Thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, sáng 4/6, đề nghị xuyên suốt, quyết liệt của các đại biểu Quốc hội là phải đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình...
Thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, sáng 4/6, đề nghị xuyên suốt, quyết liệt của các đại biểu Quốc hội là phải đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình chính thức chứ không để ở chương trình chuẩn bị như đề nghị của Chính phủ.
Với hơn 100 dự án, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và 2010 được đánh giá là khá nặng. Và những “lời phê” của đại biểu về chuyện xây dựng luật cũng không kém nặng nề.
Cử tri và Quốc hội đều nóng lòng
Trong phần phát biểu của mình, các đại biểu đều lần lượt phân tích sự cần thiết phải sớm sửa Luật Đất đai và Luật Ngân sách Nhà nước. Bởi vì đây là 2 luật giải quyết những vấn đề rất bức xúc của cuộc sống hiện nay, “nếu như không giải quyết được thì có sửa các luật khác cũng không giải quyết được vấn đề gì.
Theo đại biểu Hoàng Ngọc Thái (Ninh Thuận) thì “mất an ninh trật tự, mất cán bộ, mất niềm tin” cũng từ những bất cập của luật này.
Đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) phản ánh, hiện nay cử tri rất bức xúc về đất đai. Có lúc, hàng trăm người đến “vây” văn phòng Quốc hội khiếu kiện về đất đai. Và đại biểu - đại diện cho dân - phải “thoát” bằng cửa sau.
Cũng như nhiều ý kiến khác, đại biểu Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An) cho rằng vì khó mà xin lùi thì không thể được.
Bên cạnh luật đất đai, đạ số các ý kiến đều đề nghị không nên lùi thời hạn xem xét luật bảo hiểm tiền gửi. Vì đây là những nội dung hết sức quan trọng, cử tri nóng lòng từng ngày.
Bổ sung dư án Luật Báo chí (sửa đổi) và luật quảng cáo vào chương trình là đề nghị của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn). Ông dẫn lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là dự án Luật Báo chí sửa đổi đã được chuẩn bị, “Chính phủ đã có báo cáo sang Quốc hội đăng ký thông qua Luật Báo chí vào kỳ họp thứ 7”, nhưng hiện nay không thấy trong chương trình.
Cũng theo vị đại biểu này, sửa Luật Quảng cáo rất cấp thiết, vì đã xuất hiện nhiều loại hình quảng cáo mới, như quảng cáo trên báo điện tử, trên blog, trên trang web, trên điện thoại di động mà luật cũ chưa điều chỉnh. Pháp lệnh Quảng cáo chưa điều chỉnh được và nếu có điều chỉnh cũng chưa hợp lý. Ví dụ quy định là không được quảng cáo hàng hóa, dịch vụ trên trang 1, bìa 1 đối với báo điện tử thì không đúng vì báo điện tử không có trang 1.
Vị giáo sư này cũng chuyển đến Quốc hội “đề nghị khẩn thiết” của cử tri, trong đó có nhiều trí thức, cần xây dựng luật để cứu tiếng Việt, vì hiện “tiếng Việt đang bị xâm lăng”.
Một số vị đại biểu đề nghị rút dự án Luật Thủ đô, Luật Giáo viên ra khỏi chương trình vì đã được quy định tại các luật khác.
“Muốn thì chưa có, có thì chưa muốn”
Nhiều đại biểu phàn nàn hệ thống luật pháp phân tán, tuổi thọ của một số luật quá ngắn, áp dụng rất khó khăn. Trong khi đó nhiều dự án luật mới thì chuẩn bị cập rập, lấy ý kiến không rộng rãi, gửi đến đại biểu muộn (có khi tối hôm trước mới gửi sáng hôm sau đã trình ra Quốc hội). Điều này khiến các đại biểu “không tham gia thì không có trách nhiệm mà tham gia sai thì càng không có trách nhiệm hơn”.
Trong khi đó cơ quan thẩm tra thì chỉ dừng lại ở việc đôn đốc, chờ đợi, nhiều lúc, ý kiến thẩm định nước đôi, rất khó cho đại biểu quyết định, tận khi “nhấn nút còn chưa thấy thỏa mãn”.
Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) cho rằng việc soạn thảo các dự án luật thì không thể ép nên “cái ta muốn thì chưa có, cái nào có thì chưa muốn”.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) là do việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh còn “hết sức là tùy tiện, muốn đưa vào thì đưa vào, rút ra thì rút ra không theo trình tự nào cả”.
Vị đại biểu này đề nghị, việc tiếp thu giải trình phải do ban soạn thảo thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ làm trọng tài thôi, chứ Ủy ban giải trình không lẽ đại biểu lại “cãi”.
Đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị, cần kiên trì tính ưu tiên và tính đồng bộ trong làm luật, tránh tình trạng dễ làm trước, khó làm sau. Nên hạn chế dùng 1 luật sửa nhiều luật.
Có đại biểu đề nghị xem xét trách nhiệm của bộ trưởng trong việc soạn thảo luật, tốt thì được khen thưởng, còn chưa tốt thì cũng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
"Chính phủ đã rất cố gắng"
Sau rất nhiều ý kiến phê bình Chính phủ chưa đảm bảo tiến độ nhiều dự án luật ngay tại phiên thảo luận , Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cũng xin lùi dự án Luật Thanh tra từ kỳ họp thứ 6 sang kỳ họp thứ 7. Vì “chúng tôi thấy với thời gian đó mới có thể đảm bảo việc chuẩn bị chặt chẽ, chu đáo và có chất lượng tốt”.
Và, sau hai lần gợi ý của người điều hành phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng “thanh minh” về những chậm trễ trong một số dự luật.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ đã rất ráo riết khắc phục yếu kém trong việc chuẩn bị các dự án luật và đã có chỉ thị riêng để tăng cường trách nhiệm trong lĩnh vực này.
Riêng về đất đai, phát biểu “thay Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường” ông Cường cho biết những vướng mắc chủ yếu lại vướng mắc ở nghị định của Chính phủ chứ không phải vướng ở luật. Vậy nên Chính phủ mới đề nghị tạm lùi để xây dựng nghị định mới sửa đổi bổ sung những nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải trình, đã thực hiện đầy đủ quy trình, báo cáo gồm 4 nhóm vấn đề và 21 nội dung cần sửa đổi. Song Chính phủ thấy rằng cần phải nghiên cứu thêm để sửa toàn diện, nhất là việc phân cấp quản lý ngân sách. “Xin lùi đến năm 2010 sẽ sửa đổi toàn diện, để thực hiện lâu dài và phát huy hiệu quả”, vị “tư lệnh” ngành tài chính nói.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói thêm, việc lùi thời hạn sửa Luật Đất đai có lý dơ cơ bản là nhiều chính sách đất đai lớn chưa tổng kết đánh giá được như hạn điền, quy hoạch… nên cần có thêm thời gian để tránh phải sửa đi sửa lại.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy