Ngày 20-11 tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2010, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã chính thức công bố dự thảo đề án “Tiếp tục đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn đến năm 2020”...
Ngày 20-11 tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2010, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã chính thức công bố dự thảo đề án “Tiếp tục đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn đến năm 2020” mà hướng quan trọng được nhắm đến là các doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra giải pháp đột phá về đầu tư xây dựng cơ bản.
Nhiều dự án lớn hiện do vướng thủ tục nên việc triển khai rất chậm. Vì vậy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị phải tìm cơ chế mới để đẩy nhanh tiến độ. Trong ảnh: đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương vừa qua bị kéo dài do cấp vốn chậm - Ảnh: Minh Đức |
Giảm 30-40% thủ tục thuế, hải quan
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định năm 2009 có thể là năm tăng trưởng thấp nhất kể từ 2001 nhưng so với thế giới, đây là một thành tích. Theo báo cáo mới nhất, Thủ tướng cho biết ngoài du lịch, xuất khẩu giảm, kiều hối năm 2009 cũng mới được 5,8 tỉ USD so với khoảng 8 tỉ USD năm 2008. Cộng với những yếu kém nội tại chưa khắc phục được nhiều nên tăng trưởng năm nay chỉ khoảng 5,2%, dù Ngân hàng Thế giới dự báo là 5,5%.
Đề nghị lập Ủy ban cải cách và phát triển Để nâng cao hiệu quả đầu tư, giải pháp của Bộ KH-ĐT là cần phải xây dựng tiêu chí chất lượng nhà đầu tư theo hướng sử dụng ít tài nguyên, đất đai, lao động rẻ tiền hơn, thậm chí không cấp đất cho những dự án không đủ tiêu chí về chất lượng. Chính phủ cũng cần tách bạch ba chức năng quản lý hành chính, điều tiết thị trường và thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước. Táo bạo hơn, Bộ KH-ĐT kiến nghị có thể thành lập mới cơ quan trung ương chuyên tham mưu tổng hợp, có thể gọi là Ủy ban cải cách và phát triển. Ủy ban này sẽ có đủ thẩm quyền soạn thảo, định hướng, kiểm soát chất lượng chính sách và yêu cầu sửa đổi khi cần thiết. |
Theo Thủ tướng, năm 2010 tư tưởng chỉ đạo là phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có lạm phát. Phải nâng cao chất lượng tăng trưởng, đồng nghĩa với việc phải chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nhà nước phải tạo môi trường tốt cho dân kinh doanh và đề nghị lấy đây làm tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Cho biết về phần Chính phủ đã rất quyết tâm cắt giảm thủ tục hành chính nhưng đây đó còn người thực thi vẫn làm khó người dân, Thủ tướng chỉ đạo các cấp phải quyết liệt chấn chỉnh.
Nhắc đến thủ tục hành chính, hướng xuống đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Thủ tướng hỏi: “Tại sao việc mua máy soi để không phải mở container của doanh nghiệp, tôi yêu cầu đã lâu sao mãi chưa làm được?”.
Thuế đang chiếm hơn 1.000 giờ của doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cần giảm 30-40% thủ tục hành chính để trước mắt doanh nghiệp chỉ mất khoảng 600 giờ/năm. “Mỗi doanh nghiệp được 400 giờ, nhân với mấy trăm ngàn doanh nghiệp, lợi ích của nền kinh tế là rất lớn” - Thủ tướng nói.
Về vướng mắc lớn hiện nay là thủ tục đầu tư, đấu thầu, Thủ tướng yêu cầu đích thân bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) phải nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc. “Trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, tôi có nghe Trùng Khánh và một số tỉnh của Trung Quốc ba năm làm được 2.000km đường cao tốc. Hỏi cách làm, họ nói nếu cứ lập dự án, phê duyệt mất vài năm thì Trung Quốc giờ chẳng có gì. Trung Quốc đưa ra quy định cho phép vừa thiết kế vừa thi công rồi hậu kiểm, ai làm sai xử rất nghiêm. Đường sắt lên Tây Tạng cũng làm như thế nên mới nhanh được”.
