TP.HCM đến năm 2025 sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các khu đô thị vệ tinh theo bốn hướng: bắc, đông, tây, nam...
TP.HCM đến năm 2025 sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các khu đô thị vệ tinh theo bốn hướng: bắc, đông, tây, nam. Khu đô thị trung tâm sẽ bao gồm các quận Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Phú, quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11. Các khu đô thị vệ tinh lần lượt như sau:
Khu đô thị Bắc TP.HCM
Còn được gọi là đô thị đại học bao gồm huyện Củ Chi và Hóc Môn. Đây là một đô thị mới, có diện tích quy hoạch lớn nhất TP.HCM: hơn 6.000 ha. Theo đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000, khu đô thị Bắc TP.HCM sẽ là một trung tâm giáo dục cấp thành phố với nhiều trường đại học tầm cỡ quốc gia và khu vực, khi hoàn thành, có khả năng tiếp nhận khoảng 75.000 người đến học tập và sinh sống.
Đây sẽ còn là một trung tâm thương mại, y tế, thể dục, thể thao… cấp thành phố, với 11 phân khu chức năng như khu trung tâm công cộng, khu thương mại, dịch vụ, y tế, công nghiệp, kho bãi trung chuyển… Trong đó, sẽ có bảy trung tâm lớn, nhỏ với một cặp đô thị lớn cấp vùng theo hướng đông – tây, ba trung tâm nhỏ hơn và hai tiểu trung tâm dành cho phần còn lại của đô thị. Trong các trung tâm này là 35 trung tâm khu dân cư sẽ hình thành nên các hạt nhân của các cộng đồng dân cư nhỏ. Tập hợp các trung tâm khu dân cư sẽ tạo nên trung tâm đô thị.
Khu đô thị Đông TP.HCM
Với hạt nhân là khu công nghệ cao với quy mô 872ha, khu đại học quốc gia có quy mô 800ha, công viên văn hoá lịch sử dân tộc quy mô 395ha… Những cụm khu đô thị này khi nhìn tổng thể sẽ tạo thành khu đô thị khoa học – công nghệ ở Thủ Đức và quận 9.
Dự án nằm trong hướng phát triển không gian đô thị chủ đạo của TP.HCM và ở vị trí trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách trung tâm thành phố 15 km. Tổng diện tích đầu tư – xây dựng của dự án được thành phố xác định là 913,16ha nằm trên địa bàn năm phường của quận 9: Tân Phú, Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B và Long Thạnh Mỹ. Trong tương lai, khu Công nghệ cao TP.HCM được xây dựng hoàn chỉnh và nối kết với khu đại học Quốc gia tạo thành khu khoa học công nghệ Đông Bắc thành phố.
Cùng với khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu thể dục thể thao Rạch Chiếc, khu quần thể Lịch sử văn hoá dân tộc và khu Công nghiệp cảng Cát Lái, khu vực này sẽ trở thành vùng phát triển đô thị hiện đại phía đông.
Khu đô thị Nam TP.HCM
Trọng tâm là khu đô thị Nam Sài Gòn (quận 7) và khu đô thị cảng Hiệp Phước. Khu đô thị Nam Sài Gòn bao gồm quận 7 (phường Tân Phong, Tân Phú với diện tích 868ha); nam quận 8 (một phần phường 7 với diện tích 268ha); nam huyện Bình Chánh (xã An Phú Tây, Phong Phú, Bình Hưng, Hưng Long với diện tích 1.839ha). Quy mô diện tích điều chỉnh là 2.975ha tổng diện tích tự nhiên (tổng diện tích phê duyệt trước đây chỉ 2.612ha).
Khu Nam sẽ là khu đô thị mới hiện đại, đồng thời là khu đô thị sinh thái, đô thị xanh mang sắc thái giữ gìn thiên nhiên, đặc trưng miền sông nước, và cũng là khu hỗn hợp đa chức năng gồm trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học, công nghiệp sạch, văn hoá giáo dục, nghỉ ngơi, giải trí và dân cư.
Khu đô thị cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè với diện tích 3.900ha, dự kiến dân số 180.000 người (năm 2020). Đô thị cảng Hiệp Phước là khu đô thị cảng biển quốc tế quy mô lớn, khu đô thị công nghiệp, khu đô thị dịch vụ logistics và là khu đô thị hiện đại.
Khu đô thị Tây TP.HCM
Nằm gọn tại huyện Bình Chánh có diện tích khoảng 500ha. Hiện nay khu đô thị này đã được giao cho tổng công ty Sông Hồng làm chủ đầu tư. Ở khu đô thị này sẽ phát triển những cụm nhà ở, trung tâm thương mại quy mô lớn nhằm thay đổi bộ mặt đô thị tại phía tây TP.HCM.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị