Hai đại gia nhà đất Fannie Mae và Freddie Mac đẩy chính phủ Mỹ vào thế bí

Cập nhật 21/06/2010 09:40

Trong khi chính phủ Mỹ vẫn đang nỗ lực để vực dậy nền kinh tế, thì việc hai đại gia nhà đất Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac bị yêu cầu rút khỏi thị trường, đã khiến chính phủ Mỹ rơi vào thế bí, lúng túng khó xử.


Ảnh minh họa
Trong khi chính phủ Mỹ vẫn đang nỗ lực để vực dậy nền kinh tế, thì việc hai đại gia nhà đất Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac bị yêu cầu rút khỏi thị trường, đã khiến chính phủ Mỹ rơi vào thế bí, lúng túng khó xử.

Trong thời gian qua, hai đại gia thế chấp nhà đất Fannie Mae và Freddie Mac dường như đã làm mờ dần sự chú ý của mọi người, ngay cả vào tháng trước, thông tin hai đại gia này cầu cứu chính phủ khoản viện trợ lên tới 19 tỷ USD cũng đã rất nhanh chóng chìm ngập trong sự ồn ào của việc Thượng viện Mỹ tranh luận về dự luật cải cách giám sát tài chính. Nhưng, Cục Tài chính nhà đất Liên Bang Mỹ (FHFA) vừa qua tuyên bố yêu cầu Fannie Mae và Freddie Mac rút khỏi thị trường lại một lần nữa cảnh báo với các giới chức Mỹ rằng - việc hóa giải tình thế khó khăn của Fannie Mae và Freddie Mac vẫn chưa được giải quyết, thị trường bất động sản Mỹ cũng chưa thoát khỏi khó khăn.

Theo thông báo của FHFA, việc yêu cầu hai đại gia nhà đất rút khỏi thị trường là vì giá cổ phiếu của hai công ty này từ lâu đã rơi xuống dưới mức tối thiểu 1USD mà Sở giao dịch chứng khoán New York đã đề ra. Giá cổ phiếu của Fannie Mae và Freddie Mac đã sụt giảm gần 40%, lần lượt đóng cửa ở 0,56USD/cổ phiếu và 0,75USD/cổ phiếu trong ngày 16/6.

Từ khi khủng hoảng tài chính bùng nổ đến nay, hai đại gia nhà đất này dường như đã biến thành một “hố đen” mà những giám sát viên mãi mãi không thể lấp cho đầy và cũng không thể bước ra. Hiện nay, hai đại gia nhà đất này tổng cộng đã sử dụng hơn 160 tỷ USD vốn viện trợ của chính phủ liên bang, vượt quá tổng số tiền cứu trợ cho các cơ quan tài chính lớn như tập đoàn quốc tế Mỹ AIG và Citigroup. Nhưng, khi các cơ quan tài chính đều đã lần lượt hoàn trả khoản nợ của chính phủ và bắt đầu thu được lợi nhuận, thì hai đại gia nhà đất - vốn bị chính phủ Mỹ tiếp quản từ lâu này vẫn đang bị thua lỗ nặng nề.

Theo báo cáo tài chính quý I/2010, Fannie Mae lỗ mất 13,1 tỷ USD, còn Freddie Mac lỗ mất 8 tỷ USD. Cuối tháng 5, báo cáo thường niên mà FHFA đệ trình lên Quốc hội Mỹ cho biết, hai đại gia nhà đất này trong tương lai sẽ vẫn tiếp tục thua lỗ, và sẽ từ từ tìm kiếm viện trợ của những người nộp thuế Mỹ. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự đoán, nếu vẫn tiếp tục vận hành theo phương thức hiện nay, thì trong khoảng thời gian 10 năm từ 2009 - 2019, hai đại gia nhà đất tổng cộng sẽ tiêu khoảng 389 tỷ USD tiền của những người nộp thuế.

Tháng 12 năm ngoái, chính phủ Mỹ tuyên bố hủy bỏ giới hạn viện trợ 400 tỷ USD đã đặt ra từ đầu cho hai đại gia nhà đất, cam kết trong 3 năm tới chính phủ vẫn sẽ hỗ trợ vốn bất chấp hai đại gia này thua lỗ bao nhiêu. Tuy nhiên, ngoài việc không ngừng “tiếp máu”, chính phủ Mỹ dường như chưa tìm ra cách nào tốt để có thể giúp hai đại gia nhà đất “tự tạo máu” cho mình.

Ý định thành lập hai đại gia nhà đất là để mở rộng thị trường thứ cấp cho các khoản vay thế chấp Mỹ, trước khi xảy ra khủng hoảng tín dụng nhà đất, hai công ty này tổng cộng đã đảm bảo 11000 tỷ USD khoản vay thế chấp nhà đất chiếm hơn 3/4 thị phần tại thị trường. Sau khủng hoảng, do các ngân hàng thắt chặt tín dụng, hai đại gia nhà đất này trở thành công cụ để chính phủ ổn định thị trường cho vay mua nhà. Theo thống kê, 3 tháng đầu năm nay, Fannie Mae và Freddie Mac cùng với FHFA bảo lãnh 96,5% khoản vay thế chấp nhà ở mới, tác dụng của nó có thể nói là hết sức quan trọng.

Thị trường nhà đất Mỹ mặc dù có phần cải thiện, nhưng vẫn chưa thoát khỏi đáy khủng hoảng. Số liệu mới nhất cho thấy, sau khi mất đi sự kích thích hoàn thuế của chính phủ, lượng khởi công xây nhà mới trong tháng 5 và lượng phát hành giấy phép xây nhà mới cùng giảm mạnh. Trước khi thị trường bất động sản Mỹ phục hồi hoàn toàn, việc giải cứu hai đại gia nhà đất nều không cẩn thận có thể dẫn đến sự biến động của thị trường, phá hỏng sự phục hồi kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Mỹ T. Geithner hồi tháng 3 đã từng bày tỏ tại phiên điều trần rằng, việc cải cách hai đại gia nhà đất vẫn còn quá sớm, vốn tư nhân vẫn chưa đủ khả năng để cung cấp vốn để cho các hộ gia đình Mỹ có thể nhận được khoản vay thế chấp nhà đất; Nếu không có Fannie Mae và Freddie Mac, lãi suất các khoản vay thế chấp sẽ tăng cao, việc người mua nhà Mỹ giành được khoản vay sẽ càng khó hơn.

Cho dù chính phủ Obama nỗ lực thúc đẩy cải cách giám sát tài chính ở mức độ lớn nhất có ảnh hưởng rộng nhất trong hơn 70 năm qua, nhưng dự luật của Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều chưa đề cập tới vấn đề cải cách Fannie Mae, Freddie Mac và thị trường tài chính nhà đất. Có lẽ, sự thiếu sót nội dung cốt lõi này đang chứng tỏ, hai đại gia nhà đất dường như đã trở thành một thứ gì đó quá lớn mà không thể đổ, một thứ quá khó mà không thể giải quyết trong mắt các nhà giám sát Mỹ.

DiaOcOnline.vn - Theo Vitinfo