Top

Những nhà đầu tư không tiền

Cập nhật 16/10/2007 16:00

Hàng loạt dự án đầu tư đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép đã trở thành những dự án treo, gây bức xúc cho người dân.

Dự án chết non

Dự án khu vui chơi giải trí Công viên Ngự Bình được khởi công vào đầu năm 2004, trên khu đất rộng 30,8 ha sau núi Ngự Bình, phía nam thành phố Huế, do Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Huế đầu tư với tổng vốn 125,5 tỉ đồng.

Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư 72 tỉ đồng tập trung vào các trò chơi và hạ tầng cơ sở. Công ty đã lắp đặt các trò chơi như xe thú, nhà gương, đường đua Công thức 1... với tổng giá trị đã đầu tư khoảng 40 tỉ đồng. Trước đó, để có mặt bằng để thực hiện dự án, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã rót hơn 10 tỉ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp giải tỏa dân cư, mồ mả, rà phá bom mìn, trải nhựa con đường vào công viên.

Cuối năm 2004, thấy thời gian thu hồi vốn quá chậm (hơn 10 năm) nên các ngân hàng đều không tiếp tục cho vay như cam kết ban đầu. Mặt khác, các cổ đông gồm Công ty Xây lắp Thừa Thiên - Huế, Công ty Du lịch Hương Giang, Công ty Du lịch cố đô Huế và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô không góp thêm vốn, nên dự án phải dừng lại cho đến nay. Các hạng mục đã đầu tư gồm các hệ thống máng trượt, tàu lượn... đã bị phơi mưa nắng đến gỉ sét.

Ngày 7.8.2007, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thông báo kết luận của Thường vụ Tỉnh ủy cho phép Đại học Huế nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch Đại học Huế theo hướng mở rộng diện tích đất sang khu vực dự án Công viên Ngự Bình. Công ty Xây lắp Thừa Thiên - Huế làm việc với các cổ đông của Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Huế để bàn bạc thống nhất phương án chuyển giao. Hàng chục tỉ đồng đã bỏ ra xem như mất trắng.

Những lô đất vàng bị "treo"



Cụm khách sạn 5 sao - Trung
tâm hội nghị quốc tế và cao ốc
văn phòng sau 5 năm khởi công
vẫn còn là khu đất trống

Cách đây hơn một năm, trong bài “Thừa Thiên - Huế: Hàng loạt dự án lãng phí” có nêu trường hợp của dự án đầu tư Cụm khách sạn 5 sao - Trung tâm hội nghị quốc tế và cao ốc văn phòng ở ngã sáu các đường Lý Thường Kiệt - Nguyễn Tri Phương - Hà Nội.

Đây là dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thu hồi đất cấp cho Công ty Bất động sản Sông Đà để đầu tư xây dựng một trung tâm siêu thị, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, văn phòng cho thuê với kinh phí 100 tỉ đồng, gồm 13 tầng nổi và 2 tầng hầm.

Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 8.2003, theo kế hoạch, cuối năm 2005 sẽ đưa vào sử dụng. Công trình thứ hai là một khách sạn 5 sao và trung tâm hội nghị quốc tế cũng được khởi công cùng thời điểm với công trình trên, kinh phí 160 tỉ đồng, trên một khu đất rộng 4.000m2. Riêng công trình này, kinh phí giải tỏa trên 20 tỉ đồng tăng gấp 3 lần so với kế hoạch ban đầu (7 tỉ đồng). Sau khi được giao đất, công ty này đã san lấp mặt bằng và rào chắn. Bên trong, tiến độ xây dựng có vẻ chậm chạp và sau đó thì dừng hẳn.

Sau khi được gióng lên hồi chuông báo động tình trạng dự án có dấu hiệu bị "treo", UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều cuộc họp đốc thúc nhà đầu tư sớm đẩy nhanh tiến độ như cam kết. Dự án vẫn chuyển động một cách... chậm chạp. Theo báo cáo công tác chống tham nhũng lãng phí của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2006, trình trước HĐND tỉnh, Công ty Bất động sản Sông Đà nhận đầu tư tại Thừa Thiên - Huế tổng cộng 12 dự án (giai đoan từ 2004-2005), với tổng giá trị hơn 1.000 tỉ đồng.

Nhưng thực tế công ty không có năng lực tài chính nên hầu hết các dự án đều không thực hiện được, một vài dự án chỉ thực hiện cầm chừng, gây lãng phí hàng chục ha đất, gây bức xúc trong nhân dân. UBND tỉnh đã thu hồi 9 dự án của công ty này, riêng dự án cao ốc siêu thị tại khu giao lộ Hà Nội - Nguyễn Tri Phương - Lý Thường Kiệt, không hiểu vì sao UBND tỉnh vẫn để cho công ty này đầu tư.

Trả lời chất vấn trước HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Lý biện minh rằng: "Chúng ta cũng nên thông cảm với nhà đầu tư, vì họ có khó khăn về tài chính". Và chính sự "thông cảm" này của Chủ tịch UBND tỉnh đã tạo cơ hội cho nhà đầu tư sau đó đã "bán" toàn bộ công trình cũng như các dự án trên cho Tổng công ty Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam, với tên gọi mới là Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng VIWASEN.

Hiện công ty này đang triển khai xây dựng khu cao ốc văn phòng phía trục đường Nguyễn Tri Phương - Hà Nội. Riêng khu vực tiếp giáp với khách sạn Heritage, trên đường Hà Nội - Lý Thường Kiệt vẫn "treo".

Chưa kể hàng loạt dự án chậm tiến độ khác như tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã có 10 nhà đầu tư được cấp chứng chỉ quy hoạch đã "quá hạn" triển khai. Riêng tại TP Huế, hai dự án là Trung tâm Thương mại Phong Phú Plaza; Khách sạn - siêu thị - cao ốc văn phòng đường Nguyyễn Tri Phương - Hà Nội - Lý Thường Kiệt... vẫn còn được xếp vào những dự án treo nhưng UBND tỉnh vẫn chưa có giải pháp gì.

Theo Thanh Niên