Chủ đầu tư và nhà thầu phải cẩn trọng hơn

Cập nhật 16/10/2013 14:05

Sắp tới, khi dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-6-2014, các bên tham gia hoạt động đấu thầu đều phải cẩn trọng hơn, bởi sẽ không còn cơ hội sửa sai. Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chuyên gia tham gia soạn thảo dự án luật này đã chia sẻ với Báo SGGP một số khuyến nghị của ông đối với bên mời thầu và các nhà thầu.

Sắp tới, khi dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-6-2014, các bên tham gia hoạt động đấu thầu đều phải cẩn trọng hơn, bởi sẽ không còn cơ hội sửa sai. Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chuyên gia tham gia soạn thảo dự án luật này đã chia sẻ với PV một số khuyến nghị của ông đối với bên mời thầu và các nhà thầu.


Đấu thầu xây dựng hạ tầng sẽ giúp công trình có giá cả hợp lý và chất lượng cao. Ảnh: CAO MINH

    Chặn tiêu cực đội giá

Tôi còn nhớ, tại các phiên họp cho ý kiến về dự thảo Luật Đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hơn một lần tỏ ra bức xúc về tình trạng bỏ thầu giá rẻ để trúng thầu, rồi sau đó tìm cách nâng giá lên. Chủ tịch Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng luật không nên quy định về việc điều chỉnh giá hợp đồng, làm “đội giá thầu”, tăng tổng mức đầu tư.

Tiếp thu ý kiến này, dự luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản, chủ đạo, được phép áp dụng cho tất cả các loại gói thầu. Nội dung về hợp đồng trọn gói cũng được quy định một cách chặt chẽ hơn, theo đó, không cho phép điều chỉnh giá trong quá trình thực hiện hợp đồng trọn gói và giá hợp đồng trọn gói phải tính toán đầy đủ các yếu tố rủi ro.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng loại hợp đồng trọn gói có ưu điểm là giá được giữ cố định trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng, nhưng cũng có nhược điểm là các dự phòng về yếu tố giá đều được tính toán vào giá hợp đồng, tạo ra tình trạng giá ảo do nhà thầu tham dự đấu thầu luôn chào giá ở mức cao để tránh rủi ro. Như vậy không những giảm tính cạnh tranh, mà còn dễ dẫn đến tình trạng nhà thầu “bỏ của chạy lấy người” nếu giá biến động lớn. Về phía chủ đầu tư, nếu muốn điều chỉnh phạm vi hợp đồng cũng có thể sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Bên cạnh đó, cũng không thể áp dụng loại hợp đồng trọn gói cho mọi gói thầu.

Do vậy, bên cạnh loại hợp đồng trọn gói là chủ đạo, dự án luật cũng quy định thêm các loại hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh và hợp đồng theo thời gian. Mặc dù vậy, đối với mọi loại hợp đồng thì khi điều chỉnh giá đều phải tuân thủ nguyên tắc: giá sau khi điều chỉnh không vượt giá gói thầu hoặc dự toán được phê duyệt. Trường hợp dự án, dự toán mua sắm gồm nhiều gói thầu, thì tổng giá hợp đồng sau điều chỉnh phải bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư, dự toán mua sắm được phê duyệt. Không có chuyện “vung tay quá trán” được nữa.

Điều này có nghĩa chủ đầu tư sẽ phải cân nhắc thật kỹ khi “ra đề bài” cho các nhà thầu. Về phần mình, các nhà thầu cũng phải dự liệu rất sát, vì nếu dự phòng rộng rãi quá thì có nguy cơ trượt thầu, nhưng không tính hết mọi khả năng thì cầm chắc thua lỗ.

    Chất lượng là yêu cầu số 1

Trên thực tế, hoạt động đấu thầu hiện nay thường bị phàn nàn “giá rẻ, chất lượng thấp”. Luật sửa đổi lần này thể hiện rõ phương châm chất lượng công trình là yêu cầu số 1, sau đó mới yêu cầu về giá.

