Thanh niên Trung Quốc đua với giá nhà

Cập nhật 05/02/2010 14:15

Theo báo cáo của Cục thống kê thành phố Bắc Kinh, thu nhập bình quân đầu người hàng năm tại thủ đô Trung Quốc là 44.715 tệ, trong khi các căn hộ được bán với giá trung bình 20.000 tệ/m2.

Sau 10 năm học tập và làm việc tại thành phố Bắc Kinh, chàng thanh niên 30 tuổi Xue Jinyong và vợ quyết định rời thủ đô vì không thể mua nổi một căn hộ.

Xinhua cho biết, Xue và vợ đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Với lương tháng khoảng 11.000 tệ (1.617 USD), trong nhiều năm qua cặp vợ chồng này để mắt tới một căn hộ có diện tích khoảng 73 m vuông ở khu vực ngoại ô phía tây thành phố. Nó được bán với giá 1,35 triệu tệ.

Tuy nhiên, khoản tiền tiết kiệm của họ và cha mẹ hai bên ở vùng nông thôn chưa đạt tới con số 400.000 tệ.

“Sau nhiều ngày tham khảo ý kiến của người thân và bạn bè, chúng tôi quyết định chuyển tới thành phố Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây, nơi giá nhà trung bình chỉ bằng khoảng 1/4 so với Bắc Kinh”, Xue nói.

Mặc dù mức lương thấp ở Thái Nguyên thấp hơn so với thu nhập hiện tại ở Bắc Kinh, Xue vẫn có thể mua một căn hộ rộng rãi và được sống trong ngôi nhà của chính anh.

Xue là một trong những người chọn cách rời khỏi Bắc Kinh để hiện thực hóa giấc mơ sở hữu một ngôi nhà. Trong khi đó, cuộc chiến với giá nhà vẫn tiếp diễn đối với những người muốn trụ lại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Trong bối cảnh giá nhà ngày càng tăng ở các khu vực đô thị, giấc mơ mua một căn hộ ngày càng trở nên xa vời đối với nhiều người.

Theo báo cáo của Cục thống kê thành phố Bắc Kinh, thu nhập bình quân đầu người hàng năm tại thủ đô Trung Quốc là 44.715 tệ, trong khi các căn hộ được bán với giá trung bình 20.000 tệ/m2.

Điều đó có nghĩa một căn hộ có diện tích 80 m2 có giá gần 1,6 triệu tệ. Nếu hai vợ chồng trong một gia đình đều có việc làm, họ sẽ phải dốc toàn bộ lương trong khoảng 17 năm để mua một căn hộ như vậy.


Nhiều thanh niên Trung Quốc quyết định rời các thành phố vì không mua nổi nhà. Ảnh: ce.cn.

Giá nhà quá cao song nhiều thanh niên vẫn muốn sở hữu một căn hộ riêng, họ phải nhờ đến sự giúp đỡ của cha mẹ. Trên thực tế, phần lớn công dân trong độ tuổi 20-30 tại Bắc Kinh buộc phải dùng tiền của cha mẹ để trả một phần, thậm chí toàn bộ tiền mua nhà hoặc căn hộ.

Fang Zhou, tới từ tỉnh Vân Nam, là một trong số đó. Vào tháng 6/2009, cha mẹ cô chi 800.000 tệ để trả trước một phần căn hộ rộng 60 m vuông có giá 1,1 triệu tệ tại Bắc Kinh.

Với bằng thạc sĩ kế toán, Fang tìm được công việc trong một công ty nước ngoài vào năm 2007 và làm việc ở đó tới tận bây giờ.

“Tôi không thể mua căn hộ đó nếu cha mẹ không hỗ trợ. Tôi có đủ tiền để thuê một căn hộ, song việc thuê không mang đến cho tôi cảm giác an toàn”, cô nói. Giờ đây khoản tiền nhà trả góp hàng tháng chiếm 1/3 thu nhập của Fang. Số tiền còn lại giúp cô sống thoải mái.

Nhu cầu nhà tăng mạnh ở và tài nguyên đất hạn hẹp ở các đô thị khiến giá leo thang trong bối cảnh ngày càng có nhiều người tới các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội giáo dục và nghề nghiệp tốt hơn. Trong những năm gần đây, giá bất động sản đã lên tới mức cao bất thường.

Các thống kê từ ngân hàng Goldman Sachs cho thấy, trong vòng 6 năm qua, giá nhà đã tăng nhanh hơn mức tăng của thu nhập tới 30% ở Thượng Hải và 80% ở Bắc Kinh.

Yi Xianrong, một chuyên gia bất động sản của Viện Tài chính và Ngân hàng thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng giá nhà tăng phi mã do nhiều nguyên nhân - như tình trạng ngân hàng cho dân cho vay tiền dễ dàng, đầu cơ bất động sản. Giá nhà cao đang gây nên tâm lý chán nản ở hàng triệu thanh niên Trung Quốc, họ cho rằng giá đang bị thao túng.

Tâm trạng của những người trẻ chưa có nhà được thể hiện trong “Chỗ ở chật hẹp”, một bộ phim truyền hình 35 tập được phát sóng vào năm ngoái. Bộ phim, dựa theo một câu chuyện thật ngoài đời, nói về một cô gái trở thành bồ của một quan chức vì ông này giúp trả tiền mua nhà cho người chị của cô. Bối cảnh của bộ phim là một thành phố mà tại đó giá một căn hộ nhỏ cũng cao hơn thu nhập cả đời của tầng lớp làm công ăn lương.

Bộ phim làm lay động tâm can của người xem. Khán giả tỏ ra thông cảm với những khó khăn tài chính và ý chí phấn đấu của hai chị em.

“Họ tượng trưng cho một bộ phận thanh niên ở đô thị, những người bị giằng xé bởi ham muốn vật chất và nỗi lo lắng trong cuộc sống hàng ngày. Nó giống như việc những con ốc sên phải mang chiếc vỏ nặng”, giáo sư Zhang Yiwu của Đại học Bắc Kinh phát biểu.


gười dân tham dự một triển lãm bất động sản tại Trung Quốc. Ảnh: chinadaily.com.cn.

Giáo sư Zhang cho rằng mục tiêu có nhà vài năm sau khi tốt nghiệp đại học của nhiều thanh niên là không thực tế. Trong khi đó, thuê nhà đã trở thành chuyện hết sức bình thường trong cuộc sống hàng ngày của giới trẻ tại các nước giàu.

“Một mặt chính phủ nên cung cấp những ngôi nhà có giá vừa phải song mặt khác giới trẻ cũng phải nhận ra rằng họ sẽ chỉ có cơ hội sở hữu nhà sau khi lao động chăm chỉ trong nhiều năm”, ông nói.

Cai Yingfei, một cô gái 23 tuổi sống tại tỉnh Hà Bắc (kề cận Bắc Kinh), làm việc cho một siêu thị của Anh tại thủ đô. Cô không tỏ ra nóng vội trong việc mua căn hộ. Cai sống với 4 cô gái khác trong một căn hộ thuê. Tiền thuê nhà chiếm 1/3 khoản thu nhập 3.000 tệ/tháng của Cai.

“Tôi không hy vọng có nhà riêng ở đây trong vài năm tới. Tôi đặt ra mục tiêu sở hữu một căn hộ trong 10 năm và tôi đang làm việc chăm chỉ để biến mục tiêu thành hiện thực”, cô tâm sự. Trong căn hộ nhỏ mà Cai thuê, phòng khách được chuyển đổi thành phòng ngủ, còn phòng ngủ chính được chia thành hai phòng nhỏ hơn để giảm giá thuê của mỗi người.

Zhang Rui được tận hưởng cảm giác sở hữu sau khi anh và vợ dốc toàn bộ tiền tiết kiệm trong 7 năm để mua một căn hộ hai buồng ngủ ở thành phố Thượng Hải.

“Căn hộ là nơi cư trú của chúng tôi. Nó mang đến cho tôi cảm giác yên bình và thoải mái sau một ngày làm việc. Tôi không còn phải lo lắng về việc bị đuổi khỏi phòng trọ bởi chủ nhà và chuyển đồ đạc tới phòng trọ khác trong một ngày mưa lớn. Điều đó từng xảy ra với tôi hai năm trước, khi tôi và vợ vừa kết hôn”, anh nói.

Nhưng do phải dành một nửa trong khoản thu nhập 15.000 tệ/tháng để đóng tiền trả góp hàng tháng cho ngôi nhà, cặp vợ chồng đối mặt với áp lực tài chính lớn đến nỗi họ không dám sinh con.

“Chúng tôi sẽ mất mọi thứ nếu một trong hai người mất việc. Chúng tôi sẽ không sinh con cho tới khi tình hình tài chính trở nên khá hơn”, anh nói.

Ý thức được rằng giá nhà cao đang bào mòn giấc mơ sở hữu nhà của giới trẻ, chính phủ tuyên bố họ sẽ kiềm chế sự phát triển quá nóng của thị trường nhà ở và xây dựng những căn hộ giá rẻ. Nhưng nhiều chuyên gia bất động sản tin rằng giá nhà sẽ vẫn tiếp tục leo thang nếu tình trạng cho vay dễ dàng, đầu cơ bất động sản và hoạt động thu hồi đất để bán tại các địa phương không chấm dứt.

"Nếu bạn muốn sớm có một căn hộ riêng, hãy chuyển tới những thành phố nhỏ. Giá nhà ở những nơi đó tương đối phù hợp với mức thu nhập trung bình. Tình trạng cạnh tranh ở những nơi đó cũng kém quyết liệt hơn”, giáo sư Zhang nhận xét.

Xue đang sống trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn khi chuẩn bị rời Bắc Kinh – nơi giấc mơ của anh bắt đầu.

“Cuối cùng thì tôi sẽ có cơ hội mua cho gia đình một căn hộ, nhưng thật ra tôi nghĩ đây là một bước lùi trong cuộc đời”, anh vừa nói vừa cúi đầu và nhìn trân trân xuống đất.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress