Khủng hoảng đất nghĩa trang ở châu Á

Cập nhật 27/07/2017 09:12

Việc sử dụng đất đai tại Singapore luôn ở mức rất cao, trong khi diện tích có hạn, đã khiến nhu cầu cho người chết gần như biến mất. Chính quyền đô thị nhỏ bé này đã cho đào lên hàng trăm nghìn ngôi mộ để mở các con đường, xây dựng nhà cửa và trung tâm mua sắm.

Theo chính sách chôn cất mới tại Singapore, người dân được thuê đất làm mộ phần nhiều nhất 15 năm, còn ở Hong Kong là 6 năm.

Việc sử dụng đất đai tại Singapore luôn ở mức rất cao, trong khi diện tích có hạn, đã khiến nhu cầu cho người chết gần như biến mất. Chính quyền đô thị nhỏ bé này đã cho đào lên hàng trăm nghìn ngôi mộ để mở các con đường, xây dựng nhà cửa và trung tâm mua sắm.

Nghĩa trang Bukit Brown rộng 200ha có hơn 3.700 trên tổng số 100.000 ngôi mộ đã được khai quật để mở đường cao tốc 8 làn xe, khiến cho diện tích nơi đây bị cắt xuống một nửa. Các nhà chức trách cho biết việc đào bới Bukit Brown để mở đường sẽ giảm bớt tình trạng tắc nghẽn từ xa lộ Pan Island. Trên thực tế, đây là bước đầu hướng tới mở rộng đô thị.

Bộ Phát triển Quốc gia Singapore (MND) đang xem xét chuyển Bukit Brown thành nhà ở vào năm 2030. Theo đó, các mộ phần bị đào lên sẽ tái kết nối vào những ô nhỏ hơn trong nghĩa trang này hoặc được hỏa táng. Thân nhân sau đó có thể thăm viếng tại các mảnh đất chia sẻ hoặc khu vực bia đựng tro cốt tập trung.


Khu đô thị Ngee Ann được xây dựng trên nghĩa trang cộng đồng Teochew lớn nhất Singapore. Ảnh: The Guardian

Các nhà lãnh đạo Singapore viện dẫn những thách thức của việc cân bằng các lợi ích cạnh tranh đô thị cho việc di dời nghĩa trang. Một phát ngôn viên của MND cho biết, Chính phủ cần phải ưu tiên sử dụng đất cho các nhu cầu khác nhau như nhà ở, không gian xanh, tiện ích, giao thông, cảng, sân bay và tiện nghi để hỗ trợ các chức năng của một quốc gia...

Năm 1978, có 213 điểm an táng trên 2.146ha tại Singapore, chiếm khoảng 3,7% diện tích quốc đảo này. Bộ trưởng EW Barker thậm chí còn trình Quốc hội trong vài năm tới, tất cả các nghĩa trang tư nhân sẽ phải đóng cửa, ngừng chôn cất và quỹ đất sẽ phục vụ cho sự phát triển chung.

Nằm ở khu vực kém phát triển của miền Tây Singapore, nghĩa trang Chua Chu Kang vẫn còn để mở cho việc chôn cất với giá từ 315 đôla đến 940 đôla Singapore cho mộ phần của người lớn. Thế nhưng thời gian chôn cất luôn bị giới hạn. Theo Chính sách Chôn cất mới được ban hành và áp dụng năm 1998, người dân có thể thuê một lô đất để làm mộ phần chỉ trong tối đa 15 năm.

Tương tự, nghĩa trang Bidadari được giải tỏa từ năm 2001 đến năm 2006 với tổng cộng 126.000 ngôi mộ đã được khai quật. Thay vào đó, chính phủ xây dựng một thị trấn mới hoàn chỉnh với một trạm trung chuyển xe buýt và tàu điện ngầm đầu tiên của thành phố. Các căn hộ chung cư đầu tiên được bán vào tháng 9.

Ngay cả tuyến đường mua sắm chính của thành phố, Orchard Road, cũng được xây dựng trên một nghĩa trang cũ. Tại Ngee Ann, dãy tòa nhà nâu, nơi có cửa hàng bách hóa lớn và các shop mua sắm sang trọng, vị trí đó từng là nghĩa trang cộng đồng Teochew lớn nhất trên đảo. Hiện giờ các cửa hiệu, khu thương mại nhộn nhịp đã kịp lấp đầy.

Tại Hong Kong, một nơi có kích thước tương tự Singapore, đất cho người chết còn bị thu hẹp, gia hạn xuống dưới ngưỡng 10 năm. Những chiếc bia đựng tro hỏa táng thường đặt trong các nhà tang lễ nhiều tháng chờ vị trí tiếp theo tại một khu bia mộ, thời gian chôn cực kỳ hạn chế. Ngành kinh doanh đất nghĩa trang ở xứ cảng thơm có chu kỳ khai thác nhanh chóng mặt. Chết và được chôn ở đây không có nghĩa là mãi mãi. Trên thực tế, chu kỳ yên nghỉ của người chết ở mộ phần trong các nghĩa trang chỉ vỏn vẹn có 6 năm.

