Đảm bảo quyền lợi của người dân trong thu hồi đất

Cập nhật 21/02/2014 11:51

Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến về các dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đắk Lắk.

Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến về các dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đắk Lắk.

Tại các hội thảo này, vấn đề bồi thường, hỗ trợ trong thu hồi đất được đông đảo người dân quan tâm. Do đó, để Luật Đất đai thực sự phát huy hiệu quả, trong thời gian tới Bộ TN&MT sẽ xây dựng các dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân.

70% khiếu kiện đất đai do bồi thường không thỏa đáng

Đại diện một số tỉnh, thành nhận xét, dự thảo Nghị định thi hành Luật Đất đai vẫn còn nhiều khiếm khuyết, nhất là các quy định liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Theo đề xuất của ông Doãn Văn Hưởng  - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, trong một hộ gia đình, có người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, có người không trực tiếp sản xuất. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp, cần bổ sung quy định bồi thường chi phí đối với các trường hợp này.

Vấn đề bồi thường trong thu hồi đất sẽ được nghiên cứu thỏa đáng và phù hợp với giá thị trường tại các địa phương. Ảnh: Đức San

Ông Lê Viết Hưng - Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai cho rằng, dù Luật Đất đai quy định giá đất bồi thường cho người dân sát với giá thị trường nhưng do sự biến động về giá của thị trường, mức độ chênh lệch vẫn nằm ở mức từ 20 - 30%. Cụ thể, tỉnh Đồng Nai đang tính giá bồi thường theo bảng giá đất được thẩm định gần với giá thị trường. Tuy nhiên, công tác thẩm định hiện nay mất nhiều thời gian và mức độ chính xác chưa đạt yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang khẳng định, vấn đề bồi thường, hỗ trợ trong công tác GPMB luôn được đông đảo người dân quan tâm. Trong số hàng ngàn vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai thời gian qua, có tới 70% số vụ là do giá bồi thường chưa thỏa đáng. "Để giảm khiếu kiện liên quan đến đất đai, vấn đề bồi thường phải được nghiên cứu thỏa đáng và phù hợp với giá thị trường tại các địa phương. Do đó, cần thiết phải xây dựng các dự thảo Nghị định hướng dẫn một cách chi tiết nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân" - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

Quan tâm hơn đến hậu thu hồi đất

Một vấn đề được quan tâm, đó là hậu thu hồi đất, nông dân sẽ ra sao? Nhiều ý kiến cho rằng, quy định hiện hành chưa quan tâm nhiều đến đời sống người dân sau khi bị thu hồi đất. Chính sách bồi thường cũng chưa tính đúng, tính đủ các thiệt hại của người dân khi Nhà nước trưng dụng đất nông nghiệp của họ. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, khi điều tra về đời sống của người dân sau khi thu hồi đất, có tới 40% không có công ăn việc làm. "Nghị định cần quy định chính sách cho các đối tượng này để đảm bảo cuộc sống người dân thật sự ổn định. Tuy nhiên, cần có thời hạn nhất định và chỉ nên giải quyết trong thời hạn 3 năm" - ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh đề xuất.

Theo Tổng Cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), Nghị định lần này quan trọng nhất là giải quyết hai vấn đề: Hỗ trợ ổn định sản xuất và hỗ trợ giải quyết việc làm. Giải quyết được hai vấn đề này sẽ tháo gỡ được những vướng mắc trong công tác bồi thường. Điều 10, dự thảo Nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đưa ra hai phương án hỗ trợ, đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất. Theo phương án 1, sau khi được nhận tiền bồi thường, các hộ gia đình, cá nhân (trong độ tuổi lao động) sẽ được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi và tìm kiếm việc làm. Phương án 2 sẽ thực hiện tương tự như phương án 1 nhưng khác biệt ở đối tượng hỗ trợ và mức giá tính hỗ trợ. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, Bộ đang tổng hợp những ý kiến đóng góp của các địa phương. Ngày 15/4 tới, Bộ sẽ trình các dự thảo để Chính phủ xem xét thông qua.


DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị