Trung Quốc hãm đà "mua sắm" bất động sản ở Mỹ

Cập nhật 26/07/2018 11:11

Lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua, các nhà đầu tư Trung Quốc bán ròng bất động sản thương mại tại Mỹ, đi ngược lại xu hướng mua sắm trị giá hàng chục tỷ USD kéo dài giúp kích thích tăng trưởng thị trường khách sạn và bất động sản khác của Mỹ suốt nhiều năm qua, tờ Wall Street Journal cho biết.

Lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua, các nhà đầu tư Trung Quốc bán ròng bất động sản thương mại tại Mỹ, đi ngược lại xu hướng mua sắm trị giá hàng chục tỷ USD kéo dài giúp kích thích tăng trưởng thị trường khách sạn và bất động sản khác của Mỹ suốt nhiều năm qua, tờ Wall Street Journal cho biết.


Động thái bán ròng cũng cho thấy thái độ của chính phủ Trung Quốc đối với việc đầu tư ra nước ngoài đã thay đổi vài tháng trở lại đây - Ảnh: WSJ.

Theo hãng dữ liệu Real Capital Analytics, trong quý 2, các nhà đầu tư Trung Quốc đã bán ra tổng cộng 1,29 tỷ USD bất động sản thương mại Mỹ, trong khi mua vào chỉ 126,2 triệu USD. Điều này đánh dấu lần bán ròng đầu tiên kể từ năm 2008.

Động thái bán ròng cũng cho thấy thái độ của chính phủ Trung Quốc đối với việc đầu tư ra nước ngoài đã thay đổi vài tháng trở lại đây.

Vài năm trước,các công ty Trung Quốc bắt đầu đổ xô mua bất động sản Mỹ sau khi Bắc Kinh nới lỏng quy định về đầu tư ra nước ngoài. Nhà đầu tư Trung Quốc nhanh chóng "phủ sóng" khắp các thành phố Mỹ như Los Angeles, San Francisco, và Chicago với nhiều thương vụ lớn, trong đó có vụ mua lại khách sạn Waldorf Astoria ở New York với giá 1,95 tỷ USD - mức cao nhất từng trả cho một khách sạn của Mỹ.

Tuy nhiên, hiện tại, chính phủ Trung Quốc đang muốn hãm một số loại đầu tư ra nước ngoài, trong đó có đầu tư bất động sản, một phần nhằm ổn định đồng nội tệ.

Theo các nhà phân tích, nhiều công ty Trung Quốc như HNA Group và Greenland Holding Group đều đang giải quyết các loại bất động sản để trả nợ và tuân thủ quy định cũng như do các áp lực từ thị trường nội địa.

"Tôi đã rất sốc. Họ (các công ty Trung Quốc) đang giảm mua và bắt đầu bán ra", Jim Costello, phó chủ tịch cấp cao của Real Capital Analytics cho biết.

Giới phân tích cho rằng những căng thẳng leo thang trong vấn đề thương mại và an ninh quốc gia giữa Trung Quốc và Mỹ cũng là một trong những nguyên nhân cho động thái trên.

Trong số các nhà đầu tư bán ra bất động sản Mỹ có Anbang Insurance Group - công ty được chính phủ Trung Quốc tiếp quản lại hồi tháng 2. Chủ tịch công ty này, Wu Xiaohui, bị cáo buộc gian lận và lạm dụng quyền lực. Anbang đang cân nhắc bán một trong các khách sạn mà công ty này sở hữu tại Mỹ.

Động thái này của các nhà đầu tư Trung Quốc có thể khiến tăng trưởng thị trường bất động sản Mỹ giảm tốc mạnh hơn nữa. Giá trung bình bất động sản tại thị trường này đã chững lại trong 18 tháng qua sau khi tăng đáng kể vào những năm đầu sau phục hồi hậu khủng hoảng tài chính 2008.

Các nhà đầu tư Trung Quốc thường gây chú ý với những thương vụ giá "khủng", giúp giá bất động sản tại một số phân khúc của thị trường Mỹ tăng cao.

Năm 2015, tập đoàn Sunshine Insurance Group của Trung Quốc mua khách sạn Baccarat Hotel tại Manhattan với giá 230 triệu USD, đồng nghĩa mỗi phòng của khách sạn này trị giá 2 triệu USD. Đây là một trong những thương vụ mua bán khách sạn lớn nhất tại Mỹ.

Các công ty này có nhiều lý do để sẵn sàng trả giá lớn cho bất động sản ở Mỹ. Theo các nhà phân tích, sếp một số công ty cho rằng việc sở hữu những tài sản "khủng" sẽ giúp nâng cao vị thế và uy tín, cũng như thúc đẩy nhận diện thương hiệu trong tương lai.

Một số có kế hoạch giữ các bất động sản này trong vài thập kỷ để, vì vậy họ cảm thấy lo lắng khi giá giảm tại một thị trường lớn như New York. Tuy nhiên, kế hoạch dài hạn này đã đổ bể khi Trung Quốc bắt đầu gây áp lực buộc các công ty phải giảm nợ và rủi ro tín dụng trong ngành ngân hàng.

Dù nhiều công ty Trung Quốc đang chịu áp lực bán ra, hầu hết các thương vụ bán ra trong vài tháng qua lại sinh lời tốt. Bắc Kinh cho phép các nhà đầu tư bắt đầu bằng việc bán những bất động sản tăng giá để tránh bị mất mặt.

Đơn cử, gần đây, HNA Group và một đối tác đã bán tòa nhà 1180 Sixth Avenue tại Manhattan cho Northwood Investors với giá khoảng 305 triệu USD, theo dữ liệu từ CoStar Group. Công ty này đã mua 90% cổ phần tòa tháp văn phòng này với giá 259 triệu USD vào năm 2011.

HNA Group mới đây cũng bán cổ phần tại tòa nhà 245 Park Avenue cho SL Green Realty Corp. Năm ngoái, HNA mua tòa tháp này với giá 2,2 tỷ USD.

Ngoài ra, các nhà băng Trung Quốc cũng muốn tránh chịu thiệt hại nếu thương vụ bất động sản của nhà đầu tư bị lỗ. 


DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy