Chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội - Hạ tầng phải đồng bộ

Cập nhật 24/09/2013 09:22

Trước phản ánh của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại (NƠTM) xin chuyển sang nhà ở xã hội (NƠXH), “chẻ nhỏ căn hộ” giải quyết quá chậm, ngày 23-9, UBND TPHCM đã tổ chức cuộc họp bàn biện pháp xử lý vướng mắc này.

Trước phản ánh của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại (NƠTM) xin chuyển sang nhà ở xã hội (NƠXH), “chẻ nhỏ căn hộ” giải quyết quá chậm, ngày 23-9, UBND TPHCM đã tổ chức cuộc họp bàn biện pháp xử lý vướng mắc này.

  Khu trung tâm: không “chẻ”, không chuyển đổi

Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP: “giải quyết chung, không xem xét, giải quyết riêng lẻ từng trường hợp”, sở đã chủ trì làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, Tài chính cùng 8 quận huyện có dự án xin điều chỉnh như trên.

Qua tổng hợp ý kiến, Sở Xây dựng chính thức kiến nghị thành phố không cho phép điều chỉnh các trường hợp: đó là khu trung tâm 930ha, vì đây là khu trung tâm hiện hữu và đã được UBND TP ban hành quyết định duyệt quy chế quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan. Các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư nhưng chưa được cấp phép xây dựng, hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án theo Nghị định 90/2006 nhưng chưa đủ điều kiện khởi công, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính sẽ không được điều chỉnh. Riêng trường hợp “chẻ căn hộ” trong dự án NƠTM và chuyển từ NƠTM sang NƠXH nhưng có thay đổi tổng diện tích sàn xây dựng công trình nhà ở đã được phê duyệt: Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoặc UBND quận huyện sẽ xem xét việc điều chỉnh quy hoạch 1/500 hoặc tổng mặt bằng trước khi điều chỉnh.

Ngoài ra, các dự án còn lại sẽ được phép điều chỉnh. Tuy nhiên, tiêu chí chung phải bảo đảm chỉ tiêu dân số trong công trình nhà ở được tính bình quân 25m² sàn sử dụng căn hộ/người và không vượt quá quy mô dân số đã duyệt. Các dự án điều chỉnh phải đảm bảo về diện tích chỗ để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các tiện ích công cộng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mặt khác, các dự án “khoét lõm” xây dựng trong khu dân cư hiện hữu khi xem xét “chẻ nhỏ căn hộ”, các cơ quan chức năng phải chú ý đến việc đảm bảo đúng quy hoạch được duyệt của từng khu vực cụ thể.

Tại cuộc họp, ông Quách Hồng Tuyến đã thông báo chính thức kết quả thực hiện điều chỉnh tới thời điểm này như sau. Đối với các dự án điều chỉnh NƠTM có diện tích lớn sang diện tích nhỏ, sở đã trình 6 dự án, thành phố mới đồng ý một dự án, đó là chung cư 171A Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình do Công ty cổ phần May Tiến Phát làm chủ đầu tư. Về dự án chuyển đổi từ NƠTM sang NƠXH, sở đã trình 3 dự án, hiện thành phố chấp thuận một dự án, đó là dự án tái định cư Thảo Điền, quận 2 do Công ty cổ phần Đầu tư Thủ Thiêm làm chủ đầu tư.

  “Ưu tiên” vùng ven, ngoại thành

Phát biểu tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp cho biết phải “chờ đợi” để xin được điều chỉnh. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai cho biết, dự án tại xã Bình Hưng, Bình Chánh đã xây xong phần thô, chấp nhận chịu lỗ, giảm từ 20 triệu đồng xuống còn 12 triệu đồng/m2. Công ty đang xin chuyển sang NƠXH để người mua được vay 6%/năm nhưng chưa duyệt. Chủ đầu tư dự án Hưng Điền quận 8 cho biết, đã nộp hồ sơ xin chuyển sang NƠXH 5 tháng rồi nhưng cũng đang chờ.

Khẳng định không có việc “ém hồ sơ”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín nói, băn khoăn chính là hàng loạt hệ lụy sau khi điều chỉnh. Đó là giải quyết quy hoạch về dân số và quy chuẩn thiết kế, ví dụ dự án được chia nhỏ căn hộ thì cơ cấu dân số thế nào, có ảnh hưởng kết cấu về quy chuẩn hay không; nhà chưa xây có thể điều chỉnh nhưng nhà xây rồi hạ tầng kỹ thuật nằm bên trong tòa nhà, khi “chẻ ra” sẽ xử lý ra sao? Đồng ý cơ bản đề xuất của Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cho biết, thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, việc cho chuyển đổi sẽ tạo tính thanh khoản cho thị trường nhưng phải xem xét trên tổng thể, phải đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Không đơn thuần xây nhà là người dân sẽ đến ở, nếu nơi đó không đảm bảo kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cho dù có nhà cao cấp, biệt thự! Chủ trương của thành phố là đồng tình với doanh nghiệp nhằm giải quyết cho chẻ nhỏ căn hộ, chuyển đổi NƠTM sang NƠXH. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt khó mà còn giúp người dân, cán bộ công chức mua được nhà giá tốt, diện tích phù hợp. Nhưng trước mắt chỉ giải quyết cho các dự án ở vùng ven, còn nội thành chưa xem xét, nếu không đáp ứng được hạ tầng, dân số. Cái khó hiện nay là làm sao giải được bài toán khó khăn trước mắt, nhưng về lâu dài không ảnh hưởng. Bởi hiện nay thấy khó khăn mà dễ dàng cho chuyển đổi, thời gian sau sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài gòn giải phóng