Hồng Kông đối diện với nguy cơ bong bóng bất động sản

Cập nhật 06/06/2017 14:25

Giá bất động sản Hồng Kông đã vượt qua đỉnh cao trước đó vào năm 1997 và đang tạo ra sự lo ngại về một bong bóng bất động sản mới.

Giá bất động sản Hồng Kông đã vượt qua đỉnh cao trước đó vào năm 1997 và đang tạo ra sự lo ngại về một bong bóng bất động sản mới.


Người dân Hồng Kông đổ xô đi mua bất động sản

Hình ảnh những hàng dài người dân xếp hàng để mua bất động sản tại dự án nhà ở Tsuen Wan vào cuối tuần qua có thể là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất, gợi lại ký ức về bong bóng bất động sản diễn ra cách đây khoảng hai thập niên tại Hồng Kông.

Theo South China Morning Post, hàng trăm người đã đổ vào văn phòng Cheung Kong Property Holdings, sẵn sàng bỏ qua mức giá cao ngất ngưởng và lãi suất thế chấp vừa được tăng lên để có được một căn hộ trong dự án Ocean Pride của ông Li Ka-shing, một trong những doanh nhân giàu có nhất thành phố, sở hữu các dự án bất động sản từ lâu đã được đánh giá cao. Các báo cáo phá vỡ kỷ lục về giá giao dịch cũng làm đau đầu Chan Tak-lam, Giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Hồng Kông. Ông Chan cho biết tỷ lệ cổ phiếu cao gợi nhớ lại đỉnh điểm của thị trường bất động sản vào năm 1997, và sự sụp đổ của thị trường khi đó đã khiến giá nhà đất trượt dài trong suốt sáu năm. “Giờ đây bong bóng bất động sản có thể cũng sẽ bùng nổ trở lại như thời kỳ trước”, ông Chan nói.

Nicholas Brooke, Chủ tịch của Professional Property Services Group, cũng đồng tình với ý kiến của ông Chan. “Tình hình bất động sản trong thời điểm hiện tại có những điểm tương đồng với năm 1997 về giá cả, cảnh người xếp hàng chờ mua nhà, chu kỳ tăng giá dài và đà mua vào tổng thể mạnh mẽ trên thị trường”, ông Brooke cho hay.

Hai thập niên trước, Villa Esplanada, một dự án chung của Chinese Resources, Sun Hung Kai Properties và Cheung Kong Property là tài sản phức hợp nóng nhất của đặc khu hành chính Trung Quốc. Nhưng chỉ một vài tháng sau khi khởi công dự án, ''cơn bão'' từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã ''đổ bộ'' vào Hồng Kông, khiến giá nhà giảm 70% và đẩy 100.000 chủ sở hữu nhà vào tình trạng bất lợi. Phải mất đến sáu năm sau, thị trường nhà đất mới “trườn” ra khỏi cơn sụt giảm.

“Chúng tôi thấy có những đám mây đen đang treo lơ lửng ở đó, nhưng không biết được khi nào trời sẽ mưa”, Cusson Leung, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cảnh báo sau khi nhớ lại những gì đã diễn ra trong năm 1997.

Tuy nhiên, mặc cho các lời dự đoán không mấy khả quan của các chuyên gia về sự sụp đổ của bong bóng bất động sản, nhiều người mua nhà đất vẫn chọn đứng ở bên lề. “Giá nhà ở Hồng Kông lúc nào cũng cao. Tôi không nghĩ từ giờ trở đi giá nhà sẽ giảm xuống. Chúng tôi phải mua nhà để có chỗ sinh sống. Vì vậy, những lời dự đoán không thực sự ảnh hưởng đến quyết định mua nhà của chúng tôi”, Alice Shun, một trong hàng trăm người xếp hàng chờ mua nhà trong dự án Ocean Pride, nói.

Một số ý kiến cũng cho rằng nền kinh tế Hồng Kông đã ở một mức độ khác so với năm 1997, khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội dường như đã ổn định, hệ thống ngân hàng vững chắc hơn, khả năng tài chính của người mua cũng cao hơn. Và tất cả những điều này có thể che chở cho thành phố ngay cả khi sự việc không hay xảy ra.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên