30.000 tỷ đồng và "một rừng" thủ tục

Cập nhật 11/11/2013 13:14

Trước thực trạng gói 30.000 tỷ đồng giảm tính hấp dẫn, các cơ quan quản lý tỏ ra “sốt ruột”, nhưng những người có nhu cầu còn sốt ruột hơn.

Trước thực trạng gói 30.000 tỷ đồng giảm tính hấp dẫn, các cơ quan quản lý tỏ ra “sốt ruột”, nhưng những người có nhu cầu còn sốt ruột hơn.


Các cơ quan quản lý đang nỗ lực “khơi thông” dòng chảy cho gói 30.000 tỷ đồng sau 6 tháng bị “tắc”

Không còn hấp dẫn

Đặt nhiều kỳ vọng bao nhiêu khi vừa được sinh ra, thì gói hỗ trợ lãi suất 6%/năm lại làm các doanh nghiệp và người dân thất vọng bấy nhiêu khi được triển khai trong thực tế khi chỉ được giải ngân nhỏ giọt.

Sau 6 tháng triển khai, cả nước mới giải ngân cho 920 khách hàng với dư nợ 221 tỷ đồng. Tại TP. HCM, mới chỉ có 179 cá nhân được vay với tổng giá trị được giải ngân là 31 tỷ đồng và chưa có doanh nghiệp nào được vay. Hiện chỉ có Công ty Địa ốc Hoàng Quân được BIDV cam kết cho vay 540 tỷ đồng từ gói hỗ trợ này.

Lý giải cho việc có quá ít cá nhân được vay, ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. HCM cho biết, quy định hiện hành có nhiều vướng mắc, khiến việc triển khai cho vay bị tắc.

Một số ngân hàng cũng cho biết, dù có ưu đãi thế nào cũng phải làm theo quy định để bảo toàn vốn vay, chứ không thể “thả gà ra đuổi”, đó cũng là lý do mà đến nay mới có 4 doanh nghiệp được giải ngân với số tiền 91 tỷ đồng.

Những vướng mắc trên đã khiến gói hỗ trợ nhà ở này giảm tính hấp dẫn. Chị Hiền, một khách hàng đủ điều kiện vay tiền từ gói hỗ trợ cho biết, nếu gói hỗ trợ được cho vay với nhà có diện tích trên 70 m2 thì tốt, bởi các dự án giáp ranh trung tâm thành phố thường chỉ còn căn to, còn những dự án có căn nhỏ lại nằm quá xa, trên 20 km, thậm chí là 25 km.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lúc đầu khá hồ hởi, hiện cũng không mấy mặn mà. Thậm chí, các doanh nghiệp còn xây dựng các dự án, chính sách bán hàng hấp dẫn để cạnh tranh lại với gói hỗ trợ này.

Công ty Lê Thành đưa ra giải pháp bán trả góp căn hộ trong vòng 49 năm, nộp tiền đợt 1 là 50 triệu đồng, sau đó mỗi tháng nộp 10 triệu đồng. Giải pháp bán hàng mới này giúp Lê Thành bán gọn hơn 600 căn ngay thời điểm thị trường đóng băng.
   
Không riêng gì Lê Thành, bán nhà trả góp được nhiều doanh nghiệp tại TP. HCM thực hiện. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hợp tác với ngân hàng để đưa ra các gói tín dụng với lãi suất thấp ngang bằng với gói hỗ trợ tín dụng nhà ở, thậm chí là lãi suất bằng 0, khiến cho gói 30.000 tỷ đồng trở nên... lép vế.

Nỗ lực khơi thông

Trước những vướng mắc khiến cho gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng không thể “chảy” được, cả Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đều có những động thái để khơi thông, lấy lại tính hấp dẫn của gói hỗ trợ này.

Cụ thể, ngày 31/10/2013, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 18/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 07/2013. Theo đó, đối tượng được vay vốn cả doanh nghiệp và cá nhân đều được mở rộng thêm. Ngoài các chủ đầu tư được quy định tại Thông tư 07, từ ngày 15/11/2013, chủ đầu tư các dự án nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị cũng thuộc đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ này. Trong khi đó, người dân có đất, nhưng không đủ diện tích xây nhà cũng thuộc đối tượng được vay vốn hỗ trợ để mua nhà ở xã hội, nhà thương mại dưới 70 m2/căn hộ và giá dưới 15 triệu đồng/m2.

Không chỉ mở đối tượng, điều kiện tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhà ở cũng được nới hơn, người dân không cần phải xác nhận về thực trạng nhà ở của phường, xã, đặc biệt không phải chứng minh thu nhập khi tiếp cận gói hỗ trợ này, trừ trường hợp ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ thì thực hiện theo quy định của ngân hàng. Diện tích căn hộ cũng không cố định ở mức 70 m2, mà có thể cao hơn, nhưng không vượt quá 5%, tức 73,5 m2/căn hộ. Đây là một trong những điểm nghẽn nhất khiến dòng chảy của gói 30.000 tỷ đồng bị tắc.

Ngoài Bộ Xây dựng, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản yêu cầu 5 ngân hàng được chỉ định triển khai gói hỗ trợ này đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ trong những tháng còn lại của năm 2013 và năm 2014.

Với nỗ lực “khơi thông” của các cơ quan quản lý, cả doanh nghiệp và người dân đều kỳ vọng sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, những động thái này có thể giúp gói vốn hỗ trợ chảy mạnh  hơn trong thời gian tới, tạo sức lan tỏa, giúp thị trường bất động sản ấm dần như kỳ vọng của các thành viên thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo DTCK