Bỏ khung giá đất do Chính phủ quy định

Cập nhật 04/12/2010 09:40

Đề xuất trên được đưa ra tại Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về xây dựng bảng giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất và phát triển quỹ đất phục vụ kinh tế hóa lĩnh vực đất đai, do Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên – Môi trường), tổ chức hôm qua.

Đề xuất trên được đưa ra tại Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về xây dựng bảng giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất và phát triển quỹ đất phục vụ kinh tế hóa lĩnh vực đất đai, do Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên – Môi trường), tổ chức hôm qua.

Kết quả điều tra, khảo sát giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở thực tế trên thị trường tại khu vực đô thị mới đây của Tổng cục Quản lý đất đai cho thấy, hầu hết các mức giá đất chuyển nhượng trên thị trường đều cao hơn so với mức giá đất tối đa của cùng loại đất trong khung giá do Chính phủ quy định (mức tối đa đối với đất đô thị là 47,8 triệu đồng một m2) và các mức giá đất tối đa của cùng loại đất trong bảng giá đất do địa phương ban hành (khoảng 1,2 - 3 lần so với mức giá đất tối đa cùng loại trong khung giá các loại đất). Đặc biệt, tại khu vực đô thị như Hà Nội và TP HCM, nhiều nơi, giá chuyển nhượng còn cao gấp 6 - 7 lần so với giá trần mà khung giá đất quy định. Chẳng hạn những lô đất thuộc khu phố cố Hà Nội, có nơi giá hiện lên tới 500- 600 triệu đồng một m2 trong khi mức giá tối đa là 81 triệu đồng. Hậu quả dẫn đến việc chính quyền địa phương lúng túng trong việc lựa chọn sử dụng thông tin để xây dựng bảng giá đất.

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, khung giá đất của Chính phủ (ban hành tại Nghị định 123 năm 2007) đã tạo ra xung đột tại địa phương, làm khó cho chính quyền cấp tỉnh khi phải loay hoay trong việc quản lý giá đất sao cho vừa đúng quy định lại vừa phù hợp với giá thị trường. Mặt khác, khung giá đất theo quy định quá vênh so với thực tế còn dẫn tới thực trạng người dân không kê khai đúng giá trong hợp đồng chuyển nhượng nhằm mục đích giảm thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất. “Không ở đâu như Việt Nam, người dân sẵn sàng ghi giá bán đất thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế để hưởng lợi”, ông Võ nói.


Tại khu vực nội thành Hà Nội, có nơi giá đất lên tới hàng trăm triệu đồng/m2, trong khi mức giá tối đa theo khung giá là 81 triệu đồng. Ảnh: Trung Kiên.

Từ đây, ông Võ đưa ra kiến nghị nên bỏ khung giá đất do Chính phủ quy định mà thay vào đó là xây dựng bản đồ giá trị điều tiết giá đất cụ thể tại từng địa phương. Tuy nhiên, ông Hoàng Văn An, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Tuyên Quang, lại cho rằng, nếu bỏ khung giá đất sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng giá đất tăng, giảm tùy tiện khiến công tác đền bù giải phóng mặt bằng càng gặp khó khăn. “Chúng ta cứ nói giá đất phải tiếp cận được với giá thực tế của thị trường nhưng thử hỏi đã có tổ chức nào tại địa phương có đủ năng lực và tư cách pháp lý đứng ra công bố giá thị trường đất chưa?”, ông An đặt câu hỏi. Về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Tuân, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất cũng thừa nhận: “Chúng ta đang thiếu tổ chức tư vấn về giá đất đủ năng lực để triển khai xây dựng bảng giá đất tại địa phương. Chính vì thế, việc bỏ khung giá đất là cần thiết nhưng phải cần thêm thời gian để các địa phương chuẩn bị”.

Tại hội thảo, vấn đề thời gian công bố bảng giá đất cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Nhiều đại biểu cho rằng việc công bố giá đất theo từng năm vừa cập nhật được giá đất thực tế lại phù hợp với năng lực của ngành Tài nguyên – Môi trường tại địa phương. Tuy nhiên, theo ông Tuân, bảng giá đất chỉ có giá trị trong vòng một năm là lý do chính dẫn tới thực trạng ngay từ tháng 7 hàng năm đã rất khó tiến hành thu hồi đất cho các dự án vì người dân cố tình trì hoãn chờ đợi giá đất mới của năm sau. “Để tránh thực trạng trên, giới doanh nghiệp và chủ đầu tư hiện đang đồng loạt kiến nghị bảng giá đất nên có thời hiệu kéo dài 5 năm chứ không phải một năm như hiện nay”, ông Tuân cho biết.

Giá đất năm 2011 của Hà Nội không thay đổi

Chiều 3/12, trong buổi họp báo giới thiệu kỳ họp thứ 22 HĐND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch thường trực HĐND thành phố, cho biết, kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 10/12.

Tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét 11 báo cáo, trong đó có báo cáo của UBND thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ KT - XH, an ninh quốc phòng năm 2010 và kế hoạch phát triển KT - XH, an ninh quốc phòng năm 2011 (trong đó có báo cáo đánh giá công tác tổ chức và hoạt động chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội); thông qua 6 nghị quyết thường kỳ trong đó có Nghị quyết về giá các loại đất áp dụng trên địa bàn Hà Nội từ ngày 1/1; 8 nghị quyết chuyên đề. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra vào sáng 9/12.

Liên quan tới giá đất năm 2011 trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng Ban Kinh tế ngân sách, HĐND thành phố khẳng định, giá đất cơ bản giữ ổn định, chỉ điều chỉnh, bổ sung ở những vùng có đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng nhìn chung không có biến động lớn. Tại Hà Nội hiện nay, nhiều vùng giá đất Hà Nội vượt khung Chính phủ tới 20%, đó là trường hợp ở những khu vực cụ thể trong những điều kiện nhất định. Về chi phí cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tới thời điểm này UBND thành phố chưa gửi báo cáo sang HĐND thành phố nên chưa biết có kỳ họp có đề cập tới vấn đề này hay không.

Thường trực HĐND thành phố cũng đã tổng hợp được 165 kiến nghị của cử tri Thủ đô tại các cuộc tiếp xúc cử tri để chuyển tới kỳ họp. Trong đó, cử tri tập trung kiến nghị các vấn đề như: điều chỉnh lại chính sách giao ruộng đất nông nghiệp cho nông dân phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để đảm bảo quyền lợi và đời sống của nông dân; quản lý nhà chung cư; ô nhiễm nguồn nước; tăng cường kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân, nhất là những nơi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp…
 


DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt