Địa ốc Trung Quốc phớt lờ nguy cơ bong bóng

Cập nhật 24/03/2010 11:10

Những căn hộ có giá vài chục triệu USD xuất hiện nhan nhản ở Thượng Hải, nơi nhiều người sắm nhà nhanh hơn mua mớ rau. Có nhà đầu tư mua 54 căn hộ chỉ trong một ngày.

Những căn hộ có giá vài chục triệu USD xuất hiện nhan nhản ở Thượng Hải, nơi nhiều người sắm nhà nhanh hơn mua mớ rau. Có nhà đầu tư mua 54 căn hộ chỉ trong một ngày.

Với những chiếc giường được bọc da cá sấu, cánh cửa bằng đồng thiếc họa tiết chạm khắc bằng tay, những viên pha lê Swarovski, một căn hộ rộng rãi dành cho hai hộ gia đình có giá 45 triệu USD (gần 860 tỷ đồng).

Căn hộ vẫn chưa được bán, nhưng Charles Tong - Giám đốc công ty xây dựng khu đô thị sang trọng Tomson Riviera gần bờ sông ở giữa thành phố Thượng Hải, Trung Quốc – khẳng định không hề gặp khó khăn trong việc tìm người mua những căn hộ có giá tương tự.

“Mỗi tháng chúng tôi bán được 3 tới 4 căn hộ. Người dân ở đây muốn sở hữu những căn hộ sang trọng hơn trước kia. Họ muốn một phong cách sống mới”, Tong nói.

Phần lớn dư luận nhất trí rằng Trung Quốc đang bước vào giữa một giai đoạn bùng nổ về bất động sản. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Trung Quốc có phải đối mặt với tình trạng bong bóng bất động sản đang phình rất nhanh hay không.

Khi bong bóng bất động sản vỡ tung - chẳng hạn như thị trường nhà đất tại Mỹ - sức ép của nó sẽ tác động lên toàn bộ nền kinh tế. Trong trường hợp của Trung Quốc, sự sụp đổ của thị trường bất động sản có thể ảnh hưởng tới toàn thế giới. Trung Quốc là nền kinh tế lớn và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong những năm qua nền kinh tế Trung Quốc là động cơ chính kéo thế giới ra khỏi khủng hoảng.

Chính quyền Bắc Kinh cũng lo ngại trước sự tăng trưởng quá nhanh của thị trường bất động sản và đã thực hiện nhiều biện pháp để hãm đà phát triển đó. Chẳng hạn, chính phủ thắt chặt tín dụng đối với các dự án xây dựng nhà, tạo thêm nhiều trở ngại đối với những người đã có nhà nhưng vẫn muốn mua thêm theo kiểu trả góp.

Năm ngoái tổng trị giá nhà được bán tại Trung Quốc lên tới 560 tỷ USD – một con số kỷ lục. Các thống kê của chính phủ cho thấy trị giá bất động sản được bán trong năm ngoái tăng tới 80% so với năm 2008. Với tình trạng giá cả tăng vọt, các công ty xây dựng đang tìm mọi cách để xây thêm nhiều biệt thự, nhà nghỉ và những căn hộ chung cư với những cái tên khá “Tây” như Rich Gate, Park Avenue hay Palais de Fortune.


Những khu chung cư cao cấp mọc lên khắp nơi tại Thượng Hải và nhiều thành phố khác của Trung Quốc. Ảnh:

Dấu hiệu của sự thịnh vượng xuất hiện khắp nơi. Mới đây một nhà đầu tư tại Thượng Hải mua 54 căn hộ chỉ trong một ngày. Một biệt thự được bán với giá 30 triệu USD (khoảng 570 tỷ VND) vào năm ngoái. Vào tháng 12/2009 một tập đoàn xây dựng chi hơn 3,5 tỷ USD để dành quyền sử dụng mảnh đất rộng ở Quảng Châu. Đây là mức giá cao nhất đối với mọi công ty xây dựng trên khắp thế giới.

Tại thành phố Thiên Tân ở phía bắc Trung Quốc, các công ty xây dựng vừa hoàn thành một “đô thị nổi” trị giá 3 tỷ USD. Đô thị này gồm nhiều đảo nhân tạo được xây dựng trên một hồ chứa nước tự nhiên. Nó có các biệt thự, khu mua sắm, công viên nước và một khu nghỉ dưỡng trong nhà lớn nhất thế giới.

“Đà phát triển này thật đáng lo ngại. Tất cả những cách đánh giá truyền thống đều cho thấy, giống như giá thuê nhà, thị trường bất động sản Trung Quốc thực sự là bong bóng”, Andy Xie, một nhà phân tích kinh tế độc lập tại Trung Quốc, nhận xét. Xie từng là chuyên gia kinh tế của tập đoàn Morgan Stanley.

Các nhà đầu cơ đang tích cực gom bất động sản với hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Trên thực tế giá bất động sản tại Trung Quốc hầu như tăng dần theo từng năm trong suốt hơn một thập kỷ qua. Các công ty xây dựng hùng mạnh tại nước này đang phối hợp với các chính quyền địa phương để biến các thành phố cũ thành những đô thị hiện đại và sang trọng hơn.

