Cân nhắc đầu tư tuyến cao tốc Tân Sơn Nhất – Tân An

Cập nhật 01/03/2010 15:05

Lãnh đạo tỉnh Long An cho biết đang phối hợp với TP.HCM tiến hành khảo sát, chuẩn bị thực hiện dự án đường cao tốc từ sân bay Tân Sơn Nhất về Tân An dài 60km, với tổng kinh phí 1 tỉ USD.

Lãnh đạo tỉnh Long An cho biết đang phối hợp với TP.HCM tiến hành khảo sát, chuẩn bị thực hiện dự án đường cao tốc từ sân bay Tân Sơn Nhất về Tân An dài 60km, với tổng kinh phí 1 tỉ USD.

Đây là dự án được tập đoàn Tân Tạo đề xuất đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) từ năm 2007. Ngày 28.2, ông Thái Văn Mến, tổng giám đốc tập đoàn Tân Tạo cũng cho biết đang xúc tiến thực hiện dự án nói trên.


Theo lãnh đạo bộ Giao thông vận tải, trong hệ thống quản lý đường bộ của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế không có khái niệm đường cao tốc địa phương như theo đề xuất của nhà đầu tư. Trong ảnh: một đoạn cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Ảnh: Duy Anh

Theo báo cáo nghiên cứu ban đầu, tuyến cao tốc này bắt đầu từ nút giao Lăng Cha Cả, đi theo đường Cộng Hoà, Trường Chinh, tới nút giao An Sương, tiếp tục theo quốc lộ 22 tới chợ đầu mối Hóc Môn, rồi rẽ về thị trấn Đức Hoà, cắt qua tuyến N2 và vượt sông Vàm Cỏ Đông, sang huyện Đức Huệ, huyện Thủ Thừa, vượt sông Vàm Cỏ Tây rồi nối vào quốc lộ 62 cách nút giao Tân An (thuộc đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương) khoảng 4km.

Ở khu vực nội đô TP.HCM, chiều rộng của đường cao tốc đủ cho bốn làn xe chạy. Đoạn từ ngoại ô TP.HCM đến Tân An, tuỳ theo từng đoạn sẽ có chiều rộng 6 – 8 làn xe. Đường thiết kế theo đúng tiêu chuẩn đường cao tốc quốc tế đạt tốc độ 100 – 120km/h, thời gian từ TP.HCM đến trung tâm hành chính tỉnh Long An sẽ được rút ngắn còn chưa đầy 30 phút.

Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2008, làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An và nhà đầu tư, thứ trưởng bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức đã lưu ý, dự án đề xuất chưa được xác định trong quy hoạch phát triển giao thông TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, quy hoạch phát triển mạng đường cao tốc quốc gia Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn ngoài năm 2020, quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặt khác, trong hệ thống quản lý đường bộ của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế không có khái niệm đường cao tốc địa phương như theo đề xuất của nhà đầu tư.

Thứ trưởng cũng cho rằng lượng vận chuyển hành khách và hàng hoá từ khu vực Tây Nam bộ sẽ được vận chuyển chủ yếu theo tuyến cao tốc liên vùng phía Nam: từ Bến Lức – Long Thành nhập vào quốc lộ 51 hoặc vào tuyến cao tốc Long Thành – Vũng Tàu hoặc theo vành đai 3 nhập về đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Tuyến cao tốc theo quy hoạch không đi lên phía tây TP.HCM.

Tuy nhiên, trong quy hoạch giao thông TP.HCM có tuyến đường trên cao số 1 dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có thể kết nối với đường Tân Sơn Nhất – Tân An. Do đó, bộ Giao thông vận tải nhận thấy việc đầu tư thêm một tuyến đường bộ nhằm giảm thiểu ách tắc giao thông cho TP.HCM, nhất là khu vực Tân Sơn Nhất, đường Cộng Hoà, Trường Chinh, nút An Sương là có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, bộ khuyến cáo nhà đầu tư cân nhắc trong quá trình lập đề xuất dự án cần tính toán kết nối với hệ thống giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm: quốc lộ 1A đoạn An Sương – Tân Tạo đi về quốc lộ 1 (TP.HCM – Trung Lương), các tuyến này hiện đang thu phí; tuyến N2 đoạn Củ Chi – Đức Hoà – Thạnh Hoá – Mỹ An – Cao Lãnh (trùng quy hoạch đường Hồ Chí Minh), trong quy hoạch đường Hồ Chí Minh sau 2010 là đường cao tốc; tuyến N1 từ Tây Ninh – Long An – An Giang – Đồng Tháp – Kiên Giang; đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương kết nối với tuyến cao tốc liên vùng về Long Thành qua khu cảng Thị Vải, Cái Mép. Bộ Giao thông vận tải cũng khuyến cáo đổi tên tuyến đường này là tuyến đường bộ kết nối Tân Sơn Nhất – TP.HCM – Đức Hoà – Tân An.

Đồng thời, nên cân nhắc, so sánh kỹ điểm đầu dự án để kết nối phù hợp với hệ thống giao thông đô thị TP.HCM và giao thông các tỉnh lân cận; phân bố lưu lượng một cách hợp lý có thể chấp nhận được giữa các tuyến đường trong khu vực.

Theo ông Mến, hiện các đơn vị liên quan đang tiến hành hoàn tất thủ tục đầu tư cũng như điều chỉnh lại hướng tuyến đoạn đi qua TP.HCM nhằm đảm bảo phối hợp hiệu quả, tránh chồng chéo với các dự án giao thông đang và sẽ triển khai tại TP.HCM. Sau khi hoàn chỉnh sẽ trình bộ Giao thông vận tải và Thủ tướng phê duyệt.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị