2.100 tỉ đồng và khoảng 900 ngày xây Bảo tàng Hà Nội?!

Cập nhật 20/02/2008 09:00

Lúc này chưa khởi công, công trình Bảo tàng Hà Nội chỉ còn khoảng 900 ngày để hoàn tất trước 10/10/2010 (kể cả phần chạy thử...

Lúc này chưa khởi công, công trình Bảo tàng Hà Nội chỉ còn khoảng 900 ngày để hoàn tất trước 10/10/2010 (kể cả phần chạy thử, trưng bày hiện vật...). UBND TP Hà Nội vừa xin phép Thủ tướng Chính phủ cho triển khai dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao)...

Theo UBND TP, đến nay dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội - công trình trọng điểm dịp Đại lễ nghìn năm; nơi sẽ lưu giữ, trưng bày các di sản văn hóa phản ánh quá trình tồn tại và phát triển của Thủ đô, địa chỉ văn hóa trong tương lai của dân Thủ đô, cả nước và cả du khách quốc tế - đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư (chọn xong phương án kiến trúc; đã lập và thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở và đang hoàn thiện trình duyệt dự án; đang triển khai thiết kế kỹ thuật và lập tổng dự toán...).

Với tổng diện tích 5,4ha (gồm 4,8ha khu bảo tàng và 0,53 ha mặt nước), Bảo tàng Hà Nội theo phương án đã được lựa chọn của liên danh GMP - International GmbH-Inrosslackner AG (Đức) sẽ cao 4 tầng và có 2 tầng hầm, diện tích xây dựng 7.000m2, diện tích sàn 30.208m2.

Là công trình có yêu cầu cao về kiến trúc, thẩm mỹ; có kết cấu, hệ thống kỹ thuật công nghệ cao, phức tạp, nhiều chi tiết kết cấu thép có thể phải nhập khẩu từ nước ngoài; áp dụng tiêu chuẩn thiết kế của CHLB Đức - dự án này dự kiến "ngốn" khoảng 2.100 tỉ đồng tổng vốn đầu tư.

Do đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhận định "nếu thực hiện dự án theo qui định hiện hành về quản lý công trình xây dựng nguồn vốn ngân sách, kể cả việc được Thủ tướng cho phép chỉ định thầu cũng khó có thể hoàn thành công trình theo tiến độ phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội".

Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình vừa ký Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện dự án Bảo tàng Hà Nội theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) trừ phần trưng bày hiện vật và cho phép chỉ định nhà đầu tư trực tiếp đàm phán và ký kết hợp đồng thực hiện dự án.

Hà Nội hy vọng rằng với hình thức hợp đồng BT, nhà đầu tư sẽ hoàn toàn chủ động trong việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật chi tiết trên cơ sở dự án đầu tư và thiết kế cơ sở đã được Thành phố thông qua; chủ động sắp xếp nguồn vốn thực hiện công trình; chủ động triển khai thi công và ký hợp đồng với các nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật tư, thiết bị công nghệ... để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình.

Theo VietNamNet