Nhưng Thượng Hải, thành phố giàu nhất và hoa lệ nhất của Trung Quốc, mới là trung tâm của sự bùng nổ. Kể từ năm 2003 giá bất động sản tại đây đã tăng hơn 150%. Một căn hộ có diện tích chừng 335 m2 được bán với giá tới 200.000 USD. Trong khi đó thu nhập bình quân đầu người của dân Thượng Hải chưa tới 5.000 USD.

Một làn sóng mua bất động sản đang nổi lên trong thành phố, dẫn tới những cuộc đấu giá tới vài tỷ USD và danh sách người chờ đến lượt mua dài dằng dặc.

“Ở Thượng Hải người ta mua nhà nhanh hơn bạn mua mớ rau”, Andy Xiang, một giám đốc quảng cáo, nhận xét. Xiang vừa chi 1,3 triệu USD bằng tiền mặt để giành quyền mua một căn hộ trong khu vực Xintiandi tại Thượng Hải.

Tuy nhiên, có rất ít khu phức hợp tại Thượng Hải sánh được với Tomson Riviera về mức độ sang trọng, bởi nó có 4 tòa tháp màu vàng hướng ra sông Hoàng Phố và một khu vườn hình con rồng ở vị trí trung tâm. Lối vào của khu phức hợp có những bức tranh gốc của danh họa Salvador Dali và nhiều họa sĩ nổi tiếng khác của Trung Quốc. Giá thuê của những căn hộ trong khu phức hợp dao động từ 7.000 tới 17.000 USD – mức giá mà chỉ có những nhà quản lý cao cấp của những tập đoàn khổng lồ như General Motors mới có thể kham nổi.

Những người mua căn hộ ở đây chắc chắn phải thuộc tầng lớp cực giàu, giống như Liu Yiqian, một doanh nhân lập dị tại Thượng Hải. Tạp chí Forbes cho rằng tài sản của Liu có trị giá 540 triệu USD.

Liu, 47 tuổi, khởi nghiệp bằng nghề lái taxi tại Thượng Hải, nhưng sau đó giàu lên nhờ đầu tư chứng khoán. Trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình gần đây, doanh nhân này thừa nhận ông đang sở hữu vài trăm căn hộ tại Thượng Hải. Liu không thể nhớ chính xác số lượng căn hộ đang có, chỉ khẳng định đã mua một căn hộ rộng hơn 1.800 m2 tại khu đô thị Tomson Riviera vào năm 2008 với giá 11,5 triệu USD.

“Tôi đầu tư vào bất động sản. Tôi cũng sưu tầm tranh, đồ cổ và ngọc bích. Tôi nghĩ trong 5 tới 7 năm nữa giá bất động sản tại Thượng Hải sẽ tăng cao hơn nữa”, Liu nói.

Trong nỗ lực điều chỉnh thị trường, chính phủ và các chính quyền địa phương đang đối mặt với một ranh giới mong manh. Tiền bán đất là nguồn thu lớn của ngân sách chính phủ. Vào năm ngoái ngân sách tăng thêm 234 tỷ USD nhờ các vụ đấu giá đất. Con số này chiếm tới hơn một số tiền mà chính phủ dành cho chương trình kích thích kinh tế.

Dư luận Trung Quốc đang tranh cãi xung quanh câu hỏi: Có phải đất nước đang chìm trong bong bóng bất động sản? Một số nhà kinh tế hàng đầu thế giới nhận xét rằng sự bùng nổ của thị trường nhà là kết quả của quá trình đô thị hóa. Song nhiều nhà phân tích lại khẳng định giá nhà tăng liên tục bởi sự thao túng của nhà công ty xây dựng tham lam và những chính sách của chính phủ. Tình trạng leo thang liên tục của giá khiến giấc mơ sở hữu nhà ngày càng trở nên xa vời đối với những người dân di cư từ nông thôn tới thành phố.

Bất chấp mối lo ngại về bong bóng bất động sản, ông Tong nhận định mặt bằng giá đang ở mức hợp lý do lượng tài sản ngầm khổng lồ tại Trung Quốc.

“Một người bạn của tôi có công ty sản xuất quần áo dành cho sản phụ. Công ty của cô ấy chiếm 20% thị phần thế giới, nhưng cổ phiếu của nó vẫn chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán”, Tong nói.

Trong khi đó giá các căn hộ trong khu đô thị Tomson Riviera vẫn liên tục tăng. Phần lớn những căn hộ được bán gần đây có giá hơn 7.500 USD/m2. Giá trung bình của những căn hộ hạng sang tại quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ mới chỉ ở mức hơn 6.200 USD/m2 vào quý 4 năm ngoái, theo kết quả điều tra của công ty bất động sản Prudential Douglas Elliman.

Trên thực tế, với số tiền dành cho một căn hộ trong khu Tomson Riviera tại Thượng Hải, người mua có thể dễ dàng sở hữu một ngôi nhà có diện tích hơn 1.800 m tại thành phố Los Angeles (có giá 10,5 triệu USD) hoặc một biệt thự rộng 52 hecta với 22 phòng ở thành phố New Canaan, bang Connecticut, Mỹ.

Nhưng một nhân viên kinh doanh của Tomson Riviera nói Thượng Hải sẽ trở thành trung tâm tài chính thế giới trong tương lai và đó mới là điều quan trọng với người mua.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress