Cán bộ không được làm dịch vụ

Cập nhật 19/04/2012 09:40

Sáng 18-4, phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Quách Hồng Tuyến đã giao lưu trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online và trả lời gần 100 trong tổng số 200 câu hỏi của bạn đọc về cấp giấy phép xây dựng.

Sáng 18-4, phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Quách Hồng Tuyến đã giao lưu trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online và trả lời gần 100 trong tổng số 200 câu hỏi của bạn đọc về cấp giấy phép xây dựng.

Phá dỡ một công trình xây dựng trái phép ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

Ông Tuyến nhận xét: quy định của pháp luật về cấp giấy phép xây dựng tương đối rõ ràng, nhưng lượng câu hỏi thắc mắc những vấn đề cụ thể về cấp giấy phép xây dựng vẫn còn nhiều. Điều này chứng tỏ các bộ phận chuyên môn ở địa phương chưa giải thích tường tận cho dân hoặc người dân muốn trực tiếp hỏi cơ quan chuyên môn cấp cao hơn để nắm thông tin.

Làm sao dẹp “cò” xây dựng?

Một bạn đọc phản ảnh về nạn “cò” xin giấy phép xây dựng ở quận 7 đã gửi gắm: làm sao dẹp được nạn “cò” ở một số phường thuộc quận 7 cho dân nhờ. Bạn đọc này cho biết các “cò” lấy 5 triệu đồng/giấy phép xây dựng nên người dân rất khổ. Ông Tuyến phân tích “cò” có thể hiểu theo hai cách: một là các công ty làm tư vấn dịch vụ có giấy phép, người dân thuê các công ty này thực hiện trên cơ sở thù lao thỏa thuận giữa các bên. Còn đối với trường hợp cơ quan nhà nước ép chủ đầu tư phải thông qua “cò” để xin giấy phép xây dựng là hành vi trái luật. Vì vậy, người dân cần chung tay cùng Nhà nước dẹp nạn “cò” này bằng cách báo thông tin cụ thể cho UBND quận hoặc báo về Sở Xây dựng.

Trao đổi bên lề, ông Quách Hồng Tuyến khẳng định cán bộ nhà nước không được làm dịch vụ, nhất là những dịch vụ liên quan trực tiếp đến công tác chuyên môn của mình (cán bộ phòng quản lý đô thị làm dịch vụ xin giấy phép xây dựng, cán bộ phòng tài nguyên - môi trường làm dịch vụ cấp giấy chủ quyền nhà, đất...), vì trái quy định của pháp luật (không có giấy phép) và dễ nảy sinh tiêu cực.

Bạn đọc Tuy Hùng, 50 tuổi, bức xúc: Nhiều cao ốc xây dựng sai phép, chủ đầu tư chỉ bị xử phạt rồi được điều chỉnh giấy phép xây dựng, cho tồn tại phần xây sai phép. Gần đây, Nhà nước cho tồn tại phần lớn những nhà xây dựng sai phép ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Như vậy, quy định pháp luật về giấy phép xây dựng có nghiêm? Các chủ đầu tư có “lờn thuốc” vì cứ xây sai rồi thế nào cũng được tồn tại? Ông Tuyến trả lời: việc điều chỉnh giấy phép xây dựng phải đảm bảo các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch, phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và các quy định về kiến trúc cảnh quan. Những phần xây dựng sai phép mà không đảm bảo các yêu cầu nêu trên thì phải thực hiện tháo dỡ.

Quận, huyện không được đòi thêm thủ tục


Nhà, đất chưa có chủ quyền cũng được cấp giấy phép xây dựng

Ông Quách Hồng Tuyến hướng dẫn thủ tục xin phép xây dựng đối với nhà, đất chưa có chủ quyền gồm: đơn xin phép xây dựng, hai bộ bản vẽ, tờ tường trình và cam kết về quá trình sử dụng và không có tranh chấp được UBND phường, xã xác nhận; đất phải phù hợp mục đích sử dụng là đất ở. Thời gian xin phép xây dựng là 15 ngày, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.
Bạn đọc Trần Anh Tuấn trình bày: “Tôi xin giấy phép xây dựng ở một quận vùng ven. Trong hồ sơ, UBND quận yêu cầu thêm các loại giấy tờ như bản vẽ hiện trạng vị trí nhà, hợp đồng mua bán... trong khi quy định của quyết định về cấp giấy phép xây dựng không yêu cầu. Có cách nào thống nhất các thủ tục hồ sơ để người dân không bị các quận, huyện đòi hỏi thêm những giấy tờ ngoài quy định như vậy?”.

Ông Tuyến cho rằng thành phần về hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng đã được quy định tại quyết định 68 về giấy phép xây dựng (một bản chính đơn xin cấp giấy phép xây dựng, bản sao giấy chủ quyền nhà, đất, hai bản vẽ xin phép xây dựng - PV) nên địa phương nào đòi hỏi ngoài quy định này là sai. Về câu hỏi thủ tục xin xây dựng chung cư mini, ông Tuyến khẳng định pháp luật không có khái niệm về loại nhà này, người cần xây dựng chỉ làm thủ tục xin giấy phép như xây nhà bình thường.

Nhưng ông Tuyến lưu ý: “Trường hợp này, các căn hộ phải được thiết kế theo dạng căn hộ khép kín, đảm bảo điều kiện về vệ sinh, thông thoáng, chỗ để xe cũng như phân chia diện tích sử dụng chung, riêng”.

Nhiều bạn đọc cũng thắc mắc khi xây nhà, chủ nhà được thay đổi những chi tiết nào mà không cần điều chỉnh giấy phép. Ông Tuyến tư vấn rằng những trường hợp xây dựng có thay đổi thiết kế không làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu được quy định trong giấy phép xây dựng (cụ thể: mật độ xây dựng; chỉ giới xây dựng công trình; số tầng cao, chiều cao công trình; diện tích xây dựng (tầng một), tổng diện tích sàn xây dựng công trình) thì không phải xin điều chỉnh.

Ngoài ra, nếu chủ nhà sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của căn nhà; chủ nhà nâng nền, gác, mái phù hợp tiêu chuẩn; xây dựng lại tường bao che bị hư hỏng... thì không cần phải xin giấy phép xây dựng mà chỉ thông báo với UBND phường, xã để nơi này theo dõi quá trình sửa chữa.

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO