Thị trấn 'nhỏ nhất nước Mỹ' được người Việt mua bây giờ ra sao?

Cập nhật 20/06/2018 10:23

Thị trấn Buford nhỏ nhất nước Mỹ nằm ở bang Wyoming được doanh nhân VN Phạm Đình Nguyên mua lại từ năm 2013 với giá 900.000 USD cũng là điểm đến của nhiều du khách khắp nơi.

Thị trấn Buford nhỏ nhất nước Mỹ nằm ở bang Wyoming được doanh nhân VN Phạm Đình Nguyên mua lại từ năm 2013 với giá 900.000 USD cũng là điểm đến của nhiều du khách khắp nơi.

PhinDeli Town Buford là cái tên mới của Buford

Buford nằm giữa thành phố Laramie và thủ phủ Cheyenne trên xa lộ liên tiểu bang 80 - một trong những xa lộ hiếm hoi cho phép lái xe với vận tốc tối đa đạt đến 80 dặm/ giờ (khoảng 130 km/h).

Thế nên câu nói của ông cha rằng "Sai một li đi một dặm" hoàn toàn không đúng với tôi trong chuyến đi vượt ngàn dặm đến đây bởi chỉ vì bảng báo khá khiêm tốn khiến tôi không kịp giảm ga, vì chạy quá lố nên phải đi tiếp gần một chục dặm mới tìm được cầu vượt để quay đầu xe chạy chiều ngược lại.

Tác giả bên cạnh biển báo thị trấn Buford

Được xây dựng từ năm 1866 như một căn cứ quân sự, Buford từng có thời có tới 2.000 cư dân. Tuy nhiên, khi quân đội chuyển căn cứ tại đây sang thành phố láng giềng Laramie, Buford cũng theo đó bắt đầu đà đi xuống. Đến năm 2006, thị trấn chỉ còn một cư dân duy nhất là Don Sammons.

Ông Sammons quyết định bán thị trấn vào năm 2012 sau hơn 20 năm kiêm nhiệm chức thị trưởng, chủ sở hữu và người quản lý.

Từ đó, chủ mới của Buford là doanh nhân Phạm Đình Nguyên, người từng giành được khá nhiều sự chú ý ở Việt Nam nhờ thắng cuộc đấu giá và mua lại thị trấn này với giá 900.000 USD.

Biển hiệu vẫn còn treo nhưng chẳng có thứ gì để bán

Hòm thư mang vẻ "lạnh lùng" do ít người tới lui

Cây xăng với các vòi xăng bị "trùm mền"

Từ đó thị trấn Buford với nhiều kỷ lục như thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, có dân số ít nhất nước Mỹ, nằm cao nhất trên đường I-80 từ New York đến San Francisco... được đổi tên thành PhinDeli Town Buford để quảng cáo cà phê Việt Nam.

Chính ông chủ cũ Don Sammons cũng từng ra sách "Buford One: câu chuyện thật về người gầy dựng và bán lại thị trấn" và vẫn còn được bày bán trên mạng với giá 15 USD/cuốn.

Những điều ly kỳ đó khiến tôi lặn lội đường sá xa xôi để đến đây với nhiều kế hoạch như tham quan, mua sắm quà lưu niệm hay tán gẫu với người quản lý của thị trấn.

Cửa hàng tiện lợi đã đóng cửa hoàn toàn


Bảng thông báo cửa hàng đã đóng cửa và khách vui lòng quay lại vào... mùa hè năm sau

Box điện thoại cũng chẳng còn được ai ngó ngàng

Thế nhưng đổi lại chỉ là những cảnh hoang tàn của một địa danh từng được các phương tiện thông tin đại chúng khắp nơi kêu gọi mọi người đến mua hàng ủng hộ cho sự tồn tại "chênh vênh" của thị trấn này.

Tiến vào phía sau cửa hàng tiện lợi, cảnh hoang tàn càng buồn thảm hơn. Bãi cỏ cao ngất lâu không có người cắt tỉa, nhà kho tuềnh toàng không buồn đóng cửa.

Nhà của chú ngựa Sugar, mascot không chính thức của thị trấn giờ đã để hoang

Cỏ đã mọc cao gần đầu gối chân người mà không có người cắt tỉa

Chỉ còn ngôi nhà chính trông còn khá nguyên vẹn nhưng cánh cửa kính cứ mở ra khép lại theo làn gió sầm sập.

Rời Buford mà lòng tôi nặng trĩu với bao điều tiếc nuối. Chẳng phải vì đã bỏ nhiều giờ lái xe đến đây để thăm thị trấn độc đáo này mà tiếc lắm vì nay mai thôi cái tên PhinDeli Town Buford sẽ có nguy cơ bị xóa sổ và những phượt thủ sẽ mất đi một cơ hội khám phá điều kỳ lạ trên những cung đường dài vô tận của nước Mỹ xa xôi!


Vài năm trước, ngôi nhà này từng là nơi họp mặt của người dân xung quanh mỗi khi có dịp hội hè

Xa xa chiếc xe bán tải nằm chỏng chơ mà người chủ có lẽ cũng chẳng muốn mang đi sửa chữa làm gì!


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