây trước khi có quy hoạch. Nếu xây dựng sau thời điểm có quy hoạch thì được sửa chữa, cải tạo theo hiện trạng, cụ thể là nâng nền, nâng mái, thay mái thay sàn bằng vật liệu nhẹ lắp ghép… nhưng không được không làm thay đổi kết cấu và kiến trúc mặt ngoài.

Nhiều kiến nghị bảo đảm quyền lợi người dân trong việc xây dựng tạm, tách thửa trên đất nông nghiệp. Ảnh: HTD
Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, góp ý: Việc sửa chữa, cải tạo nhà ở thì không thể không làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài. “Hơn nữa việc giữ nguyên kiến trúc mặt ngoài chỉ áp dụng cho công trình cần bảo tồn. Do đó đề nghị bỏ yêu cầu này” - ông Hòa kiến nghị.

Bảo đảm quyền lợi người dân

Đối với nhà ở riêng lẻ có một phần hoặc toàn bộ diện tích nằm trong lộ giới các tuyến đường, hẻm hiện hữu nhưng chưa thu hồi đất, Sở Xây dựng đề nghị cấp phép tạm với quy mô không quá ba tầng. Một số quận, huyện đề nghị không phân biệt cấp phép tạm hay chính thức mà chỉ thống nhất về quy mô công trình được phép. “Có những tuyến đường ở quận 4 quy hoạch lộ giới gần 40 năm chưa thực hiện làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân” - ông Trần Hoàng Quân, Phó Chủ tịch UBND quận 4, góp ý.

Ông Lưu Trung Hòa chỉ ra những mắc mứu xoay quanh giấy phép tạm. “Theo dự thảo, sau năm năm Nhà nước mới thực hiện quy hoạch thì công trình tạm sẽ được bồi thường. Người dân hỏi lúc này công trình có được cấp giấy chứng nhận không? Nếu giấy phép tạm mà cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu thì mâu thuẫn” - ông Hòa phân tích.

Phó Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Toàn cho rằng nhà thuộc quy hoạch lộ giới cũng không có gì khác thuộc quy hoạch công viên, trường học. “Nhưng nhà ở thuộc quy hoạch công viên, trường học được cấp phép chính thức với quy mô tối đa ba tầng, còn nhà ở thuộc lộ giới thì chỉ được cấp phép tạm là không hợp lý, thiếu công bằng” - ông Toàn nhận xét.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín yêu cầu các quận, huyện thống nhất quan điểm phải bảo đảm quyền lợi của người dân có nhà ở trong vùng quy hoạch. “Chẳng hạn nhà ở hiện hữu đã có trước quy hoạch, được công nhận với chiều dài 20 m. Nay lộ giới đường mở rộng cắt vào 5 m nhưng không biết khi nào mới thực hiện thì vẫn phải cấp phép đúng 20 m” - ông Tín nêu ví dụ.


DiaOcOnline.vn - Theo PLTP