Mike Zhang vẫn tự coi mình là mẫu bạn trai lý tưởng. Anh biết cách gọi món trong nhà hàng Italy, có thể pha cocktail điêu luyện và luôn xách đồ hộ bạn gái. Và rồi ảo tưởng tan tành khi anh bị bồ đá.
Ảnh: tapchilamdep.com |
Giá nhà đất lên cao khiến các chàng trai Trung Quốc đau đầu vì không có nhà đồng nghĩa với việc khó tìm được vợ. Los Angeles Times có bài viết về vấn đề này.
Zhang, 28 tuổi, làm gia sư tiếng Anh và phiên dịch viên, không thể mua nổi căn hộ trong thị trường nhà đất sôi sục tại Bắc Kinh. Không tốn thời gian thêm nữa, cô bạn gái gắn bó với Zhang hai năm qua đá bay anh.
Chuyện đau lòng của Zhang không phải hiếm hoi. Thị trường nhà đất bùng nổ tại Trung Quốc khiến các chàng độc thân tức giận.
Giá nhà tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải tăng gần gấp đôi trong vòng một năm qua khi các nhà đầu tư đua nhau giành một mẩu của giấc mộng Trung Hoa. Một căn hộ hai phòng ngủ, một phòng tắm ở Bắc Kinh có giá khoảng 274.000 USD, bằng 22 năm lương trung bình của người dân Bắc Kinh.
Không như ở Mỹ, người ta thường tính chuyện mua nhà sau khi kết hôn, việc sở hữu nhà ở Trung Quốc gần như là điều kiện bắt buộc trước khi lập gia đình. Có nhà đồng nghĩa với thành đạt và có khả năng đối chọi với các thách thức về tiền bạc. Và vì thế, có nhà là biểu tượng của bản lĩnh đàn ông trong xã hội Trung Quốc hiện nay.
"Anh không phải là đàn ông nếu không có nhà. Hôn nhân ngày càng nặng tính vật chất và đây là thay đổi lớn trong xã hội", giám đốc trung tâm nghiên cứu về phụ nữ thuộc Đại học Luật và khoa học chính trị Thượng Hải Chen Xiaomin nhận định. "Các cô gái dù tự tin đến đâu đi nữa thì cũng sẽ mất mặt nếu chồng hoặc bạn trai không có nhà".
Các trang web hẹn hò ở Trung Quốc giờ tràn ngập quảng cáo của các cô gái trong đó nêu rõ điều kiện vật chất của ứng viên tiềm năng. "Tôi 25 tuổi và đang tìm bạn trai. Chàng phải có căn hộ và một chiếc ôtô. Căn hộ phải được xây sau năm 2000 và chiếc xe phải xịn hơn loại xe tải nhỏ", một đoạn rao vặt trên mạng Baidu viết.
Yếu tố vật chất không quan trọng đến vậy đối với thế hệ cũ của Trung Quốc khi hầu hết người dân đều nghèo và hôn nhân chủ yếu qua sắp đặt. Nhưng khi nền kinh tế và đô thị hóa diễn ra chóng mặt suốt 30 năm qua, kỳ vọng về vật chất của giới trẻ Trung Quốc cũng tăng lên.
Theo một khảo sát trên trang Sochu, một cổng điện tử tương tự như Yahoo của Trung Quốc, 73% số người trả lời nói rằng có nhà cửa là điều kiện cần thiết cho hôn nhân.
"Không phải bố mẹ ai cũng giàu và giúp họ mua nhà. Tôi đã rút ra bài học rằng nếu một cô gái định lấy bạn làm chồng, tốt nhất là bạn phải có nền tảng tài chính vững", Chen Kechun, 25 tuổi và lớn lên tại Bắc Kinh chia sẻ. Cuộc tình của anh tan vỡ sau khi Chen lùng sục mua một căn hộ vừa tầm không có kết quả.
Trên chương trình truyền hình trực tế mang tên "Đừng làm phiền tôi nếu anh không nghiêm túc", cô gái hỏi thẳng một ứng viên "Anh có tiền không?". Chàng trai gọn lỏn: "Tôi có ba căn hộ ở Thượng Hải".
Ma Nuo, một cô nàng độc thân, trở thành một trong những người có câu nói nổi tiếng tại Trung Quốc. "Kết hôn vì tình ư?", cô gái vật chất này từng nói. "Tôi thà khóc trong xe BMW còn hơn ngồi cười sau xe đạp".
Quan điểm của Ma có thể cực đoan nhưng trên thực tế, việc kiếm được người chồng có thể gánh vác kinh tế tại Trung Quốc vẫn rất quan trọng.
Quan niệm đó khiến các chàng trai Trung Quốc phải nỗ lực để đáp ứng được kỳ vọng. Fang Jing, 29 tuổi, đang cố thuyết phục bạn gái góp tiền mua căn hộ giá 250.000 USD ở Thượng Hải để họ có thể kết hôn vào năm tới.
"Cô ấy không đồng ý ngay đâu. Cô ấy vẫn muỗn tự tôi phải lo được nhưng thực tế là mua nhà ở Thượng Hải quá khó khăn. Khi đối mặt với những vấn đề như thế này có lẽ tốt nhất nên công bằng", Fang nói.
Wang Haijun, nhân viên một công ty bất động sản ở Bắc Kinh, nói anh có thể biết ngay khi một chàng độc thân vô vọng bước vào văn phòng.
"Họ thường ít cân nhắc nhất khi mua nhà. Họ chỉ muốn có một căn hộ càng nhanh càng tốt. Họ vay tiền và chấp nhận trả mức lãi cao nhất nhưng không có lựa chọn nào cả. Họ phải lập gia đình", Wang nói.
Zhang, chàng phiên dịch nói trên, thực sự muốn kết hôn cùng người bạn gái làm lễ tân tại một trường ngôn ngữ. Khi hai người gắn bó hơn, cô ngày càng hỏi nhiều về tương lai của họ và một ngôi nhà riêng.
"Tôi nói yêu cô ấy và sẽ cưới nếu cô ấy không ngại chuyện nhà cửa, nhưng bị từ chối. Tôi bảo cô ấy tôi cũng muốn có nhà, nhưng tôi không biết bằng cách nào. Tôi đâu có giàu", anh nói.
Zhang bắt đầu tìm hiểu giá nhà quanh khu anh ở cách đây một năm rưỡi và ngỡ ngàng. Căn hộ trung bình cũng có giá 150.000 USD. Bố mẹ anh đề nghị giúp nhưng số tiền đặt cọc 30.000 USD vẫn ngoài khả năng.
Bạn gái của Zhang ngày càng sốt ruột. Cô muốn làm đám cưới khi ông bà cô còn khỏe và có thể dự sự kiện này. Tháng 12 năm ngoái, cô hủy hôn.
Zhang cho biết anh đã qua giai đoạn đau khổ và bắt đầu hẹn hò trở lại. Anh cũng bắt đầu tiết kiệm để lấy tiền mua nhà nhưng căm hận vì bị đánh giá là bất tài. Zhang mong tìm được cô gái yêu anh vì anh hấp dẫn hơn là mái nhà. "Giá trị thay đổi hết cả. Chuyện bạn tử tế hay hài hước chả là gì nếu bạn không có nhà", anh nói.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress