8 lần điều chỉnh quy hoạch chưa xong hạ tầng

Cập nhật 03/05/2013 09:08

HĐND TP Hà Nội vừa công bố kết quả Đoàn giám sát tình hình quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng trên địa bàn toàn thành phố. Theo đó, phần lớn các chủ đầu tư đều mượn cớ điều chỉnh quy hoạch để tăng quyền lợi cho mình, dồn cái khó cho cộng đồng.

HĐND TP Hà Nội vừa công bố kết quả Đoàn giám sát tình hình quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng trên địa bàn toàn thành phố. Theo đó, phần lớn các chủ đầu tư đều mượn cớ điều chỉnh quy hoạch để tăng quyền lợi cho mình, dồn cái khó cho cộng đồng.

Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm cũng “dính” vi phạm quy hoạch

Quy hoạch “treo” gần 20 năm

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, UBND TP và UBND các quận, huyện đã chủ động tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và trình phê duyệt (gồm cả điều chỉnh) các quy hoạch chi tiết trên địa bàn TP. Trong 5 năm, từ 2008-2012, có 82 đồ án quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt và 122 đồ án được điều chỉnh. Công tác công khai quy hoạch đã được chú trọng, tạo điều kiện để người dân tìm hiểu, thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch...

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng phát hiện ra nhiều hạn chế, thiếu sót trong quá trình quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng tại Hà Nội. Cụ thể, kết quả giám sát chỉ rõ: “Chất lượng một số đồ án quy hoạch chi tiết chưa bảo đảm dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch, thậm chí điều chỉnh nhiều lần. Có quy hoạch chưa thực hiện đã điều chỉnh do thiếu tính khả thi”. Đơn cử, khu đô thị Nam Trung Yên đã qua tới... 8 lần điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhưng tới nay vẫn chưa thể hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Kèm theo đó, một số công trình dịch vụ, công cộng và xã hội hóa cũng chưa được triển khai.

Đặc biệt, Đoàn giám sát phát hiện một xu hướng đang gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây. Đó là việc các khu đô thị, khu nhà ở mới khi tiến hành điều chỉnh quy hoạch đều xin tăng chiều cao công trình, tăng hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chuyển chức năng sử dụng đất từ cây xanh, công trình công cộng sang hỗn hợp, nhà ở cao tầng... Sự điều chỉnh này có lợi cho chủ đầu tư (tăng thêm lợi nhuận từ dự án) nhưng lại gia tăng áp lực dân số lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực. Đơn cử, tại khu đô thị Linh Đàm, người dân đã vào ở từ hơn 10 năm nay nhưng hầu hết các dự án chỉnh trang, hệ thống cây xanh vẫn còn đang triển khai. Nhiều hạ tầng xã hội, nhất là trường học chưa xây dựng. Tại khu đô thị kiểu mẫu này, các cơ quan hữu quan cũng “quên”, không quy hoạch đất công cộng làm trụ sở phường, tổ dân phố...

Kết quả giám sát cũng nêu ra nhiều quy hoạch “treo”, sau nhiều năm vẫn chưa được thực hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống nhân dân. Vì “lỡ” nằm trong vùng quy hoạch, các hộ dân không được cấp “sổ đỏ”, cũng không được cấp phép xây dựng nên không thể cải tạo nhà, buộc phải chấp nhận điều kiện ở tồi tàn. Hàng loạt những quy hoạch “hành dân” được điểm tên như đường vành đai I, nút Nguyễn Khuyến (phê duyệt từ năm 1994); bãi rác – công viên Đống Đa cũng “treo” từ năm 1994...

Không tái diễn cảnh dàn hàng ngang

Kết quả giám sát cũng cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra xung quanh quản lý và thực hiện quy hoạch còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xử lý sai phạm còn hạn chế, khắc phục hậu quả chậm. Ngoài ra, việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật, quản lý xây dựng giữa một số dự án khu đô thị, khu nhà ở mới với khu dân cư liền kề hoặc giữa  các dự án khu đô thị, khu nhà giáp ranh, liền kề còn bất cập, thiếu đồng bộ, gây bức xúc và khó khăn cho người dân.

Chỉ rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành có liên quan, HĐND TP cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm siết lại công tác quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng tại Hà Nội. Theo đó, HĐND TP đề nghị khẩn trương thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Quy hoạch đô thị trên địa bàn, làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm. HĐND TP yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ và phải có phân kỳ đầu tư thực hiện quy hoạch, không giao chủ đầu tư đồng loạt, kiểu “dàn hàng ngang” như vừa qua.

Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt nhấn mạnh, TP sẽ quyết thu hồi quyết định giao chủ đầu tư, thu hồi đất đối với những chủ đầu tư để quy hoạch “treo”, vi phạm pháp luật đất đai. UBND TP cần đẩy nhanh tiến độ cấp “sổ đỏ” cho người dân, doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Theo kết quả giám sát, Hà Nội còn chậm trễ trong triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, nhất là việc lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu. Nhiều quận, huyện, thị xã chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về lập quy hoạch đô thị.


DiaOcOnline.vn -Theo An Ninh Thủ Đô