Từ kinh nghiệm đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cơ chế nào làm nhanh mà vẫn đảm bảo chất lượng thì phải nghiên cứu áp dụng. “Tiền đã vay về mà như đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đấu thầu một năm mới xong” - Thủ tướng nhấn mạnh. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng nếu nghi ngờ tất cả cán bộ thì không làm được, vì vậy phải cho làm và hậu kiểm.
Người dân đóng thuế ở Chi cục Thuế Q.7, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Chuyển tất cả doanh nghiệp nhà nước sang cổ phần
Theo Bộ KH-ĐT, những yếu kém về cơ cấu kinh tế của VN vẫn chưa được khắc phục, cộng với khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến tăng trưởng của VN giảm sút. Khẳng định cách tăng trưởng theo chiều rộng, dựa trên tăng sử dụng tài nguyên nay không còn hợp nữa, Bộ KH-ĐT cho biết có ba lý do phải đổi mới.
Thứ nhất, khả năng huy động vốn và lao động đã đến giới hạn, nếu không cải thiện hiệu quả thì tốc độ tăng trưởng không những không tăng mà còn có thể giảm dần. Thứ hai, nếu cứ duy trì cách tăng trưởng như hiện nay, các cân đối vĩ mô trở nên mong manh khiến Chính phủ luôn phải tìm cách đối phó, làm giảm khả năng ứng phó trước những biến động bất thường từ bên ngoài. Thứ ba, nếu cứ theo cách tăng trưởng hiện tại sẽ không thể cải thiện được mức sống của người dân, tiếp tục tăng lệ thuộc của kinh tế VN vào bên ngoài.
Về giải pháp, đề án của Bộ
"Kinh tế VN phục hồi không chỉ là con số, mà phải làm sao để thay đổi cả chất doanh nghiệp và sản phẩm" Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG |
KH-ĐT đề xuất năm giải pháp cho năm 2010 và bảy giải pháp lớn cho năm 2011-2013, trong đó chú trọng vào các doanh nghiệp nhà nước. Theo Bộ KH- ĐT, cần hoàn thành chuyển đổi tất cả doanh nghiệp nhà nước sang công ty TNHH hoặc cổ phần, bãi bỏ các kiểu bao cấp còn lại, tính đủ chi phí kinh doanh, gồm cả quyền sử dụng đất vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra cần bãi bỏ các đặc quyền và độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, xây dựng lại hoặc bổ sung chiến lược của các tập đoàn, tổng công ty, thiết lập cơ chế thường xuyên giám sát và đánh giá hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước... Ngược lại với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần thành lập hệ thống quỹ hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để nền kinh tế phát triển về tổng thể, Bộ KH-ĐT đề xuất sẽ thành lập các khu công nghiệp liên hoàn, các khu kinh tế tự do ven biển với quy mô lớn từng bước thay thế hệ thống các khu công nghiệp tự phát, phân tán và manh mún như hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư VÕ HỒNG PHÚC: VN có thể nghiên cứu áp dụng Về chỉ đạo của Thủ tướng nghiên cứu cách làm của Trung Quốc cho làm và hậu kiểm, theo tôi, đây là hướng tốt mà VN cũng có thể nghiên cứu áp dụng. Nhiều dự án đã bị chậm tiến độ, gây thiệt hại kinh tế khá lớn. Thực tế, một số lĩnh vực VN đã cho áp dụng việc hậu kiểm như các dự án FDI chúng ta chỉ quản lý bằng cách cho đăng ký, sau đó doanh nghiệp được làm và các cơ quan nhà nước sẽ đi kiểm tra. Bản thân các quy định trong Luật đấu thầu có gây khó khăn gì không, do luật này mới được sửa, nên theo tôi, đến năm 2010 khi tổng kết năm năm thi hành Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp sẽ kiểm tra lại để điều chỉnh nếu cần thiết. |
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