Để hiện thực hóa tinh thần đó, các văn bản hướng dẫn thực hiện luật sẽ có sự điều chỉnh, bổ sung về quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu. Đơn cử là việc cho phép thực hiện phương thức đấu thầu 2 túi hồ sơ. Những đề xuất về kỹ thuật cho vào một túi, đề xuất về mặt tài chính cho vào một túi khác. Trước đây (đối với đấu thầu xây lắp và mua sắm hàng hóa) hội đồng xét thầu sẽ mở cùng một lúc cả hai túi này để chấm. Cách này có hạn chế là trong trường hợp có một nhà thầu chào giá rất thấp thì hội đồng xét thầu sẽ bị áp lực tâm lý, nếu kỹ thuật của họ hơi yếu một chút cũng không mạnh tay loại bỏ, vì lý do khá tế nhị là dễ bị nghi ngờ: tại sao giá thấp không chọn, lại chọn giá cao?

Lần này, quy định cho phép mở túi hồ sơ kỹ thuật trước, chấm sòng phẳng, ai đạt kỹ thuật và kinh nghiệm rồi mới bóc túi hồ sơ tài chính. Điều này có nghĩa khi xem xét về kỹ thuật sẽ chỉ tập trung vào đó, không bị chi phối bởi yếu tố giá thấp, giá cao. Chỉ những nhà thầu đảm bảo chất lượng tốt rồi, mới xét đến tính cạnh tranh về giá.

Tôi cho rằng, cách này vừa đảm bảo cho các công trình có chất lượng tốt hơn, vừa làm rõ trách nhiệm của người chấm thầu, duyệt thầu. Người ngay cũng không bị áp lực về giá cả làm chùn tay; còn người không ngay thẳng hết cơ hội biện minh, đổ lỗi loanh quanh khi công trình gặp sự cố về kỹ thuật.

    Đừng trông chạy “chỉ định”

Tới đây, luật được chỉnh lý theo hướng chỉ áp dụng chỉ định thầu trong những trường hợp đặc biệt. Sẽ không thể tùy tiện “chẻ nhỏ” gói thầu để được áp dụng phương thức chỉ định; bởi các quy định về điều kiện, quy trình, tiêu chí áp dụng chỉ định thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư đều đã được luật định.

Dĩ nhiên, cũng có những trường hợp gói thầu đơn giản, gói thầu có giá trị nhỏ, dưới một hạn mức nhất định thì áp dụng chỉ định thầu là cách thức tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy vậy, hạn mức tối đa để được chỉ định thầu đã được điều chỉnh thấp xuống rất nhiều, cụ thể không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn và không quá 200 triệu đồng đối với gói thầu mua sắm thường xuyên. Ngoài ra, hành vi chia nhỏ dự án thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu được coi là một trong các hành vi bị cấm.

Thông điệp mà các cơ quan lập pháp muốn gửi gắm đến các bên có liên quan trong hoạt động đấu thầu ở đây là phải nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự của mình chứ không thể trông chờ vào “năng lực” chạy chọt xin - cho.

Tôi muốn lưu ý thêm một chi tiết nhỏ, nhưng không kém phần quan trọng đối với các bên tham gia dự thầu, khi hoạt động đấu thầu qua mạng được triển khai rộng rãi hơn, tiến tới đạt được một tỷ lệ nhất định theo lộ trình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chuẩn bị thông tư hướng dẫn việc đấu thầu qua mạng; nhưng có thể nói là các nhà thầu sẽ phải rất thận trọng khi làm hồ sơ dự thầu. Trước đây, ngay trước giờ đóng thầu, đơn vị dự thầu vẫn có thể bổ sung, điều chỉnh hồ sơ thầu thì bây giờ một khi đã “nộp bài” qua mạng, họ sẽ không có cơ hội sửa chữa nữa. Do vậy, bên cạnh việc chuẩn bị thật tốt các điều kiện về kỹ thuật và nhân lực (đã từng có việc dung lượng hồ sơ thầu quá lớn nên thời gian gửi hồ sơ rất lâu và có thể bị lỗi, cần dự liệu trước); nhà thầu phải kiểm tra thật kỹ toàn bộ hồ sơ trước khi nhấn nút “send”.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài gòn giải phóng