Cụ thể hóa Luật Thủ đô, kiến trúc phố phường Hà Nội sẽ không bị phá?

Cập nhật 17/10/2013 13:55

Người dân thiếu tuân thủ, đơn vị chức năng thì dung túng, thiếu kiên quyết nên quy hoạch đô thị ở nhiều tuyến phố của Thủ đô bị phá vỡ. Với lộ trình cụ thể hóa Luật Thủ đô, Hà Nội đang trình phương án khắc phục tình trạng này tại 4 quận nội thành.

Người dân thiếu tuân thủ, đơn vị chức năng thì dung túng, thiếu kiên quyết nên quy hoạch đô thị ở nhiều tuyến phố của Thủ đô bị phá vỡ. Với lộ trình cụ thể hóa Luật Thủ đô, Hà Nội đang trình phương án khắc phục tình trạng này tại 4 quận nội thành.

Nhà xây mới trong phố cổ: Đều vi phạm

Khu phố cổ Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm gắn liền với kinh thành Thăng Long xưa đã trải qua 13 thế kỷ đến nay. Theo các nhà nghiên cứu, phố cổ Hà Nội có những mẫu kiến trúc đặc trưng: Kiến trúc nhà cổ truyền thống Việt Nam; kiến trúc Trung Hoa; kiến trúc thời thuộc Pháp và kiến trúc giai đoạn 1954 -1986, nền kinh tế kế hoạch hóa bao cấp với nhà thấp tầng, mái dốc.

Phố cổ Hà Nội đậm nét đặc trưng về cấu trúc khu đô thị cổ và đặc trưng về kinh tế - phố nghề. Xen lẫn với các công trình kiến trúc nhà ở là các di tích tôn giáo, lịch sử, văn hóa... Các lễ hội gắn với đình, đền, chùa, di tích cùng văn hóa, lối sống của người dân trong khu phố cổ tạo nên bản sắc riêng. Tuy nhiên, các giá trị này đang bị đảo lộn nghiêm trọng.

Theo thống kê của Sở QH&KT Hà Nội, trong tổng số 550 công trình có giá trị thì có tới 215 công trình có giá trị đặc biệt. Với số dân khoảng 66.000 người và 15.000 hộ dân đang cư trú, do không kiểm soát được gia tăng nên mật độ dân số tại đây cao nhất TP với khoảng hơn 850 người/ha; hạ tầng kỹ thuật, xã hội bị quá tải; chỉ tiêu về cây xanh, giao thông tĩnh... bị phá vỡ. Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng, một phần do người dân tự ý cải tạo, nâng cấp, hoặc phá bỏ để xây dựng nhà theo kiến trúc mới.

Ghi nhận của PV báo PL&XH ngày 16-10: Còn rất ít đoạn, tuyến phố ở khu vực phố cổ giữ được quang cảnh, kiến trúc đồng nhất và đẹp mắt. Đa số các tuyến phố kiến trúc hiện đã bị biến dạng do xây dựng kiểu mạnh ai nấy làm.

Tại số nhà 27 Hàng Bông; số 29-31 Hàng Mắm; số 1 Ngõ Gạch; số 4A, 14-16 ngõ Bảo Khánh... nhan nhản những công trình cao 7-8 tầng, cái thò ra, cái thụt vào. Số 42 Hàng Trống, căn nhà 5 tầng được mới xây có bề ngang chỉ khoảng 1,5m. Trên phố Hàng Ðiếu và nhiều con phố khác, nhà dân được gia cố, cơi nới với ba-lô, chuồng cọp “lố nhố” nhoài ra mặt phố. Nhiều nhà ở khu phố cổ được thuê để làm khách sạn, cửa hàng hoặc đại lý du lịch được chồng cao 5-6 tầng, thậm chí là 8 tầng. Và hàng loạt những căn nhà nằm sâu trong ngõ vi phạm nghiêm trọng hơn khi cao tới cả chục tầng, với quy mô bề thế, phá nát không gian chung. Một lãnh đạo Thanh tra Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, nói với PV báo PL&XH, đa số các công trình xây mới trong phố cổ đều sai phạm. “Quy hoạch cho xây 3 tầng phía ngoài, nhưng lại toàn 5-6 tầng, thậm chí là 7-8 tầng, đua khoảng không…” - vị này dẫn chứng và nói sai phạm về số tầng và mật độ là phổ biến.

Theo Sở QH&KT Hà Nội, ngay cả với 1.081 công trình có giá trị được xác định từ năm 1999 nay chỉ còn lại hơn 500 công trình cũng đã biến dạng nhiều, mà chủ yếu do quản lý yếu kém.

Còn rất ít tuyến phố ở khu vực phố cổ giữ được quang cảnh, kiến trúc đồng nhất và đẹp mắt.     Ảnh: Quang Minh

Luật Thủ đô cứu phổ cổ

Nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô và giảm tải mật độ xây dựng, dân cư trong nội đô, TP đang xây dựng bộ quy chuẩn để quy định các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc tại 4 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa, chủ yếu để quản lý xây dựng.

Theo đề án, khu vực Ba Đình được quy hoạch đảm bảo mục tiêu bảo tồn, tôn tạo các giá trị lịch sử, văn hóa di sản, các công trình kiến trúc phải trang nghiêm, mang tính chính trị cao và không khống chế số tầng cao công trình song mật độ xây dựng mỗi lô đất là 30%.  Khu phố cổ hạn chế phát triển nhà ở và dân số ở mức dưới 500 người/ha. Vì thế, các ngôi nhà nằm trên mặt phố được quy hoạch rộng hơn 40m bị khống chế không được xây dựng quá 3 tầng, chiều cao tối đa đến đỉnh mái không quá 12m. Lớp nhà phía trong có thể được xây đến 4 tầng nhưng chiều cao không quá 16m.

Các công trình xung quanh hồ Gươm gồm các phố: Hàng QBông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng, Nhà Chung, Nhà Thờ, Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ khi xây dựng không được phá vỡ cảnh quan, không gian mặt nước, các công trình công cộng, di tích lịch sử... Nhà mặt phố được xây không cao quá 4 tầng (16m), còn nhà lớp sau xây dựng không quá 6 tầng (24m).

Khu phố cũ được chỉ định chiều cao công trình không quá 6 tầng và khu vực hạn chế phát triển thuộc các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa từ vành đai 2 trở vào trung tâm được giới hạn chiều cao công trình từ 5-7 tầng.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó GĐ Sở VH-TT&DL Hà Nội, cần nghiêm túc không cấp phép công trình khách sạn mới dưới 10 phòng, nhất là ở khu vực quận Hoàn Kiếm do mật độ khách sạn hiện đã nhiều, dân số đông nên cần giãn ra các khu vực khác. Và cần xem xét lại chỉ tiêu điểm đỗ xe cho du khách vì diện tích đất nội đô khá eo hẹp. Lãnh đạo UBND TP cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo quy chuẩn quy hoạch kiến trúc đô thị và yêu cầu sau này các công trình xây dựng phải bắt buộc tuân theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị mới được cấp giấy phép xây dựng.

Theo lộ trình cụ thể hóa Luật Thủ đô, những nội dung trên sẽ được Hà Nội tiếp tục chỉnh sửa và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12-2013.

“Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 là căn cứ quản lý, cấp phép đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, chỉnh trang. Cùng với đó, Luật Thủ đô cũng quy định về việc bảo tồn và phát huy các giá trị của khu phố cổ Hà Nội. Dự án giãn dân phố cổ của TP cũng đang được triển khai khẩn trương để bộ mặt 36 phố phường dần lấy lại giá trị vốn có”.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật Xã Hội