Thời gian qua, TP Cần Thơ đã thu hồi tám dự án chậm triển khai và đang tiếp tục rà soát các dự án “hành” dân.
Thời gian qua, TP Cần Thơ đã thu hồi tám dự án chậm triển khai và đang tiếp tục rà soát các dự án “hành” dân.
Cuối năm 2009, UBND TP Cần Thơ quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án trung tâm vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Dự án này bao gồm các hạng mục sân golf (diện tích 94 ha), khu nhà ở tái định cư (54 ha) và trung tâm dịch vụ thể thao. Lý do thu hồi là chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện.
Nhiều dự án "treo" dài hạn
Gần năm năm qua, do không biết dự án sẽ được thực hiện lúc nào nên hàng trăm hộ dân trong khu vực đã bỏ hoang ruộng vườn. Đất ruộng cỏ dại mọc um tùm, còn vườn cây ăn trái chết dần do không được chăm sóc. Được biết, TP Cần Thơ sẽ không xóa quy hoạch dự án mà đang tiếp tục mời gọi nhà đầu tư mới. Anh Năm Hiệp, người dân trong khu vực dự án, than: “Chẳng biết chừng nào dự án sẽ có chủ đầu tư mới. Do vẫn chưa xóa quy hoạch nên tụi tôi sẽ còn khổ dài dài. Lúc này không ai dám bỏ tiền ra đầu tư vào ruộng vườn do chưa biết khi nào dự án được triển khai”.
Suốt hai năm qua, người dân phường Phước Thới, quận Ô Môn cũng gặp không ít khó khăn do dự án Nhà máy lọc dầu Cần Thơ bị “treo”. Theo quy hoạch 1/2.000 được công bố năm 2008, dự án sẽ thu hồi 250 ha đất của các hộ dân thuộc ba khu vực (Thới Ngươn A, Thới Ngươn B và Thới Bình). Hai năm qua, các hộ trong vùng quy hoạch không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xây nhà kiên cố.
Dự án sân golf ở quận Bình Thủy đến nay vẫn “treo” vì chưa biết bao giờ có chủ đầu tư mới. Ảnh: Gia Tuệ |
Biến ruộng thành vườn cây để “đón gió”
Ở khu vực Thới Ngươn A, phường Phước Thới, quận Ô Môn có trên 70 ha đất lúa. Từ khi quy hoạch được công bố đến nay, có trên 50 ha đất lúa của khu vực này được một số người “nâng cấp” thành vườn cây ăn trái nhằm kiếm thêm tiền bồi thường. Ngay cả lãnh đạo địa phương cũng cho thuê đất để lên vườn.
Được biết, những người thuê thỏa thuận thuê lại đất ruộng trồng lúa của dân vùng dự án với giá 50-65 triệu đồng/ha, rồi thuê nhân công đào đất lên liếp thành vườn và mua cam sành về trồng. Tính ra chi phí đầu tư cho một công đất (1.000 m2) khoảng 10 triệu đồng/năm. “1.000 m2 đất họ trồng 250 cây cam sành. Với giá bồi hoàn là 300.000 đồng/cây, tính ra họ thu về 75 triệu đồng khi chủ đầu tư dự án triển khai áp giá bồi thường, lời khá nhiều so với số vốn bỏ ra” - ông Nguyễn Hữu Đức, Bí thư chi bộ khu vực, cho biết.
Thế nhưng hơn hai năm qua, dự án nhà máy lọc dầu không được triển khai, cam trồng để “đón gió” chết dần chết mòn khiến nhiều đại gia bỏ hoang luôn đất thuê.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP