Cần cơ chế định giá đất khả thi, phù hợp với thực tiễn để ngăn chặn sai phạm, thất thoát trong quản lý, sử dụng đất đai - tài sản vô giá của quốc gia
Vụ việc trúng đấu giá 4 lô đất “vàng” ở Thủ Thiêm (TP HCM) cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đã khiến dư luận xôn xao về dấu hiệu trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa tổ chức hội thảo "Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra đối với KTNN". Nhiều vấn đề nóng cũng như những thách thức trong công tác kiểm toán đối với lĩnh vực đất đai đã được các chuyên gia phân tích, đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất khắc phục.
"Đụng vào đâu cũng thấy lỗ hổng"
Theo Phó Tổng KTNN Nguyễn Tuấn Anh, công tác quản lý và sử dụng đất hiện còn hạn chế; văn bản pháp luật liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất; chính sách pháp luật về đất đai chưa theo kịp sự thay đổi của thực tiễn. Việc giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa tuân thủ các quy định.
Từ góc độ chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng dù đã có những tiến bộ trong quản lý, sử dụng đất đai theo Luật Đất đai 2013 song thực tế vẫn còn rất nhiều lỗ hổng, cả trong các văn bản quy phạm pháp luật lẫn thực thi pháp luật về đất đai cũng như trong thanh tra, kiểm tra, giám sát. Vì vậy, những sai phạm về đất đai gây thiệt hại nặng nề cho nhà nước, doanh nghiệp và người dân có xu hướng xảy ra phổ biến hơn với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
"Trong quản lý, sử dụng đất đai, gần như đụng vào đâu, lĩnh vực nào, khâu nào, nội dung nào cũng có những lỗ hổng, sai phạm. Trong đó, có những sai phạm nghiêm trọng làm thất thoát, lãng phí hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng của ngân sách nhà nước. Do vậy, cần tập trung nhận diện rõ những lỗ hổng lớn trong quản lý, sử dụng đất đai và có những giải pháp nhằm bịt những lỗ hổng đó" - TS Vũ Đình Ánh kiến nghị.
TS Vũ Đình Ánh chỉ ra một lỗ hổng "cốt tử" trong quản lý và sử dụng đất chính là giá đất do nhà nước xác định. Trong đó, nổi cộm nhất là khung giá đất, bảng giá đất và cách xác định giá đất có khoảng cách quá xa, không phản ánh kịp thời biến động giá trên thị trường quyền sử dụng đất.
Theo ông Vũ Đình Ánh, phương pháp định giá đất hiện nay chưa đầy đủ, cụ thể và khả thi khi thẩm quyền định giá đất giao cho chủ tịch UBND cấp tỉnh. "Lỗ hổng liên quan đến giá đất chỉ được bịt kín khi thay đổi quy trình và thẩm quyền định giá đất đi đôi với việc xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bên liên quan" - ông Vũ Đình Ánh nhìn nhận.
TS Nguyễn Minh Phong kiến nghị trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định để bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý đất đai. Cụ thể, xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Song song đó, cần bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế đồng bộ, cụ thể để xử lý vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, nhất là liên quan tới đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Minh Phong, cần đẩy mạnh thương mại hóa và phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp; công khai giá đất, bắt buộc giao dịch mua bán quyền sử dụng đất qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng.
Cần cơ chế chặn thất thoát trong quản lý đất đai
Ông Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Đất đai. Tuy nhiên, dù quy định có chặt chẽ đến đâu thì trong quá trình triển khai trên thực tế vẫn có thể bộc lộ kẽ hở.
"Do đó, cần tăng cường vai trò giám sát đối với vấn đề quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có vai trò của KTNN và cơ quan thanh tra, kiểm tra" - ông Nam nhấn mạnh.
Ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII, đề nghị cần ngăn chặn tình trạng người mua, người bán ký hợp đồng công chứng với giá thấp hơn nhiều so với mức giá giao dịch thực tế, gây thất thu lớn ngân sách nhà nước, đồng thời làm biến dạng kết quả thẩm định giá đất cụ thể để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai hoặc làm giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất. Do đó, Quốc hội cần bổ sung cách tính thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Để ngăn ngừa nguy cơ thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, ông Trần Minh Khương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá việc ban hành hệ số điều chỉnh giá đất vòn còn quá thấp và bất hợp lý hiện nay của UBND các tỉnh, thành. Bên cạnh đó, giao UBND các tỉnh, thành phố xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giá đất phổ biến trên thị trường của các loại đất, giúp nhà nước thực hiện tốt hơn chức năng đại diện chủ sở hữu về đất đai, cũng như có đủ thông tin để ban hành các quyết định quản lý.
Ngoài ra, ông Trần Minh Khương còn cho rằng cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về điều kiện của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất công và các cơ sở nhà đất thuộc quản lý của nhà nước. Cụ thể, để hạn chế những tác động tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất công và các cơ sở nhà đất thuộc quản lý của nhà nước, cần áp dụng phổ biến hình thức đấu giá trực tuyến. Bởi khi đó, các thông tin đều được công khai, người tham gia đấu giá không bị sự ngăn cản, đe dọa của các thế lực muốn thao túng hoạt động đấu giá.
Lấy ý kiến nhân dân toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 3-1 và kết thúc vào ngày 15-3-2023. Hình thức lấy ý kiến gồm: trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng...
Đối tượng lấy ý kiến bao gồm các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học...
DiaOcOnline.vn – Theo Người lao động