Cấp phép xây dựng theo quy định mới tại TPHCM: Còn “nhát tay” dù đủ quyền

Cập nhật 03/10/2010 09:15

Quyết định QĐ 68/2010 của UBND TPHCM quy định về cấp phép xây dựng (CPXD) và quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng (GPXD) trên địa bàn TP thay thế QĐ 04/2006 trước đây đã có hiệu lực từ ngày 24-9. Thế nhưng ngày 1-10, tại hội nghị triển khai quyết định này, nhiều quận-huyện còn hiểu chưa đúng hoặc “nhát tay” chưa dám quyết dù trong thẩm quyền.

Quyết định QĐ 68/2010 của UBND TPHCM quy định về cấp phép xây dựng (CPXD) và quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng (GPXD) trên địa bàn TP thay thế QĐ 04/2006 trước đây đã có hiệu lực từ ngày 24-9. Thế nhưng ngày 1-10, tại hội nghị triển khai quyết định này, nhiều quận-huyện còn hiểu chưa đúng hoặc “nhát tay” chưa dám quyết dù trong thẩm quyền.


Nhà đất chưa có giấy tờ sử dụng ổn định trước ngày 1-7-2004 vẫn được cấp phép xây dựng. Ảnh: Huy Anh

Nhà không có giấy tờ vẫn được CPXD

Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đã nêu lên một số điểm mới tại QĐ 68. Đó là nhà đất chưa có giấy tờ hợp lệ, nhưng đã sử dụng ổn định trước ngày 1-7-2004, phù hợp quy hoạch, không bị tranh chấp cũng được CPXD. Một điểm mới đáng lưu ý, đối với các trường hợp đã được CPXD, sau khi phá dỡ, diện tích đất lớn hơn trong giấy chứng nhận (GCN) nhưng không có tranh chấp, khiếu nại, không lấn chiếm đất công, phù hợp quy hoạch thì chủ nhà được phép xin điều chỉnh lại GPXD. Trước đây, nếu người dân có diện tích thực tế chênh lệch so với diện tích trong GCN hoặc sau khi xin GPXD, chủ nhà tháo dỡ nhà cũ để xây mới thì mới phát hiện diện tích thực tế lớn hơn diện tích trong GCN (do quá trình đo vẽ bị sai sót, người dân kê khai sai…), các cơ quan CPXD thường yêu cầu người dân phải làm lại GCN rồi xin lại GPXD, tốn rất nhiều thời gian. Một quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, đó là trước đây, nhà nằm trong quy hoạch lộ giới các tuyến đường nhưng chưa có kế hoạch mở rộng đường thì chỉ được sửa chữa, cải tạo theo hiện trạng hoặc xây dựng một tầng (trệt, mái tôn hoặc ngói). “Nhà có một phần nằm trong quy hoạch lộ giới tuyến đường thì cấp chung một GPXD, trong đó phần nhà nằm trên lộ giới được ghi rõ là cấp GPXD tạm 1 tầng, phần còn lại được CPXD theo quy định”- ông Tuyến nhấn mạnh.

Không phải chỗ nào cũng được xây 5 tầng

Sau nhiều lần sửa đổi, Sở Xây dựng quyết định tham mưu UBND TPHCM cải cách việc CPXD nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, đặc biệt là nhà nằm trong khu quy hoạch “treo”.

Cụ thể, nhà ở (có giấy tờ hợp lệ) trong khu quy hoạch có thể được xây tối đa 5 tầng trong khi QĐ 04 trước đây chỉ cho phép làm nhà tạm một trệt, một gác, kết cấu bán kiên cố. Ngoài ra, khu vực quy hoạch làm nhà ga, đường dự phóng, bến xe hay công viên, trường học, bệnh viện… mà chưa có quyết định thu hồi đất cũng được xem xét cho xây dựng tối đa 5 tầng, vật liệu được xác định theo yêu cầu của người dân. “Như vậy không có nghĩa cứ nhà nào trong khu quy hoạch cũng được CPXD tạm 5 tầng, vì phải xem xét đến quy định về quản lý kiến trúc hiện hành liên quan. Ngoài ra, công trình được CPXD tạm cũng phải phù hợp với mục đích sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất của quận - huyện nơi công trình tọa lạc và công trình được xây dựng tạm không được bồi thường khi thực hiện quy hoạch” - ông Tuyến lưu ý.

Đại diện quận Thủ Đức nêu thắc mắc, đối với những trường hợp đã được CPXD tạm trước đây, nay có nhu cầu điều chỉnh để được xây dựng thêm tối đa đến 5 tầng, thế nhưng trong thành phần hồ sơ không thấy có quy định về thẩm định an toàn công trình. Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng CPXD Sở Xây dựng, trả lời: chủ đầu tư phải có trách nhiệm thuê các đơn vị tư vấn thiết kế, kiểm định để xem nhà mình có đảm bảo cho việc nâng tầng hay không và chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về an toàn chất lượng của công trình đó. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ quản lý về quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan mà thôi.

Đại diện huyện Hóc Môn hỏi: “Nhà nằm trong quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc có được CPXD tạm?”; “Việc CPXD tạm chỉ được thực hiện trong khu quy hoạch chưa có quyết định thu hồi đất. Khu đô thị Tây Bắc đã có quyết định thu hồi đất nên không được giải quyết CPXD tạm” - “ông Tuyến trả lời. Đại diện UBND huyện Nhà Bè cho biết, trên địa bàn huyện có rất nhiều trường hợp nhà nằm trong hành lang bảo vệ kênh rạch, nhưng chưa có kế hoạch di dời, một số trường hợp đã được công nhận đất ở nhưng không được CPXD sẽ rất khó. “Theo quy định, công trình, nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ sông, kênh rạch không thể CPXD tràn lan vì sẽ rất khó quản lý. Các trường hợp trên chỉ được sửa chữa, cải tạo theo hiện trạng chứ không xây dựng mới” - ông Tuyến nói rõ.

Đại diện quận 4 hỏi: “Nhà nằm trong lộ giới đường nhưng đã xây dựng 3-4 tầng, nay nhà đã cũ, người dân có nhu cầu đập ra xây dựng mới mà chỉ CPXD 1 tầng theo quy định mới thì có thiệt thòi cho người dân?”. Ông Tuyến trả lời: Theo quy định, nhà nằm trong lộ giới đường nếu cải tạo, sửa chữa thì sửa chữa theo nguyên trạng, còn khi xây dựng mới chỉ được xây dựng tạm 1 tầng.

Nhiều quận-huyện chung thắc mắc: “Đất nông nghiệp bị vướng quy hoạch nhà ga, đường dự phóng… có được CPXD tạm hay không?”; Xây tạm hay không thì tùy thuộc kế hoạch sử dụng đất của quận, huyện ấy mà xem xét, quyết định giải quyết nhu cầu nào đó của người dân” – ông Tuyến trả lời. Ngoài ra, ông Tuyến cũng thông báo với các quận-huyện, phường xã rằng tất cả các trường hợp nhà ở riêng lẻ đều thuộc thẩm quyền CPXD của địa phương, Sở Xây dựng chỉ CPXD cho các trục tuyến, phố chính trên địa bàn TP như tuyến đường vành đai, tuyến đường xuyên tâm và các tuyến đường trung tâm.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng