Trung Quốc: Phập phồng bong bóng bất động sản

Cập nhật 18/05/2017 16:03

Việc bong bóng bất động sản Trung Quốc liên tục phình lên xẹp xuống khiến cả giới lập pháp lẫn nhà đầu tư nước này ngày càng lo lắng.

Việc bong bóng bất động sản Trung Quốc liên tục phình lên xẹp xuống khiến cả giới lập pháp lẫn nhà đầu tư nước này ngày càng lo lắng.


Ngày càng nhiều nhà phát triển BĐS Trung Quốc tìm cách mở rộng đầu tư sang nước ngoài. Nguồn: Reuters

Người đứng sau tình trạng bong bóng bất động sản (BĐS) hiện nay của Trung Quốc không ai khác ngoài những nhà phát triển BĐS thuộc sở hữu của chính phủ. Nhận định này của trang tài chính kinh doanh Wolf Street nhanh chóng nhận được ý kiến của nhiều chuyên gia. Reuters phân tích, những nhà phát triển này - với sự hậu thuẫn vốn từ các ngân hàng quốc doanh - đã trở thành nhân tố chính làm tăng giá nhà ở Trung Quốc.

Vá lỗ hổng

Cơ quan CREB thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2016, gần nửa số "đất vàng" tại Trung Quốc đã nằm trong tay những nhà thầu thuộc sở hữu của nhà nước. Xu hướng này tiếp tục kéo dài đến nay. Tuy nhiên, hôm thứ hai tuần trước, chính quyền Trung Quốc đã triệu tập các nhà phát triển BĐS này yêu cầu dừng việc thổi phồng cơn sốt thị trường nhà ở. Reuters nhận định, sau cuộc gặp gỡ này, "các công ty có thể bị buộc phải thay đổi chiến lược".

Động thái trên cũng được xem là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc trong việc trấn áp tình trạng đầu cơ đang quay trở lại. Trước đó, chính quyền Bắc Kinh đã ban hành một loạt quy định nhằm hạn chế việc cá nhân được mua BĐS thương mại mới nhằm "hạ nhiệt" thị trường. Trong đó phải kể đến chính sách tăng tiền đặt cọc khi giao dịch, tăng thuế khi mua ngôi nhà thứ hai, hay tăng lãi suất cho vay thế chấp mua nhà...

Dù vậy, theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Trung Quốc (NBS), giá nhà mới tại 70 thành phố trong tháng ba đã tăng 11,3% và là tháng thứ 18 tăng trưởng liên tiếp.

Được biết, trong hơn một năm qua, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt giá nhà. Tuy nhiên, thị trường ghi nhận sự tác động không đồng đều khi giá nhà tại những thành phố lớn vẫn ngày một tăng trong lúc những khu vực kém phát triển hơn đang loay hoay giải quyết lượng nhà tồn không ai ngó đến.

Bên cạnh đó, việc ngăn chặn đà tăng giá tại các thành phố lớn còn làm chuyển hướng nhu cầu sang các khu vực nhỏ hơn, Bloomberg nhận định. Giám đốc nghiên cứu của Công ty Tư vấn Bất động sản Tospur (Thượng Hải), ông Zhang Hongwei, nói với China Daily: "Những chính sách thắt chặt của Bắc Kinh chỉ có tác động ổn định thị trường trong ngắn hạn. Về lâu dài, chúng sẽ ngày càng yếu đi và thị trường mới là yếu tố mang tính quyết định".

Nhận định trên nói lên một điều rằng Trung Quốc chỉ đang vá những lỗ hổng lớn trong khi điều đó tạo nên những chỗ rò rỉ khác. Theo báo cáo mới đây của ngân hàng Deutsche Bank, giá BĐS tăng vọt đã khiến giá tài sản tăng gấp đôi thu nhập khả dụng hằng năm của Trung Quốc. Chưa kể, hiện phần lớn khối tài sản 35 nghìn tỷ USD của các ngân hàng thương mại Trung Quốc đang được đảm bảo bằng BĐS.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thống kê, tín dụng BĐS nước này đã tăng từ hơn 3.000 tỷ CNY trong năm 2015 lên hơn 5.600 tỷ CNY trong 2016. Nếu các khoản vay trên trở thành nợ khó đòi, cũng là lúc bong bóng BĐS phát nổ, thì nhiều người dân, ngân hàng và giới đầu tư sẽ lâm vào cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, Bloomberg cho rằng "bong bóng nhà đất" ở Trung Quốc còn được tiếp sức bởi "bong bóng nợ". Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhiều nhà phát triển BĐS tìm cách huy động vốn đầu tư nước ngoài thông qua hình thức mua trái phiếu bằng đồng bạc xanh hoặc vay hợp vốn. Thậm chí, một số công ty còn rục rịch quay lại thị trường Hồng Kông sau nhiều năm vắng bóng tại đây.

"Bong bóng nhân tạo"?

Trái ngược với những nhận định bi quan trên, Forbes lại có những góc nhìn lạc quan về tình trạng bong bóng BĐS Trung Quốc. Cây bút Wade Shepard của tạp chí này bình luận, thị trường BĐS Trung Quốc luôn nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ nước này. Thế nên dù được điều chỉnh theo hướng tăng hay giảm thì sau cùng, thị trường vẫn quay trở lại trạng thái cân bằng ban đầu.

Theo Wade, các cấp chính quyền Trung Quốc có khả năng can thiệp mạnh mẽ đến thị trường BĐS thông qua các công cụ điều tiết. Họ kiểm soát tốt nguồn cung trong khi có sức ảnh hưởng lớn đến nhu cầu. Khi thị trường phát sốt, các cơ quan này sẽ "làm mát" bằng những chính sách để khiến người mua nhà gặp nhiều bất lợi, thậm chí bị hạn chế giao dịch. Khi thị trường quá lạnh, họ sẽ nới lỏng những chính sách hạn chế đồng thời mở cửa chào đón người mua đang có nhu cầu cao.

"Nếu từng theo dõi thị trường BĐS Trung Quốc, bạn sẽ nhận ra có thời điểm giá nhà tăng cao đến mức khó tin và sau đó lại đột ngột chững lại trước khi lao dốc và đạt mức cân bằng. Chu kỳ này đang lặp lại", tác giả cuốn Ghost Cities of China viết.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2017 đạt mức 6,9% - mức cao nhất kể từ quý III/2016. Reuters nhận định, kết quả này có được nhờ mức tăng chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng của chính phủ cùng sự nóng lên của thị trường nhà đất. Thông tin tích cực này khiến nhiều người đặt nghi vấn, phải chăng chính quyền Bắc Kinh thực sự không muốn "hạ nhiệt" thị trường BĐS bởi lẽ kinh tế nước này phụ thuộc rất nhiều vào tình hình phát triển và đầu cơ BĐS.

Tuy nhiên, dù tình trạng phập phồng của "bong bóng" BĐS xảy ra do sự cạnh tranh quá mức giữa các nhà phát triển hay nằm trong định hướng phát triển của chính quyền Trung Quốc thì vẫn không thể phủ nhận cái bóng của nó đang ngày càng lớn khiến cả giới lập pháp, nhà đầu tư lẫn người dân nước này thêm bất an.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh nhân Sài Gòn