Biệt thự bỏ hoang chắc chắn sẽ bị đánh thuế

Cập nhật 27/06/2011 10:10

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản về biện pháp xử lý biệt thự bỏ hoang đang tồn tại gây mất mỹ quan đô thị.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản về biện pháp xử lý biệt thự bỏ hoang đang tồn tại gây mất mỹ quan đô thị.

Cả khu đô thị Quang Minh 1 chưa biệt thự nào được đưa vào sử dụng gây lãng phí về tiền của nhân dân và mất mỹ quan đô thị

Trao đổi với PV, ông Hà cho biết, sẽ căn cứ vào cam kết của chủ đầu tư với chính quyền địa phương về tiến độ thực hiện dự án, nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xử phạt hành chính. “Trong đó, việc áp dụng hình thức đánh thuế cũng là một biện pháp chắc chắn được đưa vào sử dụng. Các chủ đầu tư sẽ bị đánh thuế về mặt sử dụng đất phi nông nghiệp, chủ đầu tư nào sử dụng nhiều đất sẽ bị đánh thuế cao” – ông Hà khẳng định.

Điều tra của Bộ Xây dựng chỉ rõ, trong khi căn hộ nhà chung cư cao tầng có tỷ lệ đưa vào sử dụng đạt xấp xỉ 100%, thì tỷ lệ nhà ở liền kề đưa vào sử dụng đạt 80% và tỷ lệ nhà biệt thự đưa vào sử dụng mới đạt 58%. Điều này có nghĩa 42% số biệt thự hiện đang bị bỏ hoang. Những dự án có số lượng nhà chưa sử dụng nhiều là dự án Khu nhà ở Quang Minh 1 chưa có căn biệt thự nào được sử dụng; Khu đô thị mới Dịch Vọng; Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp; Khu đô thị mới Mỗ Lao - Làng Việt kiều Châu Âu…

Trước đó, Bộ Tài chính đã lên tiếng với 3 phương án tính thuế đối với biệt thự bỏ hoang. Cụ thể, với phương án 1, Bộ Tài chính sẽ dự thảo, trình Chính phủ xin ý kiến Thường vụ Quốc hội ban hành một nghị định. Theo đó, sau khi xác định biệt thự nào bị bỏ hoang, không sử dụng thì thu thuế theo tỷ lệ tùy thuộc vào thời gian bị bỏ hoang. Phương án 2, sau khi Luật Sử dụng đất phi nông nghiệp bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2012, có thể căn cứ vào quy định đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15% tổng giá trị. Cuối cùng, căn cứ vào quy định xử lý vi phạm Luật Đất đai, người nào lấn chiếm đất đai, không sử dụng đất hoặc sử dụng không đúng mục đích sẽ bị xử phạt hành chính.

Tuy nhiên, nhiều người e ngại rằng, hình thức xử phạt biệt thự bỏ hoang sẽ vi phạm pháp luật. Bởi nếu có xử lý thì người dân lại vịn cớ không muốn ở, không có nhu cầu hoặc không có khả năng hoàn thiện biệt thự nên bỏ hoang. Vậy khi đó cơ quan chức năng sẽ làm gì? Nếu tiến hành tịch thu sẽ xâm phạm quyền sở hữu cá nhân. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị xóa bỏ hình thức phân lô bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng. Đồng thời, xây dựng chế tài xử phạt các chủ đầu tư bán nhà xây thô và nghiên cứu ban hành chính sách thuế đủ mạnh để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất...

Dẫu biết có nhiều biện pháp xử lý được đưa ra nhưng việc xử lý biệt thự bỏ hoang không phải đơn giản mà vẫn là một “cuộc chiến” dai dẳng cần sự chung tay của các cơ quan quản lý.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN