20 ô phố vàng chưa hút được đầu tư

Cập nhật 23/07/2010 08:40

Năm 2007, trước áp lực của việc gia tăng tràn lan các khu cao ốc trong khu vực trung tâm, UBND TP.HCM đã lập danh sách 20 ô phố (khoảng 50ha) “đất vàng” ở khu vực quận 1, 3 để kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư khách sạn...

Năm 2007, trước áp lực của việc gia tăng tràn lan các khu cao ốc trong khu vực trung tâm, UBND TP.HCM đã lập danh sách 20 ô phố (khoảng 50ha) “đất vàng” ở khu vực quận 1, 3 để kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư khách sạn, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại… Tuy nhiên, sau hơn ba năm, phần lớn các ô phố này vẫn chưa “thay da đổi thịt”. Trong khi đó, các cao ốc lại đua nhau mọc lên ở nhiều vị trí khác, tạo nên sự lộn xộn trong bộ mặt đô thị.


Trong lúc 20 ô phố vàng đang đợi nhà đầu tư thì cao ốc vẫn mọc lên khắp nơi trong khu trung tâm. Ảnh: Lê Quang Nhật

Khu tam giác Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão, quận 1 với diện tích trên 13.000m2 là một trong 20 khu đất có vị trí đẹp nhất được thành phố quy hoạch để kêu gọi đầu tư lúc ấy. Đầu năm 2008, thành phố muốn mở đầu cho việc chọn lựa nhà đầu tư đầu tư vào những khu đất có vị trí đẹp bằng việc tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư khu đất này. Kết quả, một nhà đầu tư có năng lực nhất (theo quan điểm của thành phố) đã được lựa chọn. Tuy nhiên, ngay sau đó, Thanh tra Chính phủ lại có kết luận: quá trình đấu thầu có nhiều sai sót. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo huỷ kết quả đấu thầu. UBND TP.HCM dự kiến đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư lại từ đầu. Nhưng từ đó đến nay, cuộc đấu thầu lại này vẫn chưa diễn ra và khu đất vàng này vẫn chưa có chủ.

Từ đắt thành ế

Một khu đất khác có vị trí đẹp không hề thua kém là khu đất 164 Đồng Khởi (trụ sở của sở Văn hoá - thể thao và du lịch TP.HCM) có diện tích 9.700m2, được bao bọc bởi các đường Nguyễn Du, Đồng Khởi và Lý Tự Trọng, trong đó diện tích đất của sở Văn hoá - thể thao và du lịch khoảng 7.100m2, khoảng 2.600m2 diện tích còn lại thuộc 145 hộ dân đang cư ngụ tại khu vực này.

Theo sở Kế hoạch và đầu tư, năm 2007, khi biết thông tin thành phố quy hoạch khu đất này để xây dựng cao ốc thì đã có khoảng 25 nhà đầu tư đến đăng ký đầu tư. Trong đó, có một số nhà đầu tư lớn với vốn sở hữu trên 1 tỉ USD như: Indochina Capital, Hong Kong Land, Queensland và Vina Capital.

Về phía UBND TP.HCM ngay từ đầu năm 2009 cũng đã chỉ đạo các sở ngành tổ chức đấu thầu khu đất này để lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đấu thầu này cũng đã dẫm chân tại chỗ hơn một năm nay.

Ngoài ra, hàng loạt khu đất có vị trí đắc địa khác cũng chưa có nhà đầu tư, như: khu đất Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng, khu tứ giác chợ Dân Sinh, khu Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Huỳnh Thúc Kháng, khu Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Tôn Thất Đạm - Tôn Thất Thiệp, khu Bình Quới - Thanh Đa…

Theo một cán bộ ngành quy hoạch, tính đến nay chỉ có 2/20 khu đất được thành phố quy hoạch là có chủ, đó là: khu tứ giác Eden, khu 66 - 68 Đồng Khởi, trong đó mới có khu đất số 66 - 68 Đồng Khởi là được xây dựng cao ốc.

Bí chỗ này phình chỗ khác!

Theo giám đốc sở Xây dựng TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bền, từ năm 2008 đến nay, thành phố đã cấp phép cho 104 dự án cao ốc, trong đó có 71 công trình nằm ở lõi trung tâm.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trọng Hoà, nguyên giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, cho rằng mục tiêu của thành phố khi hình thành nên 20 ô phố là không muốn đánh mất cơ hội thu hút đầu tư. Tuy nhiên, khi 20 ô phố đã hình thành, thành phố kêu gọi đầu tư thì lại gặp rất nhiều khó khăn về chính sách, cơ chế… như đấu giá hay không đấu giá, chỉ định thầu hay giao đất? Ngay cả khi đấu thầu, đấu giá thì cũng phát sinh rắc rối như tại khu tam giác đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo. Mặt khác, nhà đầu tư bao giờ cũng muốn lợi nhuận cao nên đưa ra yêu cầu được xây cao tầng, hệ số sử dụng đất lớn, trong khi Nhà nước phải kiểm soát, cân đối để phát triển hài hoà, bền vững… Chính những đối nghịch trên đã khiến việc thu hút đầu tư theo ý định của thành phố bị chững lại.

Tuy nhiên, theo ông Hoà, việc xây dựng các cao ốc là một hệ quả tất yếu của một quá trình phát triển đô thị. Muốn có một đô thị lớn, một trung tâm kinh tế văn hoá thì phải có những cao ốc mọc lên. Quan trọng là phải biết chịu cực trước mắt để nhìn về cái lâu dài. “Trong thời gian qua, nếu các sở ngành không cho xây dựng nhà cao tầng ở những vị trí lõi trung tâm thì chúng ta cấp phép cho xây ở đâu? Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì chưa hoàn thành, các khu đô thị khác thì mới hình thành trên giấy. Mặt khác, tại khu trung tâm cũng có những toà nhà cao tầng hôm nay xuất hiện nhưng đã được phê duyệt, được quyết cách đây 5 - 10 năm rồi. Cơ chế của mình là vậy nên mình đành chịu”, ông Hoà nói.

Cũng theo ông Hoà, nói như vậy, không có nghĩa là cứ phát triển xây dựng nhà cao tầng tràn lan. Trong bản thiết kế quy hoạch khu vực trung tâm 930ha thì yếu tố nhà cao tầng với đường giao thông đô thị được phối hợp một cách hài hoà. Cụ thể như, khi xây dựng một tuyến đường sắt đô thị thì sẽ có bao nhiêu nhà cao tầng mọc lên ở tuyến đường đó, khi xây dựng hai tuyến thì thêm bao nhiêu toà nhà nữa… TP.HCM hiện nay cũng đang từng bước thực hiện theo quy hoạch này. Nhưng để nên hình, nên dạng thì phải chờ đợi thời gian, chờ đợi vốn để đầu tư, chờ hoàn thiện cơ chế chính sách…

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị