Tại TP.HCM có hàng ngàn căn nhà xây dựng không phép, sai phép (gọi chung là trái phép). Với hướng dẫn vừa ban hành của liên sở Xây dựng - Tài nguyên và môi trường, sẽ có nhiều nhà được phép tồn tại.
Dãy nhà xây trái phép trên đất thuộc quy hoạch ga Bình Triệu, KP6, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức |
Hướng dẫn trên áp dụng cho các trường hợp xây dựng trái phép từ ngày 1-7-2004 (ngày Luật xây dựng có hiệu lực) đến trước ngày 1-5-2009 (ngày nghị định 23 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng có hiệu lực). Một số quận, huyện ở thành phố đã bắt đầu nhận hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền cho các trường hợp trên.
Trường hợp nào được tồn tại?
Dãy nhà ở tổ 42A, đường 49, khu phố 6, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức có gần 20 căn xây dựng không phép từ năm 2005, 2006. Đa số nhà xây trái phép ở đây đã được sang tay qua nhiều chủ, cả chủ cũ và chủ mới đều biết khu này thuộc quy hoạch ga Bình Triệu.
Hướng dẫn của liên sở Xây dựng - Tài nguyên và môi trường TP.HCM chia ra các mốc thời gian vi phạm để xử lý: nhà xây dựng không phép, sai phép từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-7-2006 (ngày Luật nhà ở có hiệu lực) không có tranh chấp, xây dựng trước khi có quy hoạch (hoặc xây dựng sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng phù hợp quy hoạch) thì được xem xét cấp giấy chứng nhận.
Nhà xây dựng sai phép (hướng dẫn không đề cập đến trường hợp xây dựng không phép) từ ngày 1-7-2006 đến trước ngày 1-5-2009, ngoài các điều kiện như trường hợp trên còn phải có thêm xác nhận của UBND phường xã là nhà ở không thuộc trường hợp phải xin phép xây dựng.
Với nhà nằm trong quy hoạch khu dân cư ổn định mà xây dựng sai số tầng, diện tích nhưng không ảnh hưởng đến công trình lân cận thì cho phép, chủ nhà được giữ nguyên, với điều kiện khi nào thực hiện quy hoạch chủ nhà phải tháo dỡ phần xây dựng sai phép và không được bồi thường.
Cơ quan chức năng chỉ xem xét cấp giấy chứng nhận nhà, đất cho phần diện tích phù hợp quy hoạch, phần không phù hợp quy hoạch được ghi chú: “Khi thực hiện quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500 thì chủ đầu tư phải tự tháo dỡ phần sai phép mà không được bồi thường”. |
Ông Nguyễn Xuân An, chủ nhà số 1/27A đường 49, băn khoăn nhà ông xây dựng sau thời điểm công bố quy hoạch không biết có được cấp giấy chủ quyền hay không. Tương tự, hàng trăm trường hợp xây nhà sai phép khác trong phạm vi đất quy hoạch công viên cây xanh, hồ điều tiết, ga Bình Triệu... tại P.Hiệp Bình Chánh cùng chung tâm trạng.
Theo hướng dẫn của liên sở Xây dựng - Tài nguyên và môi trường (TN&MT), nhà ở, công trình xây dựng trái phép từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-7-2006 (ngày Luật nhà ở có hiệu lực) được cấp giấy chủ quyền với điều kiện: nhà đó phải xây trước khi có quy hoạch, không tranh chấp. Trường hợp xây sau thì phải phù hợp quy hoạch mới được cấp giấy chủ quyền.
Hiện tại, cơ quan chức năng Q.Thủ Đức cho biết đã nhận hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền tất cả trường hợp xây dựng trái phép từ ngày 1-7-2004 trở về sau. Sau khi nhận hồ sơ, Phòng TN&MT sẽ chuyển cho thanh tra xây dựng của quận thẩm định, nếu nhà, công trình đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chủ quyền, còn không đủ điều kiện Phòng TN&MT sẽ trả hồ sơ lại cho dân. Theo một cán bộ Phòng TN&MT Q.Thủ Đức, những ngày qua nhiều người dân đã đến liên hệ hỏi thủ tục xin cấp chủ quyền cho nhà xây trái phép sau ngày 1-7-2004.
Q.Gò Vấp đã nhận hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền nhà xây trái phép từ đầu tháng 7 vừa qua. Theo một cán bộ quận, qua thống kê toàn quận có gần 4.000 trường hợp nhà xây dựng trái phép sau 1-7-2004 phù hợp quy hoạch và đủ điều kiện cấp giấy chủ quyền.
Theo lãnh đạo Phòng TN&MT Q.Tân Bình, ngoài các trường hợp được xem xét tồn tại tạm thời và có cam kết của người dân, theo quy định các trường hợp xây dựng lấn chiếm không gian, lấn chiếm đất đai, chiếm lộ giới... phải tháo dỡ, không được tồn tại.
Trong số hồ sơ đã nộp tại quận, ước khoảng 50% trường hợp xây dựng sai phép phù hợp quy hoạch và được xem xét tồn tại theo hiện trạng. Một số quận huyện khác cũng cho rằng với hướng dẫn nói trên, sẽ giải quyết cho hơn 50% trường hợp xây dựng trái phép được cấp giấy chủ quyền, phần còn lại phải tháo dỡ hoặc cho tồn tại tạm thời.
Chưa có quy hoạch, chưa xét
Theo quy định, cơ sở để xem xét cấp giấy chủ quyền cho nhà xây trái phép là phải phù hợp quy hoạch, nhưng có những quận, huyện chưa làm xong quy hoạch chi tiết 1/2.000 nên chưa thể xem xét cấp giấy chủ quyền.
Huyện Bình Chánh hiện có hơn 1.000 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng... và thời điểm xây dựng huyện chưa công bố quy hoạch. Vậy các trường hợp này xử lý ra sao? Một lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh cho biết nếu các trường hợp xây dựng trái phép trên thuộc quy hoạch điểm dân cư nông thôn hoặc quy hoạch đất ở đô thị sẽ xem xét cấp giấy chủ quyền. Trường hợp quy hoạch vẫn là đất nông nghiệp thì không được giải quyết. “Chúng tôi dự kiến sẽ thí điểm tháo dỡ một số trường hợp xây dựng không phép trên đất nông nghiệp” - vị lãnh đạo này nói.
Trong khi đó, theo Thanh tra xây dựng Q.8, hiện trên địa bàn quận có khoảng 200 trường hợp xây dựng trái phép từ ngày 1-7-2004 đến trước 1-5-2009, phần lớn trong số này là nhà xây dựng sai phép tại các khu dân cư hiện hữu. Các trường hợp này xử lý theo hướng: phần phù hợp quy hoạch thì cho tồn tại, không phù hợp quy hoạch thì người dân phải cam kết tháo dỡ không bồi thường khi thực hiện quy hoạch. “Riêng các trường hợp xây nhà không phép trên đất nông nghiệp quận chưa xử lý và chờ tham khảo các quận huyện lân cận như Bình Tân, Bình Chánh xử lý ra sao quận mới quyết” - một cán bộ Thanh tra xây dựng Q.8 cho biết.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO