Nhà thế giới

Cập nhật 06/02/2011 11:20

Dường như thế giới đang chia thành hai: một bên là văn hóa và một bên là thương mại.

Dường như thế giới đang chia thành hai: một bên là văn hóa và một bên là thương mại.

Verona: ngôi nhà thân yêu

Ảnh minh họa

Verona, cái tên không hẳn quen thuộc với đa số người Việt chúng ta nhưng ai từng yêu Romeo và Juliet đều phải biết đến Verona nơi xảy ra chuyện tình bất tử của đại văn hào Shakespeare. Từ khách sạn Orsol chúng tôi đi bộ chừng nửa tiếng dưới mưa phùn mùa xuân đến thăm nhà của Juliet. Mới 10 giờ sáng đã đông nghẹt khách tứ phương. Tommy Lam, một nhà báo người Singapore cùng đi với tôi, nói: “ Ai cũng có tình yêu mà!” Chính vì vậy ai cũng muốn thăm ngôi nhà của tình yêu, nhà của Juliet và ban công nơi cô vẫn đứng chờ Romeo. Tôi tiếc là tấm bảng chỉ nhà lại thiếu tiếng Việt và tiếng Hoa hay một thứ tiếng Á châu nào đó. Chỉ có: Casadigiulietta( tiếng Ý), Home of Juliet (tiếng Anh), Hause der Julia ( tiếng Đức) và Maison de Juliette ( tiếng Pháp ). Nhưng không sao, ai cũng biết đó là nhà của Giu-li-ét.Trên lối vào hơi tối người ta dán đầy những thông điệp tình yêu bằng đủ thứ tiếng trên thế gian này. Như một tranh vẽ toàn cầu. Chỉ cần nói lên tình yêu thì con người có thể đạt tới cái toàn mỹ của văn hóa nhân loại rồi. Và phải chăng các thiên tài đều là những đấng tiên tri, như Shakespeare-người chưa từng đến Ý đã viết trong Romeo và Juliet: "Không có thế giới nếu không có những bức tường Verona”.

Còn giờ đây Verona có nghĩa là tình yêu, mặc dù chính quyền thành phố đang kêu gọi cả thế giới đến đây vì một tình yêu khác: tình yêu ... nho, hay tình yêu rượu vang. Verona đã thành ” thương hiệu ” của các kỳ thi rượu vang và triển lãm vang thế giới hằng năm. Nhưng thương mại, dù sao, vẫn là thương mại nên “ Verona: Một tình yêu khác " ( khẩu hiệu của thành phố hiện nay ) không thể thay thế được " Verona: Nhà của Juliet”. Hai ông bà cụ trên 90 tuổi đứng chờ được chụp ảnh bên tượng nàng Juliet thủy chung đã nói chuyện với chúng tôi: " Từ London bay sang đây chỉ để mong được thăm nhà cô Juliet. Còn chúng tôi, hai người Á châu, anh Tommy Lam, vị chủ tịch Hiệp hội Pha chế kiêm hiệu trường Học viện Rượu vang Singapore và tôi, một nhà báo Việt Nam lại nói với nhau: “ Thực ra ngôi nhà này không thật, nó được xây từ những vần thơ của Shakespeare nhưng nó lại vững chãi hơn bất cứ một kỳ quan kiến trúc nào”. Châu âu đã từng là thương mại nhưng Châu Âu hiện đang trở thành lục địa của sự chậm trễ. Xét về thương mại, Châu Âu đang nghèo đi. Thế giới mới lên ngôi chính là Châu Á, trong đó có Việt Nam đang đi “ theo hướng rồng bay ”. Trong thâm tâm, chúng tôi muốn so sánh với “ con hổ Châu Á" hơn vì con hổ, dù sao, chúng ta vẫn thường thấy trong sở thú, con rồng thì chỉ được thấy…. ở những đám múa lân.

Quảng Châu: Ngôi nhà thương mại


Nhà hát lớn Quảng Châu. Ảnh minh họa

Ý nghĩ trên càng được củng cố khi một tuần lễ sau chuyến đi Verona, chúng tôi có dịp đến thăm thành phố lớn thứ ba của Trung Quốc. Thành phố Quảng Châu đang thay da đổi thịt để xây con đường tơ lục “mới “. Chỉ ở trung tâm Triển lãm quốc tế Quảng Châu thôi cũng thấy được khát vọng trở thành ngôi nhà thương mại thế giới của người Trung Quốc. Trên diện tích rộng 1,3 triệu mét vuông xuất hiện đến gần 15.000 công ty tư nhân so với 2.300 công ty quốc doanh của nền kinh tế muốn chiếm vị thế dẫn đầu. Mặc dù đã đăng ký trước trên mạng, chúng tôi phải xếp hàng dưới nắng gần hai tiếng đồng hồ mới vào được sảnh thủ tục để chụp ảnh làm thẻ khách mua. Verona vắng lặng bao nhiêu thì Quảng Châu ồn ào bấy nhiêu.Verona chỉ nói về thơ ca, về tình yêu. Quảng Châu chỉ nói về hàng- hóa và giá cả. Khẩu hiệu "Verona: Một tình yêu”. Khẩu hiệu của Quảng Châu: “ Chiến thắng thị trường thế giới bằng chất lượng toàn cầu”. Và quả là hình như cả thế giới đang đến Quảng Châu-thành phố thứ ba của Trung Quốc - để mua hàng. Tấm thẻ trên ngực tôi là "Buyer” ( người mua ) chứ không phải là " Press " ( báo chí như tôi đã đăng ký ).

Gian hàng được người Châu Âu đặt hàng nhiều nhất lại là gian xe… đạp. Ông Frank Jugen, một người Hà Lan, nói với chúng tôi: "Dân Amsterdam quay trở lại xe đạp để thưởng thức cuộc sống. Đạp chậm cũng như các bạn nhâm nhi trà vậy”. Các thương gia Việt Nam đến đây thăm viếng và đặt hàng cũng khá nhiều. Ở đâu chúng tôi cũng gặp người Việt. Anh Trường Sinh, một cựu nhà báoở Đài truyền hình TP.HCM nay là giám đốc một công ty kinh doanh máy móc, thiết bị cho biết từ khi hội chợ triển lãm Quốc tế Quảng Châu mở cửa, anh đã qua đây ba lần rồi. Còn ở phi trường Baiyun thì hàng hóa bị chặn lại hầu hết của người Việt vì là hàng điện tử. Người Việt mê hàng điện tử Trung Quốc. Khổ nỗi cái gì có pin bên trong đều phải bị tháo rời, không được gửi theo hàng hóa. Đến ngôi nhà thế giới Quảng Châu, người ta thấy cái gì cũng muốn mua. Còn ở Verona của nàng Juliet, thậm chí một chai rượu vang cũng không mua được. Ngay cả rượu vang quà tặng cũng bị hải quan phi trường Verona tịch thu một cách nhẹ nhàng.

Thế giới đang phẳng đi nhanh chóng khi mỗi thi trấn, thành phố, địa phương đều có thể tự xây cho mình những nhà văn hóa hay nhà thương mại – hai giá trị mang tính toàn cầu nhất trên mặt đất ngày càng bất ổn này.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Pháp Luật TP HCM
Ảnh Internet