Bỏ của chạy lấy người

Cập nhật 15/08/2010 11:45

Nhà nước Italia chưa đến mức gặp nguy cơ vỡ nợ như Hy Lạp, nhưng mức độ vay nợ hiện tại cũng đủ để trở thành một quả bom nổ chậm.

Nhà nước Italia chưa đến mức gặp nguy cơ vỡ nợ như Hy Lạp, nhưng mức độ vay nợ hiện tại cũng đủ để trở thành một quả bom nổ chậm.


Để giải cứu khỏi thảm trạng hiện tại, Italia tính bước bán bớt bất động sản như đất đai, cung điện và bãi biển

Thực trạng tài chính ngân sách đó đe dọa không chỉ uy tín của đất nước này mà còn là một mối nguy hiểm thực sự đối với chính phủ của thủ tướng Silvio Berlusconi. Giá như người đứng đầu chính phủ ở Italia không phải là ông Berlusconi thì chắc chắn chính phủ Italia đã cầu cứu viện trợ tài chính từ bên ngoài như Hy Lạp để được giải cứu khỏi thảm trạng hiện tại. Nhưng ông Berlusconi được coi là giàu nhất Italia, là nhà doanh nghiệp rất thành đạt và đầy tham vọng chính trường. Cầu cứu bên ngoài để thoát khỏi khó khăn tài chính thì chẳng khác gì nói thẳng ra rằng ông Berlusconi thành đạt trên thương trường, nhưng lại thất bại trên chính trường.

Vì thế, không biết có phải trong cái khó ló cái khôn hay không mà chính phủ của ông Berlusconi tìm kiếm giải pháp ở cách bán bớt tài sản thuộc sở hữu của nhà nước, trong đó có bất động sản. Nhà nước Italia sở hữu rất nhiều bất động sản như đất đai, cung điện và bãi biển... Trên mạng Internet, Chính phủ Italia đã công bố hẳn một danh sách chào bán bất động sản với tổng giá trị lên tới gần 4 tỷ EUR, bao gồm nhà cửa, bãi biển, doanh trại quân đội, công viên, bãi khai thác dầu khí, rừng, tuyến đường sắt và thậm chí cả một vài nhà thờ.

Bất động sản của nhà nước thuộc loại sáng giá vì thường ở vị trí rất đắc địa, ở trong tay các cấp chính quyền nhà nước vốn chỉ tiêu tiền của nhà nước chứ ít khi làm ra tiền cho nhà nước, nhưng một khi về tay tư nhân thì lại là cỗ máy in tiền. Người mua vậy là không thiếu. Chỉ có điều luật pháp lại phải sửa đổi để tư nhân mua chúng về có thể sử dụng hay kinh doanh chúng theo ý mình. Đồng thời, chính phủ của ông Berlusconi cũng còn phải điều chỉnh lại sự phân cấp phân quyền sở hữu và quản lý tài sản của nhà nước giữa chính phủ trung ương và chính quyền địa phương. Chuyện đó không khó vì trước nguy cơ nhà nước vỡ nợ thì cả phía lập pháp lẫn bên hành pháp đều phải chấp nhận bỏ của chạy lấy người thôi.

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp