Hồng Kông vượt New York về giá thuê nhà đắt nhất thế giới

Cập nhật 28/10/2018 09:45

Theo số liệu từ chỉ số sống/làm việc của Savills (Savills Live/Work Index) công bố, lần đầu tiên kể từ năm 2011, Hồng Kông đã vượt qua New York để trở thành TP có giá thuê nhà đất đắt đỏ nhất thế giới.

Theo số liệu từ chỉ số sống/làm việc của Savills (Savills Live/Work Index) công bố, lần đầu tiên kể từ năm 2011, Hồng Kông đã vượt qua New York để trở thành TP có giá thuê nhà đất đắt đỏ nhất thế giới.

Cụ thể, chi phí nhà ở và văn phòng trung bình tại Hồng Kông hiện tại là 112.400 đô la Mỹ mỗi năm, tăng 5% trong vòng 12 tháng. Chi phí cho những phân khúc tương tự tại New York có mức 108.200 đô la Mỹ, giảm 1.7%  theo năm. Giá thuê tại London giảm 1.3%, tính theo bảng Anh, xuống mức 96.000 đô la Mỹ/năm. Do biến động của tỷ giá hối đoái nên khi tính theo đô la Mỹ thì giá thuê tại London thực tế đã tăng 2.7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân khiến giá thuê nhà ở Hồng Kông tăng cao do nguồn cung hạn chế đã đẩy giá thuê nhà ở tại Hồng Kông lên cao, đặc biệt tại các phân khúc thị trường cao cấp. Mặt khác, giá thuê văn phòng gia tăng do nhu cầu từ các công ty từ Trung Quốc, các công ty khai thác công nghệ và các đơn vị vận hành không gian làm việc chung (co- working). Trái lại, giá thuê nhà tại New York tiếp tục giảm do nguồn cung dồi dào, trong khi giá thuê văn phòng giảm nhẹ do xu hướng cắt giảm nhân sự và thu nhỏ mặt bằng văn phòng của các công ty.

Trước đó, Luân Đôn là thành phố giữ vị trí đầu bảng từ năm 2011 đến năm 2015, hiện đứng thứ ba sau vị trí thứ hai là New York. Tuy nhiên, câu chuyện đáng đề cập trong năm qua là sự gia tăng chi phí ở các thành phố lớn tại châu Âu và Trung Quốc.

Hồng Kông đã vượt mặt New York nắm vị trí thành phố có giá thuê nhà đắt nhất thế giới

Riêng thị trường châu Âu, thủ đô nước Anh vẫn là thành phố đắt đỏ nhất so với các thành phố châu Âu khác nếu tính theo chi phí thuê nhà ở và văn phòng. Tuy vậy, khoảng cách này đang dần thu hẹp. Sự phát triển nhanh và mạnh của nền kinh tế tại các thành phố khác tại châu Âu đang tạo đà cho sự tăng trưởng trong giá thuê, đồng thời đồng Euro tăng giá cũng khiến các thành phố này trở nên đắt đỏ hơn đối với các doanh nghiệp nằm ngoài liên minh châu Âu (EU).

Amsterdam hiện tại xếp vị trí thứ 2 tại châu Âu sau khi giá thuê tăng 16% so với năm trước nếu tính theo đô la Mỹ (11.3% nếu tính theo đồng nội tệ), chủ yếu do chi phí nhà ở tăng. Chi phí cho mỗi nhân viên làm việc và sinh sống tại Amsterdam hiện là 62.800 đô la Mỹ mỗi năm, rẻ bằng 1/3 so với Luân Đôn. Tuy nhiên, chi phí này được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Các thành phố châu Âu khác cũng đang chịu sự ảnh hưởng từ Brexit. Chi phí sinh hoạt tại Dublin và Paris, 2 thành phố trong danh sách Top 10 của Savills, lần lượt tăng 9,4% và 4,6%, lên mức 59.000 đô la Mỹ và 58.100 đô la Mỹ mỗi năm.

Đối với thị trường châu Á, nếu xét về chi phí sống và làm việc, Hồng Kông đang đứng tại vị trí biệt lập so với các thị trường khác trên toàn châu Á. Tuy vậy các thành phố Trung Quốc cũng đã tăng thứ hạng nhanh chóng trong những năm gần đây. Thành phố đắt đỏ nhất trong số đó là Bắc Kinh có tổng chi phí cho thuê là 54.900 đô la Mỹ/người, thấp hơn 1 nửa của Hồng Kông, giảm -0.2% (-5.5% nếu tính theo đồng nội tệ) so với năm trước, nhờ các biện pháp bình ổn thị trường đã và đang được triển khai.

"Chi phí sinh sống và làm việc chỉ là một trong những yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn địa điểm văn phòng của các công ty. Tuy nhiên, phân tích vẫn chỉ ra được sự thay đổi theo thời gian của mối quan hệ này. Chi phí thuê mặt bằng tăng, bao gồm cả mặt bằng ở và làm việc, là thước đo thành công của thành phố tại một thời điểm nhất định, nhưng những yếu tố nền tảng trong trung và dài hạn của nền kinh tế của thành phố và quốc gia đó mới là yếu tố có tác động mạnh nhất đến chi phí ở và làm việc cũng như lợi suất đầu tư trong tương lai", Sean Hyett, chuyên gia phân tích, nghiên cứu thị trường thế giới của Savills chia sẻ.

DiaOcOnline.vn - Theo KTNT