Xếp thứ 19 trong danh sách 400 người giàu nhất TQ. Xếp thứ 488 trong danh sách hơn 1.000 tỷ phú thế giới. Họ là hai vợ chồng Pan Shiyi và Zhang Xin. Là cặp đôi nổi tiếng của giới tài phiệt Trung Quốc.
Xếp thứ 19 trong danh sách 400 người giàu nhất TQ. Xếp thứ 488 trong danh sách hơn 1.000 tỷ phú thế giới. Họ là hai vợ chồng Pan Shiyi và Zhang Xin. Là cặp đôi nổi tiếng của giới tài phiệt Trung Quốc.
Anh Pan với nụ cười niềm nở thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông tiếng Trung. Zhang tươi tắn và sành điệu theo phong cách Tây xuất hiện định kỳ trên những tạp chí quốc tế như Forbes. Tài sản hai vợ chồng chung tay xây dựng là công ty đầu tư bất động sản số một Trung Quốc: Soho China.
Xuất thân là dân di cư từ Myanmar, Malaysia, sang Trung Quốc, Zhang sinh trưởng trong nghèo khó. Thời niên thiếu, chị từng làm công nhân cho một nhà máy tại Hồng Kông. Bước chuyển quan trọng trong cuộc đời người con gái nghèo ấy là cơ hội vào học tập tại một trường đại học tại Anh năm 1985. Ra trường, Zhang học tiếp cao học chuyên ngành kinh tế phát triển. Sau khi vinh dự nhận bằng Thạc Sĩ đại học Cambridge, chị vào làm cho ngân hàng Barings tại Hồng Kông, chịu trách nhiệm phân tích thị trường tư nhân đang lên của người Trung Hoa bản xứ.
Nhận ra tài năng vượt bậc của Zhang Xin, công ty “săn đầu người” giới thiệu chị vào làm cho những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới như Goldman Sachs và Sandy Weill's Travelers tại Hồng Kông và New York. Trong quá trình lao động và học tập, Zhang đặc biệt có hứng thú tìm hiểu chủ nghĩa tư bản theo kiểu phố Wall. Thấu hiểu ngọn ngành vấn đề, Zhang Xin quyết định trở về Trung Quốc để xây dựng kiểu kinh doanh tư bản mới.
Chị gặp Pan Shiyi tại Bắc Kinh. Lúc bấy giờ, anh Pan chuyên đầu cơ liều lĩnh trong giai đoạn bong bóng bất động sản ở quận Hải Nam đầu những năm 1990. Anh còn là cộng sự của một trong những doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm bất động sản lớn nhất Trung Quốc, Beijing Vantone. Anh Pan đã từ bỏ Vantone để cùng chị Zhang lập nên doanh nghiệp tiền thân của Soho vào năm 1995.
Bất động sản đầu tiên họ mua là đống hỗn độn chẳng ai thèm: một nhà máy cũ ở ngoại ô thành phố. Ban đầu, hai vợ chồng làm ăn theo cách phương Tây của chị: vay vốn của ngân hàng đầu tư để phát triển bất động sản, xây cất lên tòa nhà đầu tiên là Soho New Town. Tuy nhiên, sau khi khủng hoảng tài chính bùng nổ ở Châu Á những năm 1997, hai vợ chồng buộc phải đổi sang xoay vốn theo kiểu Trung Quốc của anh Pan: vay lãi suất cao ban đầu, rồi vừa xây vừa bán để lấy vốn, rồi lại xây, lại bán. Cách xoay vốn “xây và bán đồng thời” đó là con đường để mở rộng và phát triển đặc trưng của Soho.
Cổ phần của Zhang có thể quy đổi thành tiền là 1,6 tỷ USD. Soho hiện đang thống lĩnh những tòa nhà chọc trời tại Bắc Kinh. Công ty đã hoàn tất 1,8 triệu m2 văn phòng, khu kinh doanh và khu dân cư.
Giá nhà đất Trung Quốc dâng cao đến mức kỷ lục vào cuối năm 2009. Trước tình hình đó, Zhang Xin đã bày tỏ sự ái ngại: “Giá nhà đất khu vực trung tâm Thượng Hải, Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Quảng Châu tăng gấp đôi”. Ngoài thị trường, nhiều công ty đua nhau xây cất rồi bán các cao ốc cho nhà đầu cơ tích trữ, mà không suy tính đến nhu cầu thực sự của người dân. Zhang nhấn mạnh: “Cung nhiều hơn cầu là đại họa đối với kinh tế nước nhà”.
Điều mỉa mai là Soho China của chủ tịch Pan Shiyi và tổng giám đốc Zhang Xin là công ty tư nhân duy nhất vượt qua cả doanh nghiệp nhà nước để thực hiện hợp đồng mua đất lớn nhất năm 2009: 586 triệu USD cho 12 hecta đất. Công ty còn cho xây dựng công trình kiến trúc tham vọng nhất, thiết kế bởi nữ kiến trúc sư nổi tiếng người Anh Zaha Hadid, là tòa Soho Galaxy. Những công trình đó, những bước đi đó, nếu không gọi là đầu cơ tích trữ thì cũng là nền để những nhà đầu cơ tích trữ tung hoành.
Zhang tuyên bố: “Vai trò của nhà sản xuất như chúng tôi là làm ra sản phẩm. Khi nhìn vào hiện thực, thấy rõ nhu cầu không nhiều đến mức đó, nhưng khi mọi người cứ xếp hàng dài bên ngoài và muốn mua sản phẩm, chúng tôi không thể từ chối”.
Đây chính là hiện trạng ngành bất động sản Trung Quốc: người bán cứ bán sản phẩm dẫu không có nhu cầu tự nhiên. Người mua thì mua bất chấp cần hay không. Trong bối cảnh thị trường được kích thích bởi cho vay trực tiếp từ chính quyền, kẻ mua và người bán đều lao vào mua mua bán bán điên cuồng.
Zhang là người lãnh hội nền giáo dục Cambridge. Chị nhận thấy tình trạng bong bóng đang gây khó khăn cho kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, cũng đồng thời là giám đốc sinh ra từ lò Phố Wall, chị biện minh: “Nếu không hùa theo thị trường, từ chối lợi nhuận, thì hóa ra gây khó khăn cho cổ đông công ty Soho”.
Tổng giám đốc Zhang Xin chỉ có thể giải bày:“Chúng tôi làm ăn lương thiện và trong sạch. Song song với nỗ lực gây dựng thương hiệu cho mình, chúng tôi tạo công ăn việc làm bằng cách xây dựng thành phố. Chúng tôi đem đến Trung Quốc những công trình kiến trúc tuyệt vời. Là một trong những hình mẫu công dân hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế tốt nhất, chúng tôi dĩ nhiên có quyền tự hào”.
Theo Zhang, do tệ nạn tham những ở khắp nơi nên công chúng dễ đánh đồng bất cứ kẻ nào giàu đều là do làm ăn không chân chính. Và mới đây, chị cũng trò chuyện với anh bạn bên Goldman Sachs, tình hình ở Mỹ cũng chỉ khá hơn tí xíu. Người làm nghề đầu tư bất động sản cũng bị ghét nhất tại Mỹ.
15 năm trên thương trường Zhang kết luận: “Nếu để mặc thì kinh tế sẽ không có định hướng. Và thực sự thì chỉ có một hướng: hướng đến lợi nhuận”.
DiaOcOnline.vn - Theo InfoTV