Đối mặt với tình trạng thiếu đất triền miên và là một trong số những vùng lãnh thổ chật hẹp nhất trên thế giới, chính quyền Hong Kong đã tìm nhiều cách để đương đầu với nhu cầu không gian, cả cho người sống và người đã qua đời.


Việc giới hạn thời gian chôn cất và di dời phần mộ để cải táng dù đã và đang diễn ra để nhường đất phát triển đô thị nhưng luôn gây nhiều tranh cãi và đón nhận những phản ứng trái chiều. Ảnh: AP

Trong trường hợp số người chết tăng lên và thời hạn 6 năm đã hết, gia quyến sẽ phải di dời phần mộ. Nếu không có ai đến nhận, thì người đã khuất sẽ được hỏa táng trước khi được đặt trong một nghĩa trang công cộng. Từ vài năm nay, ở Hong Kong, khái niệm nơi an nghỉ cuối cùng không còn có nghĩa là vĩnh viễn.

Đây là một cách tiếp cận gây tranh cãi vì nhìn chung, điều này không phù hợp với truyền thống và phong tục của người gốc Hoa, nền văn hóa tín ngưỡng tôn kính người đã khuất, đặc biệt là tập tục kính trọng tổ tiên đời trước.

Một người đàn ông làm việc tại nghĩa trang Lai Chi Yuen trên đảo Lantau, Hong Kong giải thích, việc giới hạn thời gian yên nghỉ và di dời người đã khuất đang là một thực tế diễn ra hàng ngày trong cuộc sống. Mọi người đã phản ứng với việc khai quật theo nhiều cách khác nhau, từ đau buồn đến thờ ơ. Một số người cảm thấy rất buồn. Họ xem điều đó như là lời tạm biệt và thương tiếc ai đó lần thứ hai. Cũng có người tin rằng chết là đã qua đời, đã là chặng cuối của hành trình.

Tổng giám đốc Jones Lang LaSalle (JLL), Stephen Wyatt cho rằng việc nhiều nước châu Á xúc tiến việc cải tạo các khu nghĩa trang lớn để dành đất cho khu dân cư, khu phức hợp và thương mại, phụ thuộc rất nhiều vào cách quản lý của Nhà nước và tín ngưỡng địa phương.

Chuyên gia này nhìn nhận, cần phải làm rõ mặt tích cực của xu hướng này là mở ra cơ hội chỉnh trang đô thị, được sử dụng thêm nguồn tài nguyên đất đai lớn trong khi quỹ đất đang dần thu hẹp ở các đô thị. Hơn nữa, cải tạo nghĩa trang tạo cơ hội phát triển mảng xanh, công viên và các tiện ích công cộng cho cư dân. Mặt hạn chế lớn nhất chính là yếu tố tâm linh, văn hóa thờ cúng tổ tiên rất sâu sắc và quan trọng trong tâm trí người gốc Á.

Theo ông Stephen Wyatt, các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á có thể tham khảo hình thức quy hoạch nghĩa trang ở các quốc gia châu Âu. Ở các nước phát triển hơn như châu Âu, Đức, Pháp… Chính phủ quy định rất rõ ràng mọi hình thức chôn cất người đã mất phải thực hiện ở nghĩa trang để dễ quản lý các vấn đề liên quan đến môi trường, dịch tễ, quy hoạch…

Gia đình người đã mất có nghĩa vụ thuê đất có thời hạn, tùy kích thước và hình thức chôn cất của hầm mộ mà có những mức giá từ cao tới thấp phù hợp với tình hình tài chính của gia đình người đã khuất. Sau thời hạn thuê, gia đình người đã mất có thể quyết định gia hạn hợp đồng hoặc chấp nhận cải táng. Thông thường, những nghĩa trang được quy hoạch khá tốt với những mảng xanh, công viên, thậm chí là địa điểm thu hút du lịch nổi tiếng. Vì vậy mà ít có nghĩa trang nào bị di dời vì lý do thương mại. Hơn nữa, chính những nghĩa trang này lại là một trong những công viên tự nhiên nhất góp phần xanh hóa đô thị.

Lãnh đạo JLL đánh giá, những đô thị lớn ở các nước đang phát triển đang quá tập trung phát triển nhiều các cao ốc, bê tông hóa đô thị mà quên dần các mảng xanh. Sẽ là một ý tưởng tốt nếu Chính phủ xem xét quy hoạch phần đất của nghĩa trang sau này nên ưu tiên dành cho công viên công cộng, mảng xanh và quản lý tốt những công viên đó. Những lợi ích về mặt kinh tế có thể chưa thấy được trước mắt nhưng lợi ích phát triển bền vững do những mảng xanh trong nội đô thành phố mang lại trong tương lai là rất lớn.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress