Tại châu Âu, nhiều nước đã sẵn sàng giải quyết các vấn đề tài chính bằng cách bán một phần lãnh thổ của mình. Tuần trước, tờ The Guardian của Anh đăng các bài viết về sáng kiến của Hy Lạp và thông tin về việc...
Tại châu Âu, nhiều nước đã sẵn sàng giải quyết các vấn đề tài chính bằng cách bán một phần lãnh thổ của mình. Tuần trước, tờ The Guardian của Anh đăng các bài viết về sáng kiến của Hy Lạp và thông tin về việc, có thể Ý sẽ bán một phần lãnh thổ rộng lớn của mình tại dãy núi Dolomite và các đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển Sardinia, hay chương trình tư nhân hóa quy mô lớn của Pháp.
Kế hoạch của Ý
Vùng lãnh thổ rộng lớn của Ý ở vùng núi Dolomite, các đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển Sardinia hay trung tâm thương mại khổng lồ Porta Portese, có thể sẽ được bán lại cho tư nhân. Chính phủ Ý đã cử ra cơ quan đặc biệt để định giá các tài sản công của nước này.
Ý sẽ xem xét việc chuyển giao các cơ sở địa lý thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương thông qua việc xem xét chuyển đổi nước Ý sang chế độ liên bang, chủ yếu trên lĩnh vực tài chính. Đặc biệt, chính quyền địa phương có thể sẽ cấp giấy phép cho các cơ sở địa lý cụ thể để bán hoặc cho các công ty hay cá nhân thuê, hãng Itar-Tass đưa tin.
Ý dự định sẽ thực hiện kế hoạch này vào cuối tháng Bảy. Danh sách tài sản bất động sản sẽ bao gồm các bãi biển. Ngoài ra còn có khoảng 9.000 ngôi nhà, sông và hồ..
Kế hoạch của Hy Lạp
Mới đây, Hy Lạp đã tuyên bố khả năng sẽ bán các đảo của quốc gia này để trả nợ nước ngoài. Cuối tuần trước, tờ The Guardian đưa tin, các nhà chức trách Hy Lạp dự định sẽ bán hoặc cho thuê dài hạn một phần đảo của quốc gia này.
Chính quyền Hy Lạp đã sẵn sàng thực hiện kế hoạch này, bởi nó có thể giúp Hy Lạp giảm thâm hụt ngân sách. Tờ Guardian đưa tin, một trong những hòn đảo mà Hy Lạp định bán có cả đảo Mykonos - một trong những điểm đến phổ biến nhất tại Hy Lạp dành cho khách du lịch.
Kế hoạch của Pháp
Đầu tháng Sáu, chính phủ Pháp đã phê duyệt kế hoạch tư nhân hóa bất động sản quốc gia, bao gồm các tài sản như lâu đài, các khu nhà trung tâm, nhà khách, doanh trại, trang trại, khu săn bắn, tờ The Times đưa tin.
Danh sách bao gồm các hạng mục bất động sản đắt tiền như khách sạn De Seignelay tại trung tâm Paris và biệt thự sang trọng ven hồ Geneva. Ngoài ra, còn có hàng trăm hạng mục đang trong tình trạng hư hại, và chính phủ thì không có tiền để tu bổ. Chính phủ Pháp hy vọng sẽ kiếm được nhiều tỷ euro từ 1.700 hạng mục. Số tiền này sẽ được dùng để trang trải cho thâm hụt ngân sách.
Năm 2009, thâm hụt ngân sách của khu vực đồng euro đạt 6,3% GDP, các nước EU là 6,8%. Ý có mức nợ quốc gia kỷ lục - 115,8%, theo sau là Hy Lạp (115,1%), Bỉ (96,7%), Hungary (78,3%), Pháp (77,6%) và Bồ Đào Nha (76,8%). Tiếp đó là các nước Đức, Malta, Anh, Áo, Ireland và Hà Lan, theo Thống kê châu Âu.
Các chuyên gia tin rằng, việc bán các lô đất lớn tại Ý không liên quan trực tiếp tới cuộc khủng hoảng nợ, tuy nhiên lại hỗ trợ gián tiếp cho ngân sách các cấp của chính quyền nước này.
Các chuyên gia nhấn mạnh, những giao dịch này là cần thiết và cho rằng, tại thời điểm này rất khó để bổ sung ngân sách mà thiếu các biện pháp không phổ biến, trong khi các hạng mục hư hỏng đòi hỏi nhiều phí bảo trì. Ngoài ra, có thể các nhà đầu tư tư nhân sẽ quản lý tài sản nhà nước hiệu quả hơn chính phủ.
DiaOcOnline.vn - Theo Vitinfo