Khách hàng đang xem nhà mẫu tại một dự án nhà ở TPHCM - Ảnh minh họa: Quốc Hùng.
|
Người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở, nếu không vướng vào vi phạm, sẽ được xem xét cấp ngay giấy chứng nhận chứ không phải chờ xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư như hiện nay. Đó là một trong nhiều giải pháp vừa được Chính phủ đưa ra để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cấp giấy chứng nhận chậm
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 30-6-2013, cả nước đã cấp được 36 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích 20,12 triệu ha, đạt 83,2% diện tích cần cấp giấy chứng nhận của cả nước (tăng 2,0% so với năm 2012).
Hiện cả nước có 11 tỉnh cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận lần đầu cho các loại đất chính (đạt từ 85-100 % diện tích) gồm Bình Dương, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Đồng Nai, Quảng Trị, Hậu Giang, Cần Thơ; có 10 tỉnh cơ bản hoàn thành ở hầu hết các loại đất chính gồm Lạng Sơn, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Bình, Đà Nẵng, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu; nhưng cũng còn nhiều tỉnh, thành có kết quả cấp giấy chứng nhận ở nhiều loại đất chính còn đạt thấp (dưới 70% diện tích cần cấp) như Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Gia Lai, Đăk Nông…
Thực tế, kết quả cấp giấy chứng nhận của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 21,6% về diện tích so với kế hoạch thực hiện năm 2013; trong đó các tỉnh, thành cấp chậm nhất là Gia Lai, Điện Biên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Nghệ An, Hải Phòng, Phú Yên, Đắk Nông… Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, Khối lượng còn lại cần cấp giấy chứng nhận các loại đất chính trong năm 2013 của cả nước là còn nhiều.
Nguyên nhân cấp giấy chứng nhận chậm chủ yếu do các trường hợp không có giấy tờ hợp lệ, có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai…; đồng các cơ quan, tổ chức nhà nước được giao đất không thu tiền, không tự giác thực hiện kê khai đăng ký đất đai; các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chậm kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận do phải chuyển sang thuê đất; các nông, lâm trường chưa rà soát xác định ranh giới, mốc giới, giải quyết tranh chấp…
Ngoài ra, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc triển khai thực hiện cấp giấy chứng nhận ở một số địa phương còn chậm do thiếu cán bộ chuyên môn, thiếu kinh phí. Một số quy định hiện hành liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính khi cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân còn chưa hợp lý, thống nhất như việc thu tiền sử dung đối với đất ở vượt hạn mức theo giá thị trường; thu 40% tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất trái thẩm quyền trước ngày 15/10/1993; mức thu lệ phí trước bạ chưa phù hợp…
Nhiều giải pháp tháo gỡ
Trước thực tế đó, ngày 9-8-2013, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với các bộ ngành, tỉnh – thành để thảo luận, đưa ra các giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp cấp giấy chứng nhận hiện nay ở các địa phương.
Theo đó, Thủ tướng đã thống nhất một số hướng xử lý các vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận.
Cụ thể, đối với các dự án phát triển nhà ở, vướng mắc chủ yếu do chủ đầu tư không chấp hành đúng quy định của pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng như trường hợp chuyển nhượng dự án mà không làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định; chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất và chưa nộp tiền sử dụng đất nhưng đã xây dựng và bàn giao nhà ở cho người mua; chủ đầu tư đã xây dựng vượt số tầng hoặc vượt diện tích xây dựng so với quy hoạch, thiết kế… thì phải cấp ngay giấy chứng nhận mà không chờ xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư (nhưng sẽ xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư có vi phạm sau đó).
Đối với những vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận ngoài các dự án phát triển nhà ở thì các bộ ngành sẽ sửa đổi các quy định hiện hành cho phù hợp hơn. Ví dụ như trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất kể từ ngày 1-7-2004 mà không có giấy tờ chuyển quyền (có giấy tờ viết tay, không có công chứng, chứng thực), theo quy định, thì không được làm thủ tục cấp giấy chứng nhận (quy định này dẫn đến nhiều địa phương đang tồn đọng số lượng khá lớn các trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc hợp pháp nhưng không được làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận).
Hay trường hợp đang sử dụng đất trong khoảng thời gian từ ngày 15-1-1993 đến trước ngày 1-7-2004 mà không có giấy tờ theo quy định của Luật đất đai và không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được duyệt thì không được cấp giấy chứng nhận cũng sẽ được xem xét lại…
Đối với những vướng mắc do các quy định liên quan đến nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì rà soát, sửa đổi các quy định hiện hành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Kết quả cấp giấy chứng nhận trên cả nước
- Về đất ở đô thị: đã cấp được 4.211.800 giấy với diện tích 106.200 ha, đạt 80,3%.
- Về đất ở nông thôn: đã cấp được 11.510.000 giấy với diện tích 465.900 ha, đạt 85,0%.
- Về đất chuyên dùng: đã cấp được 182.131 giấy với diện tích 483.730 ha, đạt 64,0%.
- Về đất sản xuất nông nghiệp: đã cấp được 17.367.400 giấy với diện tích 8.147.100 ha, đạt 82,9%.
- Về đất lâm nghiệp: đã cấp được 1.709.900 giấy với diện tích 10.357.400 ha, đạt 86,1%.
Ước thực hiện cấp giấy chứng nhận đến cuối năm 2013
Để đạt mục tiêu hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận lần đầu (đạt 95% số trường hợp đủ điều kiện hoặc đạt 85% diện tích cần cấp trở lên đối với các loại đất chính) thì các địa phương trong cả nước cần phải cấp 3.547.000 giấy với tổng diện tích 2.267.000 ha.
Diện tích còn lại cần cấp đối với các loại đất như sau:
- Đất chuyên dùng cần cấp 74.000 giấy, diện tích 189.000 ha.
- Đất ở đô thị cần cấp 699.000 giấy, diện tích 6.800 ha.
- Đất ở nông thôn cần cấp 695.000 giấy, diện tích 23.000 ha.
- Đất sản xuất nông nghiệp cần cấp 1.544.000 giấy, diện tích 768.000 ha.
- Đất lâm nghiệp cần cấp 535.000 giấy, diện tích 1.279.000 ha.
DiaOcOnline.vn - Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường