Công trình sai phép nộp phạt để tồn tại: Chính quyền bất lực?

Cập nhật 26/02/2014 09:58

Cho phép nộp phạt để những công trình xây dựng trái phép được tồn tại, được nhận định là biện pháp tình thế trong hoàn cảnh bất lực của cơ quan quản lý….

Cho phép nộp phạt để những công trình xây dựng trái phép được tồn tại, được nhận định là biện pháp tình thế trong hoàn cảnh bất lực của cơ quan quản lý….

>> Xây sai, chỉ bị phạt không cần tháo dỡ!

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 02 hướng dẫn nghị định 121 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Một trong những nội dung mới của thông tư này là quy định về cách tính giá trị phần xây dựng sai phép, không phép làm cơ sở để tính số tiền phạt mà chủ đầu tư công trình phải nộp cho Nhà nước.

"Con lỡ sai", bố mẹ phải làm sao?

Theo Thông tư nếu chủ đầu tư công trình xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế hoặc sai thiết kế đô thị được duyệt mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất được sử dụng hợp pháp thì được đóng tiền phạt để hợp thức hóa công trình (điều chỉnh giấy phép xây dựng và không phải tháo dỡ phần nhà trái phép).

Cụ thể, đối với công trình vi phạm xây dựng nhưng chưa thực hiện tháo dỡ, cơ quan chức năng xem xét hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ. Sau đó, cấp thẩm quyền phạt mức 40% đối với nhà ở riêng lẻ, với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng phạt 50% giá trị công trình sai phép, không phép.

Một công trình xây dựng sai phép ở phố Bùi Thị Xuân (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hà

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đực Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM , đồng tình với quy định trên và cho rằng, không phải vô lý mà Bộ Xây dựng lại ra văn bản nới luật cho người dân và DN được dễ thở như vậy.

"Bản thân Bộ Xây dựng cũng đã nhìn lại và nhận ra có quá nhiều thủ tục cấp phép nhiêu khê, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Chính Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng phải thừa nhận trước diễn đàn Quốc hội và hứa sẽ giảm tối đa thủ tục cấp phép xây dựng. Tuy nhiên có lẽ vì chưa sửa gốc được nên đành sửa ngọn trước mắt để DN và người dân được dễ thở"

Theo ông Đực, với mức phạt trên, DN hoàn toàn có thể chấp nhận nộp phạt thay vì phải làm thủ tục chuyển đổi. "So với những nhiêu khê, phiền hà mất công xin giấy phép chuyển đổi, làm lại hồ sơ, thời gian chờ đợi thì chi phí nộp phạt để được làm sai nhiều khi còn rẻ hơn."

Tuy nhiên, lãnh đạo công ty địa ốc Đất Lành cũng cho rằng dư luận không nên suy diễn rằng "doanh nghiệp sẽ cố tình làm sai rồi chấp nhận chịu phạt ". "Có làm doanh nghiệp xây dựng mới thấu hiểu được nỗi khổ khi đi xin thủ tục cấp phép chuyển đổi xây dựng. Nhiều khi chỉ vì một cái cầu thang, cái toilet, hay ban công không đúng vị trí cũng phải làm lại hồ sơ thiết kế chờ tới 3 đến 6 tháng mới được duyệt…"

Ông Đực nêu ý kiến, không nên có thái độ quá khe khắt với nội dung cho phép nộp phát để các công trình vi phạm không bị tháo dỡ: " Cha mẹ quy định cho phép con cái đi chơi tới 10g tối là phải về song cũng có khi vì lý do nào đó mà tới 10g30, thậm chí là 11g đêm con mới về. Trong trường hợp này, cha mẹ đánh vài roi là được rồi chứ chả nhẽ lại giết con?"

Tạo tiền lệ xấu

"Phạt để cho tồn tại, vậy Luật để làm gì?", TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng, đặt vấn đề.

Theo TS Phạm Sĩ Liên, việc ra Thông tư cho phép nộp phạt để những công trình trái phép được tồn tại, là biện pháp trong hoàn cảnh bất lực của cơ quan quản lý.

"Lâu nay, người ta vẫn nghe nói chuyện xin cho trong cấp phép xây dựng. Bộ Xây dựng có lẽ cũng đã nhìn thấy và thấu hiểu chuyện quy định thì cứ quy định còn vi phạm vẫn cứ vi phạm. Bộ không thể làm ngơ nên ít nhất cũng đưa ra hành động phạt tiền còn hơn là buông lỏng. Rõ ràng giữa một bên tồn tại mà không phạt , thì việc cho phép chịu phạt để tồn tại thì cũng vẫn hơn…". TS Phạm Sĩ Liêm nói.

Từ phía cơ quan cấp phép xây dựng cũng còn nhiều bất cập dẫn tới vô lý: "Anh cấp phép nhiều khi cũng không đưa ra được cái lý để người dân nể phục. Tại sao tòa nhà chỉ được xây 12 tầng mà 13, 14 tầng lại không được? Tại những vị thế đặc biệt, theo quy hoạch kiến trúc đô thị, thì không nói làm gì nhưng nhiều khi tại cùng khu phố có nhà được lên 8 tầng mà ngay gần đó thì lại không? Có lẽ vì thực tế này nên Bộ Xây dựng mới không quá kiên quyết trong xử lý…", TS Liêm phân tích.

Tuy nhiên, về hiệu ứng dư luận, rõ ràng những văn bản mang tính "thỏa hiệp " như trên sẽ tạo tiền lệ luật "vô nguyên tắc".

Theo TS Liêm, để "có thể chấp nhận được", tạo sức răn đe, nội dung của Thông tư cần phải quy định rõ trường hợp nào được nộp phạt, trường hợp nào sẽ bị tháo dỡ thậm chí là thu hồi để xung công.

"Không thể chấp nhận tất cả trường hợp vi phạm đều chỉ nộp phạt là xong. Trường hợp xây nhà cấp bốn trên đất trái phép hoặc cố ý "đội tầng" hoàn toàn có thể cho tháo dỡ chứ có khó khăn gì đâu? Nên chia ra các trường hợp chứ cứ hễ vi phạm thì lại cho phạt để tồn tại thì luật chẳng còn giá trị răn đe được ai…", nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.


DiaOcOnline.vn - Theo Chất lượng Việt Nam