Ngành kinh doanh khách sạn toàn cầu không nằm ngoài vòng xoáy của khủng hoảng. Tuy nhiên, ở một khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới - châu Á - công nghiệp này vẫn phát triển.
Châu Á "hút" nhà kinh doanh khách sạn. Ảnh Nytimes. |
Ngành kinh doanh khách sạn toàn cầu không nằm ngoài vòng xoáy của khủng hoảng. Tuy nhiên, ở một khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới - châu Á - công nghiệp này vẫn phát triển.
Ở khu vực này, khó có thể thấy trong vòng một tuần mà không có một khách sạn nào xin giấy phép hoạt động hay tuyên bố kế hoạch tiếp tục mở rộng, bất chấp sự suy thoái ở những cường quốc kinh tế thế giới khiến tỉ lệ sử dụng buồng phòng khách sạn giảm mạnh ở khắp châu Á, Mỹ và châu Âu.
Trong tháng 10, có hai khách sạn lớn mở cửa tại Hong Kong. Một là Hyatt Regency với 381 phòng nằm ở khu mua sắm sầm uất tại quận Kowloon, hai là Upper House, 117 phòng. Ritz-Carlton với 300 phòng là một trong số nhiều khách sạn dự kiến đi vào hoạt động ở đặc khu này năm tới.
Rất nhiều dự án được tiến hành trước lúc cuộc khủng hoảng kinh tế tác động tới ngành công nghiệp du lịch, nhưng thậm chí trong bóng đen suy thoái, các công ty khách sạn lớn nhỏ đều vẫn nhanh chóng lên kế hoạch mở rộng ở châu Á.
“Tăng trưởng của chúng tôi ở đây nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới”, Michael Issenberg, phụ trách kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Accor nói. Tập đoàn khách sạn Pháp này, sở hữu những thương hiệu như Novotel, Mercure và Sofitel, đang mở 54 khách sạn với khoảng 10.000 phòng tại châu Á năm nay và dự kiến khai trương số khách sạn tương tự hoặc nhiều hơn thế ở châu lục này vào năm 2010.
Riêng ở Ấn Độ, Accor dự kiến có 50 khách sạn, với hơn 10.000 phòng trong năm 2012, so với con số hiện tại là 5 khách sạn.
“Có lẽ không nơi nào khác trên thế giới vượt qua được những cơ hội tăng trưởng tại châu Á -Thái Bình Dương”, Frits van Paasschen, giám đốc Starwood, sở hữu những thương hiệu như Sheraton và Le Meridien cho biết. Hãng này mới chỉ hoạt động 150 khách sạn trong khu vực.
Địa phương vào cuộc
Những nhà điều hành khách sạn nhỏ hơn ở địa phương cũng gia nhập cuộc đua này. Amari, một công ty quản lý khách sạn của Thái tháng trước tuyên bố sẽ gia tăng 40 khách sạn tới năm 2018. Tập đoàn Park Hotel ở Singapore, điều hành 8 khách sạn lớn cũng dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 12 khách sạn trong ba hoặc năm năm tới.
Tuy nhiên, không phải mọi dự án đều diễn ra theo đúng kế hoạch, cũng không phải tất cả đều suôn sẻ. Bắc Kinh Marriott, khai trương trước Olympic 2008 cho biết, tỉ lệ sử dụng phòng đã giảm khoảng 20% đầu năm nay.
Một số khách sạn mới mở ở Bắc Kinh và Thượng Hải cho kỳ Olympic năm ngoái và World Expo 2010 năm tới cũng góp phần làm tăng nguồn cung trong khi nhu cầu lại sụt giảm.
Doanh thu trên mỗi phòng giảm 56% ở Bắc Kinh trong tám tháng đầu năm nay và ở Thượng Hải là 35%. Với toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, doanh thu giảm 28,4%.
Mặc dù một số công ty khách sạn cho biết, tỉ lệ sử dụng phòng bắt đầu tăng, nhưng đây vẫn là áp lực rất lớn. Và rất nhiều nhà phân tích tin là, kinh tế toàn cầu chưa thực sự ổn định, người tiêu dùng Mỹ cũng như châu Âu phải mất nhiều năm để trở lại bình thường.
Nơi để tới
Mặc dù vậy, những nhà quản lý khách sạn vẫn đặt niềm tin vào châu Á. “Hãy nhìn vào con số thống kê: Mỹ gần đây có 4,9 triệu phòng khách sạn cung cấp cho dân số 300 triệu người. Châu Âu có 5,3 triệu phòng. Trung Quốc với dân số 1,3 tỉ người mới chỉ có 1,7 triệu, và Ấn Độ chỉ là 120.000”, Paul Foskey, phụ trách kinh doanh châu Á của Marriott International nói.
Theo Ian Wilson, phụ trách khu vực châu Á của Fairmont Hotels & Resorts, một tập đoàn khách sạn quốc tế khác thì, trong vòng 10 năm, Trung Quốc sẽ có tầng lớp trung lưu lên tới 400 triệu người. Đó là tiềm năng lớn với kinh doanh khách sạn.
Dĩ nhiên, tình hình châu Á rất khác nhau giữa từng nước, thậm chí là giữa các thành phố.
Nhật Bản, với tiềm lực kinh tế và dân số giàu có là nơi rất quan trọng với nhà điều hành khách sạn. Nhưng đây là thị trường khó tiếp cận và "bão hoà".
Ấn Độ với dân số lớn, là tiềm năng khổng lồ. Nhưng cơ sở hạ tầng ở đây còn nghèo nàn và các nhà điều hành khách sạn vẫn than phiền vì các thủ tục phiền hà khi xin giấy phép, thời gian cần thiết để xây dựng khách sạn.
Chính trị và an ninh cũng là vấn đề với kinh doanh khách sạn tại Thái Lan và Ấn Độ.
Trung Quốc là bức tranh nhiều màu sắc. Trong khi khách sạn ở những “cửa ngõ” quốc tế của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh và Hong Kong còn chịu ảnh hưởng của suy thoái, thì việc kinh doanh ở những thành phố thứ cấp sâu trong nội địa lại phục hồi và tăng trưởng. Những khu vực này ít phụ thuộc vào du lịch quốc tế mà chủ yếu tập trung vào khách nội địa.
Ông Rinck nhấn mạnh: “Nhu cầu ở đây vẫn gia tăng”. Thêm vào đó là nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc với hàng chục nghìn km đường quốc lộ, đường sắt, 97 sân bay mới cũng tạo ra sức hấp dẫn với nhà kinh doanh khách sạn.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet