Chỉ xây đến tám tầng ở ba tuyến đường trọng điểm

Cập nhật 19/08/2010 08:40

Phó Giám đốc Sở QHKT Hồ Quang Toàn cho rằng quy chế này chỉ cái khung để lấy ý kiến các cơ quan liên quan và là vấn đề quan trọng, đụng nhiều quy định nên sẽ chậm trình cho TP khoảng một tuần (trình vào cuối tuần sau) so với yêu cầu để đợi các quận, huyện có ý kiến thêm.

Nhà trên ba tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; xa lộ Hà Nội và đại lộ Đông Tây bị khống chế chiều cao, màu sắc, khoảng lùi…

“Nhà thuộc khu vực đô thị hiện hữu được cấp phép xây dựng tối đa tám tầng. Không phù hợp quy hoạch thì chỉ được xây một trệt, một lầu và một gác lửng”.

Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đề nghị như trên trong dự thảo quy định về quản lý xây dựng dọc theo ba tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, xa lộ Hà Nội và đại lộ Đông Tây để lấy ý kiến các sở, ngành và quận, huyện trong cuộc họp ngày 18-8. Ngay tại cuộc họp, các đại biểu đã phản đối dự thảo…

Quy định cả màu sắc, phong cách kiến trúc

Theo dự thảo, nhà ở liên kế trên mặt tiền các con đường này phải có khoảng lùi tại tầng trệt là 3,5 m so với ranh lộ giới. “Nếu không quy định khoảng lùi chung sẽ dẫn đến tình trạng nhà nhô ra, thụt vào rất ngổn ngang” - đại diện Trung tâm Thông tin quy hoạch (Sở QHKT) - đơn vị soạn thảo văn bản giải thích.

Cạnh đó, Sở còn đề nghị với công trình có chiều rộng nhỏ hơn 8 m sẽ không cho phép xây tầng hầm. Đất mặt tiền nằm trên ba con đường trên nhưng không phù hợp quy hoạch dân cư hiện hữu (bị “dính” quy hoạch “treo” như đất công trình công cộng, công viên cây xanh, đất phức hợp, đất đa chức năng, đất thương mại dịch vụ, đất nhà ở cao tầng, đất dân cư xây dựng mới hoặc lộ giới chưa giải tỏa), dự thảo kiến nghị chỉ được xây một trệt, một lửng và một lầu. Các công trình này cũng có khoảng lùi 3,5 m so với ranh lộ giới và cũng không cho phép xây tầng hầm.


Nhà cao thấp lộn xộn dọc tuyến đại lộ Đông Tây. Ảnh: HTD

Sở đề nghị: Mặt tiền của nhà ở ba tuyến đường trên không được sử dụng hai màu sơn và hạn chế công trình có phong cách và chi tiết kiến trúc cổ điển; không cho phép tách thửa nếu diện tích đất nhỏ hơn 60 m2; chỉ cấp phép quảng cáo trên khung kính ở độ cao từ 3,6 m đến 7 m trên mặt tiền công trình. Không cấp phép kinh doanh các ngành dịch vụ thương mại quy mô đông người như văn phòng, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại trường học cho các công trình có diện tích đất nhỏ hơn 150 m2. Nhà hàng, quán cà phê, hàng ăn uống nhỏ lẻ cũng bị đề nghị hạn chế hoặc không cho phép…

Chỏi luật, khó thực hiện

Ngay tại cuộc họp, các quận, huyện băn khoăn với những đề xuất trên. Đại diện Phòng QLĐT quận Tân Bình nói: Không thể ngăn cấm việc tách thửa đất vì đó là nhu cầu và quyền của người dân, việc tách thửa đất nên theo quy định hiện hành của TP. Quy định về tầng hầm, màu sắc, vật liệu công trình nên co dãn để người dân dễ thực hiện mà công tác quản lý cũng thuận lợi…

Đại diện quận Gò Vấp băn khoăn: Lộ giới ba tuyến đường trên có đoạn tới 60 m, nhiều căn nhà chỉ còn chiều dài chừng 5-6 m, nếu phải lùi thêm 3 m nữa, không có chỗ để làm cầu thang.

Trong khi chờ thiết kế đô thị của ba tuyến đường trọng điểm trên (dự kiến đến cuối năm 2010 mới xong), các quận, huyện đã giải quyết việc cấp phép xây dựng ở ba tuyến đường khác nhau: Có nơi ngừng để chờ thiết kế, có nơi cấp phép tạm, có nơi cấp phép bình thường. Cạnh đó, trên ba tuyến đường xuất hiện nhà siêu mỏng, kỳ dị... nên UBND TP đã giao Sở QHKT dự thảo quy định quản lý xây dựng nêu trên.
“Nhà dọc theo đại lộ Đông Tây mà phải lùi vào 3,5 m để làm hành lang thương mại thì dân khó đồng tình vì chức năng chính của đường này không phải là thương mại dịch vụ, bắt nhà nào cũng chừa hành lang khi họ cũng chẳng có nhu cầu là khó thuyết phục…” - đại diện quận 4 góp ý. Trưởng phòng Cấp phép xây dựng Sở Xây dựng Trần Quốc Tuấn cho rằng chỉ những khu đất lớn dành làm trung tâm thương mại dịch vụ mới quy định khoảng lùi, còn nhà ở của người dân thì không cần thiết. Ông Tuấn cũng đề nghị Sở QHKT phải nói rõ giấy phép xây dựng cấp trong khu vực quy hoạch “treo” là giấy phép tạm, công trình sẽ bị phá dỡ không bồi thường khi thực hiện dự án. “Còn quy mô thì Sở Xây dựng có kiến nghị cho phép tới năm tầng nếu chủ đầu tư đồng ý không đòi bồi thường” - ông lưu ý.

Riêng việc quản lý về tách thửa, giấy phép kinh doanh, quảng cáo thì các ý kiến tại cuộc họp đều cho rằng không phù hợp, chỏi các luật khác và không nên đưa vào dự thảo này.

Phó Giám đốc Sở QHKT Hồ Quang Toàn cho rằng quy chế này chỉ cái khung để lấy ý kiến các cơ quan liên quan và là vấn đề quan trọng, đụng nhiều quy định nên sẽ chậm trình cho TP khoảng một tuần (trình vào cuối tuần sau) so với yêu cầu để đợi các quận, huyện có ý kiến thêm.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP