Làm việc với quận 7, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải : Bài học về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch...
“Khu Phú Mỹ Hưng ở quận 7 hiện là điểm sáng đô thị ở TP. Ai cũng thấy, ngay từ đầu, họ lập bài toán giải quyết khâu hạ tầng, tạo ra đường vành đai, đường nội bộ, đi đôi với xử lý ngập úng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng về điện, nước và cả không gian kiến trúc đô thị phù hợp với người có thu nhập cao. Bán được nhà, họ tiếp tục quay vòng vốn để tái đầu tư. Cách làm đó đem lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm trong công tác quy hoạch và quản lý một khu đô thị hiện đại”
Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nhận xét về một điểm sáng trong bức tranh đô thị hiện đại khi dẫn đầu đoàn công tác Thành ủy TPHCM đi giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng ở quận 7 vào sáng 6-6.
Cùng dự có Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Lê Hữu Đức, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP Dương Quan Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín và lãnh đạo một số sở - ngành, ban Đảng Thành ủy TPHCM.
Bản quy hoạch 1/2.000 - vấn đề mấu chốt
Đoàn giám sát thấy rằng, việc hình thành khu đô thị Nam TPHCM, đặc biệt là khu A được công nhận khu đô thị kiểu mẫu đã mở ra nhiều vấn đề mới trong quy hoạch và quản lý đô thị. Đây là cơ sở để nâng tiêu chuẩn, trình độ quản lý, đời sống đô thị, ý thức trách nhiệm và nhiều lĩnh vực khác của cộng đồng cư dân của khu đô thị.
Điều này chẳng những giúp cho TP có điều kiện nhân rộng mô hình tổ chức, quản lý đô thị trong điều kiện chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm về phát triển các khu đô thị mới hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế mà có thêm kinh nghiệm thực tiễn để TP hoàn chỉnh mô hình chính quyền đô thị. Đoàn giám sát nhận định, sự phát triển của quận 7 có được như hôm nay là nhờ sớm có trong tay bản quy hoạch 1/2.000 - cơ sở để quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất, mời gọi dự án đầu tư và giải quyết tốt hồ sơ nhà - đất cho dân.
Vấn đề đặt ra cho quận 7 là cần tạo ra quỹ đất cho kế hoạch tái định cư sau năm 2010 đối với các cư dân quận 7 trong diện giải tỏa; thực hiện phương thức hoán đổi đất khi tái định cư ở chung cư cao tầng; nâng dần trình độ, năng lực lãnh đạo và quản lý của đội ngũ cán bộ phù hợp với mô hình đô thị hiện đại.
Từ kinh nghiệm của quận 7, cho thấy có 5 vấn đề cần lưu ý trong quản lý đô thị về đất đai, xây dựng, cây xanh, môi trường và mặt nước. “Trong tổng số diện tích tự nhiên của của quận 7 có 1/3 diện tích mặt nước. Đó là sự ban tặng của thiên nhiên mà không phải nơi nào cũng có. Giữ gìn cảnh quan và khai thác hiệu quả mặt nước tự nhiên - một chỉ tiêu chất lượng sống, là trách nhiệm của quận 7!” - Bí thư Thành ủy chỉ đạo.
Dân quận 7 phải được tái định cư tại quận 7
“Xây dựng nhà tái định cư cho dân không thể tính chuyện lời lãi ở đây được. Một vấn đề nữa cần lưu ý, người dân quận 7 phải được tái định cư tại quận 7 để mọi người dễ hòa nhập với môi trường “vừa cũ vừa mới” và quan trọng hơn ai cũng được hưởng lợi ích từ thành quả xây dựng khu đô thị mới. Đó là quan điểm của Thành ủy TPHCM trong việc chăm lo, ổn định cuộc sống người dân trong diện giải tỏa” - Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải khẳng định.
Đồng chí giao cho UBND TP nghiên cứu, có thể dùng ngân sách mua lại gần 3 ha đất của một nhà đầu tư (cạnh 5 block chung cư 12 tầng) để xây nhà tái định cư.Giống như các địa phương khác, khi quận 7 mở mang xây dựng các công trình, bao giờ cũng có những mảnh đất “đầu thừa, đuôi thẹo”, nếu gom hết, đem ra bán, số tiền thu về có khi lên đến hàng trăm tỷ đồng - dùng vào đầu tư những công trình phúc lợi phục vụ nhân dân. Nhìn tổng thể, bức tranh đô thị của quận 7 đang dần hiện lên khá rõ nét do kết hợp thiên thời, địa lợi, nhân hòa và cả vật lực.
“Nhưng làm gì cũng phải nghĩ đến dân, đặc biệt là dân nghèo.Các quận khác làm nhà tái định cư chậm có thể do khách quan, còn thông cảm được, chứ ở quận 7 mà làm chậm, tôi nói thẳng là tại các đồng chí cả thôi, đừng đổ tại lý do khác! Tôi cho rằng, quận 7 phải đi đầu trong các quận, huyện về xây dựng nhà ở xã hội và nhà tái định cư!” - Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Có một nghịch lý là hiện nay, giá nước sạch dành cho bà con lao động nghèo ở quận 7 lại cao hơn ở quận nội thành - vốn đầy đủ nhu cầu, tiện nghi.Cùng với những khó khăn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở vùng đang đô thị hóa, việc giá nước cao ở quận 7 chẳng khác nào “khuyến khích người dân kéo vào nội thành sống”. Do vậy, đồng chí Lê Thanh Hải “đặt hàng” với UBND TP nghiên cứu phương án hạ giá bán nước sạch cho nhân dân lao động quận 7, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, trong đó có khu dân cư dành cho bà con tái định cư.
Sau cùng, đồng chí Lê Thanh Hải nhắc lại chuyện cũ - ai cũng biết, nhưng vẫn mới trong tình hình hiện tại: “Khi có chủ trương đúng, làm được hay không còn phụ thuộc ở cách tổ chức công việc, khâu bố trí cán bộ và thường xuyên kiểm tra, giám sát. Cả ba khâu ấy làm qua quýt, thì chủ trương dù đúng đến mấy, cũng không trở thành hiện thực được!”.
Theo Sài Gòn Giải Phóng