Top

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận quản lý vấn đề giá đất

Cập nhật 19/07/2008 13:00

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, trong Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội sẽ thông qua tới đây, Bộ TN-MT nhận quản lý về giá đất về mình.

Báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi tổng kết 5 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) diễn ra ngày 18/7, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, Bộ TN-MT đang phối hợp với Bộ NN-PTNT hoàn chỉnh công tác quy hoạch đất đai và cố gắng trong thời gian ngắn nhất sẽ đưa ra được quy hoạch chính xác.

Bộ TN-MT chủ trương đất bảo đảm an ninh lương thực và đất bảo vệ rừng sẽ khoanh đến chỉ giới đỏ. Bộ đề nghị Phó Thủ tướng sớm ký quyết định về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của Tổng cục Đất đai, đặc biệt là vấn đề tổ chức thực hiện các vấn đề về giá đất như thế nào.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng cho biết, trong Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội sẽ thông qua tới đây, Bộ TN-MT nhận quản lý về giá đất về mình, cụ thể là nhận trách nhiệm trước dân về tất cả các lĩnh vực liên quan đến giá đất như xác định giá đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, các vấn đề xã hội liên quan.

Nếu không có gì thay đổi, hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc bộ TNMT sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ đăng ký bất động sản, trong đó có đăng ký về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản đã ở trên đất. Giữa Bộ TN-MT và Bộ Tư pháp đã thống nhất vấn đề này. Bộ trưởng TN-MT đề nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo việc củng cố, tăng cường hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Bộ TN-MT cũng chủ trương đẩy mạnh vấn đề kinh tế đất đai và tài chính đất đai, chủ yếu là xác định giá đất cho phù hợp để đền bù cho dân, xây dựng giá đất sát với giá thị trường. Ngoài ra Luật Đất đai sửa đổi cũng sẽ tập trung vào vấn đề đấu giá đất.

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, nếu đầu tư công nghiệp, dịch vụ phải sau 3 - 4 năm mới có hiệu quả thì riêng ngành TN-MT nếu có chủ trương đúng, cơ chế đúng, chỉ sau 6 tháng đã phát huy hiệu quả. Trong năm 2007, riêng chỉ tiêu về đấu giá đất đã thu về 30.000 tỷ đồng, vượt 85% chỉ tiêu ban đầu đặt ra.

Về lĩnh vực khoáng sản và địa chất, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục sửa đổi cơ chế hiện nay để bám sát cơ chế thị trường, thí điểm đấu thầu khai thác mỏ, tiến tới xoá bỏ cơ chế xin cho.

Nếu tổ chức đấu thầu như dầu khí, riêng khoáng sản mỗi năm có thể mang lại 500 triệu đến một tỷ USD cho Nhà nước. Toàn ngành môi trường phấn đấu đến năm 2020 thiết lập các cơ chế, chính sách để đóng góp ngân sách cho Nhà nước xấp xỉ ngành dầu khí.

Theo Tiền Phong