Cam chịu độc thân vì nhà quá đắt

Cập nhật 11/02/2010 08:40

Rất nhiều thanh niên thế hệ 8X của Trung Quốc phải chấp nhận sống một mình vì không có tiền mua nhà riêng. Giá bất động sản tại quốc gia này tăng mạnh bất chấp ảnh hưởng từ suy thoái.

Rất nhiều thanh niên thế hệ 8X của Trung Quốc phải chấp nhận sống một mình vì không có tiền mua nhà riêng. Giá bất động sản tại quốc gia này tăng mạnh bất chấp ảnh hưởng từ suy thoái.

Ngước nhìn một cao ốc mới xây dựng đang rao bán, Tấn Kiện, một huấn luyện viên thể dục ở Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) lắc đầu ngao ngán.

“Không biết tới bao giờ tôi mới đủ điều kiện mua nhà”. Kiện năm nay 28 tuổi, anh đã hẹn hò vài lần nhưng chẳng đi tới đâu. Chúng đều thất bại vì các cô gái luôn muốn anh phải có một căn hộ tử tế.

“Nói thật, tôi không thể kết hôn nếu tôi không mua được một mái nhà”, anh bộc bạch.


Giá nhà đất tại Trung Quốc tăng mạnh bất chấp suy thoái (Ảnh: Reuters)

Cũng như Kiện, rất nhiều thanh niên Trung Quốc sinh vào những năm 1980, thời điểm Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành cải cách mở cửa, đang phải vật lộn trước tình cảnh giá bất động sản tăng vùn vụt.

Mỗi tháng, Kiện kiếm được khoảng 4.000 nhân dân tệ. Anh phải dành ra một nửa để trả phí thuê nhà và sinh hoạt hằng ngày. Như vậy để mua được một căn nhà khoảng 60m2 ở Cáp Nhĩ Tân, ít nhất Kiện cũng phải dành dụm trong suốt 20 năm.

Vài chục năm trước, những thanh niên ban đầu ở trong các khu tập thể và sau khi kết hôn thì chuyển ra ngoài thuê nhà. Họ hạnh phúc vì biết chính quyền sẽ phân cho họ một căn hộ. Nhưng ngày nay, chuyện đó đã khác xa khi việc sở hữu một căn nhà đã trở thành giấc mơ quá đỗi xa vời với nhiều người.

Số liệu thống kê của Goldman Sachs cho thấy, 6 năm qua, giá nhà đất đã tăng 30 điểm phần trăm so với tỷ lệ tăng lương trung bình ở Thượng Hải và 80 điểm phần trăm tại Bắc Kinh.

Cuộc khủng hoảng toàn cầu đã không thể khiến thị trường nhà đất Trung Quốc giảm nhiệt. Số liệu thống kê chính thức cho thấy, giá nhà đất tại 70 thành phố lớn và trung bình tại Trung Quốc trong tháng 11/2009 đã tăng 5,7% so với cùng kỳ 2008.

Thà sống độc thân

Kiện không phải là người duy nhất chấp nhận cuộc sống độc thân. Kết quả điều tra của trung tâm xã hội học thuộc Thanh niên nhật báo cho thấy, 35,6% trong hơn 4.000 người được hỏi sẽ không kết hôn nếu không mua được nhà.

Cha mẹ Kiện đã khuyên anh về quê vì giá đất rẻ hơn, song từ bỏ cuộc sống phố thị không phải là điều Kiện muốn


Sở hữu căn hộ là giấc mơ xa xôi với  nhiều thanh niên Trung Quốc (Ảnh: AP)

Từ Tĩnh, một sinh viên mới tốt nghiệp Trường Đại học Northeast Norma, cũng muốn có được một căn nhà trước khi kết hôn. “Liệu tình yêu có thể bền vững nếu không có nhà hay không? Tôi không dám chắc”, Tĩnh băn khoăn.

Một nhà môi giới bất động sản họ Vương nói rằng, các bậc cha mẹ là nguồn hỗ trợ duy nhất khi thế hệ 8X không đủ sức chi trả tiền mua một căn hộ. “Song điều đó sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của 3 gia đình, cặp vợ chồng trẻ và bố mẹ nội ngoại hai bên”, ông Vương nói.

“Tôi sẽ không khiến bố mẹ phải chịu quá nhiều gánh nặng”, Từ Tĩnh khẳng định.

Triệu Nghị, làm việc cho một hãng nước ngoài ở Cáp Nhĩ Tân, vừa trải qua một cơn suy sụp. Mối tình kéo dài 2 năm của anh đã tan tành do anh không đáp ứng được mong muốn của cô bạn gái về một căn hộ riêng cho đôi lứa.

“Giờ thì tôi đã hiểu cô ấy. Thậm chí nếu tôi có chắt chiu thì số tiền vay vẫn là áp lực quá lớn và chúng tôi sẽ khó mà có được hạnh phúc”, Nghị bức xúc.

Đám cưới trần trụi

Trong khi một số bạn trẻ chọn giải pháp sống độc thân, thì không ít người vẫn hào hứng lập gia đình dù chỉ có một chút đảm bảo tài chính.

Những đám cưới như vậy thường được gọi đùa là “đám cưới trần trụi” bởi sẽ không có những thủ tục truyền thống, thậm chí không có cả tiệc cưới, nhẫn cưới, của hồi môn hay nhà riêng. Khoản duy nhất là 9 nhân dân tệ để lấy giấy đăng ký kết hôn. Trương Cát Lâm, 27 tuổi, tốt nghiệp Đại học Nhân dân Trung Quốc, vừa làm đám cưới như vậy. Phòng cưới của cô là một căn nhà đi thuê. “Cặp vợ chồng nào cũng muốn có nhà riêng, nhưng từ ước mơ tới thực tế có một khoảng cách quá xa. Chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu để mua được một căn và tôi tin giấc mơ đó sẽ trở thành hiện thực”, Lâm bộc bạch.

Trâu Hằng, 22 tuổi, làm việc ở một nhà hàng tại Vân Nam, đã không tốn đồng nào cho đám cưới ngoài cặp nhẫn. “Chúng tôi muốn tiết kiệm chi phí để trả tiền thế chấp mua nhà hoặc bắt đầu một công việc kinh doanh riêng”, anh nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet