Chặn tình trạng chỉ định thầu tràn lan

Cập nhật 15/10/2013 13:45

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XIII tới đây, QH sẽ thông qua dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đây là một trong những dự án Luật được kỳ vọng sau khi sửa đổi sẽ góp phần quan trọng trong chống tham nhũng. Nói như một ĐBQH, chỉ có tăng cường đấu thầu cạnh tranh theo hướng minh bạch và công bằng, thì mới vừa giúp Nhà nước ngăn chặn tình trạng thất thoát ngân sách, vừa đảm bảo chất lượng cho dự án.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XIII tới đây, QH sẽ thông qua dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đây là một trong những dự án Luật được kỳ vọng sau khi sửa đổi sẽ góp phần quan trọng trong chống tham nhũng. Nói như một ĐBQH, chỉ có tăng cường đấu thầu cạnh tranh theo hướng minh bạch và công bằng, thì mới vừa giúp Nhà nước ngăn chặn tình trạng thất thoát ngân sách, vừa đảm bảo chất lượng cho dự án.


Minh bạch trong đấu thầu sẽ giúp chống thất thoát, lãng phí đặc biệt là nguồn vốn từ NSNN. Ảnh Internet.

6 trường hợp được chỉ định thầu

Luật Đấu thầu hiện hành quy định 4 trường hợp được chỉ định thầu, trong đó quy định cụ thể hạn mức được áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn dưới 500 triệu đồng; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp thuộc dự án đầu tư dưới 1 tỷ đồng; gói thầu mua sắm hàng hóa thuộc nguồn chi thường xuyên dưới 100 triệu đồng.

Đa số ý kiến ĐBQH đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn việc chỉ định thầu, vì thực tế thi hành Luật Đấu thầu những năm qua cho thấy hình thức chỉ định thầu được áp dụng phổ biến hơn so với các hình thức khác khi lựa chọn nhà thầu.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng các gói thầu áp dụng chỉ định thầu trong vòng 5 năm từ năm 2006 đến năm 2011 chiếm khoảng 70% tổng số các gói thầu với tổng giá trị chỉ định thầu chiếm khoảng 47%; năm 2012, số lượng gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu, bao gồm cả đầu tư phát triển và chi thường xuyên là 73% so với tổng số gói thầu.

Có ý kiến đề nghị cần hạn chế chỉ định thầu, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp cần khắc phục hậu quả thiên tai, trong tình trạng khẩn cấp như vỡ đê, tắc đường, vỡ đường ống dẫn nước, dẫn dầu…

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để quản lý chặt chẽ hơn việc sử dụng vốn nhà nước, tránh chỉ định thầu tràn lan, dự án Luật quy định 6 trường hợp được chỉ định thầu, trong đó quy định hạn mức chỉ định thầu theo quy định của Luật đấu thầu hiện hành và không giao Chính phủ.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm một số trường hợp được chỉ định thầu. Ví dụ: Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm trực tiếp phục vụ công tác chuẩn bị dự án, xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu để bảo đảm yêu cầu về tiến độ đã xác định đối với các dự án phát triển năng lượng quốc gia; chuẩn bị dự án để bảo đảm thu hút, huy động được vốn của nhà tài trợ nước ngoài.

Đồng thời không nên quy định hạn mức chỉ định thầu vì có thể dẫn đến việc chia nhỏ gói thầu; ý kiến khác đề nghị không nên quy định về hạn mức trong Luật mà nên giao Chính phủ quy định cụ thể, tạo sự linh hoạt cho công tác điều hành.

Hạn chế tình trạng chỉ định thầu

Tại kỳ họp thứ 5 của QH khóa XIII, khi thảo luận có một số ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ việc chỉ định thầu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu, dự án Luật được chỉnh lý theo hướng chỉ áp dụng chỉ định thầu trong những trường hợp đặc biệt; quy định cụ thể hơn về điều kiện, quy trình, tiêu chí áp dụng chỉ định thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư; quy định rõ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác đối với gói thầu khi có thể áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác dù gói thầu đó thuộc trường hợp chỉ định thầu và đáp ứng điều kiện chỉ định thầu.

Về ý kiến đề nghị không quy định về hạn mức chỉ định thầu bởi quy định như vậy có thể bị lợi dụng để chỉ định thầu thông qua việc chia nhỏ các gói thầu, UBTVQH cho biết, khi tiến hành lựa chọn nhà thầu thực hiện những gói thầu đơn giản, gói thầu có giá trị nhỏ, dưới một hạn mức nhất định, cũng cần áp dụng chỉ định thầu để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Tuy nhiên, để ngăn ngừa chỉ định thầu tràn lan, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự án Luật đã quy định hạn mức chỉ định thầu cụ thể như sau: Không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn và không quá 200 triệu đồng đối với gói thầu mua sắm thường xuyên.

Hạn mức này thấp hơn nhiều hơn so với quy định của Luật Đấu thầu năm 2005 quy định được áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn dưới 500 triệu đồng; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp dưới 1 tỷ đồng; gói thầu mua sắm hàng hóa dưới 100 triệu đồng.

Đồng thời cũng thấp hơn rất nhiều hơn so với quy định Chính phủ ban hành tại Nghị định số 85/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng, quy định hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu xây lắp, gói thầu lựa chọn tổng thầu là 5 tỷ đồng; đối với gói thầu tư vấn là 3 tỷ đồng; đối với gói thầu mua sắm hàng hoá là 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại Điều quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu có hành vi cấm chia nhỏ dự án thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Hải quan