Ngày 29/3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã ký Quyết định 376/QĐ-BXD công nhận thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An là đô thị loại IV. Đây là căn cứ, động lực quan trọng để Bến Lức...
Ngày 29/3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã ký Quyết định 376/QĐ-BXD công nhận thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An là đô thị loại IV. Đây là căn cứ, động lực quan trọng để Bến Lức vươn lên trở thành đô thị cầu nối giữa TP.HCM với Long An cũng như các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Khu vực thị trấn Bến Lức trước đây thuộc tổng Thuận An, huyện Tân Bình, cho đến gần cuối thế kỷ XVII vùng này vẫn còn hoang vu. Trong thời gian đó, số lưu dân người Việt từ miền Trung vào ở Mô Xoài (Bà Rịa) hoặc Bến Nghé - Đồng Nai hay theo sông Vàm Cỏ từ Soài Rạp… lên định cư. Để nối sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và QL1, những năm 1866 thì Bến Lức dần dần trở thành đầu mối giao thông quan trọng là nơi dừng chân của thương gia từ Sài Gòn tới Mỹ Tho và ngược lại. Hiện nay thị trấn Bến Lức là huyện lỵ của huyện Bến Lức có diện tích tự nhiên là 866,54 ha gồm 9 khu phố và 1 ấp Voi Lá, với dân số là 50.282 người…
Trao đổi với phóng viên, KTS Trần Kim Lân - Giám đốc Sở Xây dựng Long An cho hay: Ước mơ xây dựng đô thị Bến Lức xứng tầm với vị trí thuận lợi đã có từ rất lâu đời. “Tuy nhiên, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, UBND tỉnh Long An, ngành Xây dựng và người dân Bến Lức mới càng mong muốn xây dựng nơi này trở thành đô thị hiện đại, là đô thị vệ tinh, cầu nối giữa TP.HCM với các tỉnh miền Tây”, ông Lân nhấn mạnh.
Theo đồ án quy hoạch mới được duyệt, thị trấn Bến Lức tiếp tục phát triển là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ của huyện Bến Lức nói riêng, tỉnh Long An cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Do nằm ở cửa ngõ lại chỉ cách TP.HCM 30km về phía Nam nên Bến Lức có ý nghĩa quan trọng về mặt an ninh quốc phòng. Bến Lức sẽ phát triển dựa trên các đầu mối giao thông quan trọng như đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (có nút giao trên đường tỉnh 830), QL1A, đường tỉnh 830, sông Vàm Cỏ Đông…
Thế mạnh của Bến Lức trong tương lai chính là phát triển khu đô thị, khu công nghiệp (KCN) và các trung tâm dịch vụ, thương mại, khách sạn, nhà hàng. Hiện các KCN đã phát triển phủ kín 20% diện tích đất tự nhiên. Ngoài ra, các hệ thống hạ tầng cơ sở nội bộ như: giao thông, công viên cây xanh, cấp thoát nước, trường học, bệnh viện, bến xe… đều được chú trọng đầu tư.
Đặc biệt, sau khi đồ án Quy hoạch chung được UBND tỉnh Long An phê duyệt, Bến Lức đã có Quy chế quản lý xây dựng theo quy hoạch và quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị. Thiết kế nhà ở tại đây đều phát huy đặc trưng đô thị sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Đồ án cũng đã xác định các khu vực mở rộng đô thị, xây dựng các khu đô thị mới đồng thời xác định các tuyến, khu cải tạo, chỉnh trang đô thị…
Phát biểu kết luận tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch và công nhận Bến Lức là đô thị loại IV vừa tổ chức cuối tháng 3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng Cao Lại Quang đã đánh giá cao đồ án này cũng như tốc độ đô thị hóa của thị trấn trong những năm gần đây. Thứ trưởng cho rằng: “Lên đô thị loại IV là cơ hội để Bến Lức tiếp tục đầu tư những đô thị, tuyến phố đồng bộ, đẹp, lối sống đô thị văn minh xứng với vị trí địa lý quan trọng của mình”.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng