TP HCM xây lại đài phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ

Cập nhật 20/03/2019 14:45

Công trình được xây tại vị trí vòng xoay cây liễu cũ (giao lộ phố đi bộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, quận 1) tạo điểm nhấn cảnh quan.

Phối cảnh đài phun nước ở giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi.

Ngày 20/3, UBND TP HCM cho thi công chỉnh trang không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ và đường Lê Lợi, trong đó có hạng mục xây đài phun nước tại giao lộ hai tuyến đường.

Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, thành phố sẽ làm hồ nước tĩnh, có biểu tượng nghệ thuật kết hợp với đài phun nước, để vừa là điểm nhấn cảnh quan, chuyển tiếp không gian tĩnh và động dọc 2 tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi vừa cải thiện môi trường khí hậu cho khu vực.

Công trình dự kiến hoàn thành trong quý 2 năm nay, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng của người dân.

Ngay sau khi mặt bằng đường Lê Lợi được Ban quản lý đường sắt đô thị hoàn trả (đang thi công metro), thành phố sẽ hoàn chỉnh thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan của toàn bộ trục đường Lê Lợi. Việc này để kết nối toàn bộ không gian công cộng trên mặt đất với không gian ngầm của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Việc chỉnh trang khu vực này xuất phát từ kế hoạch chỉnh trang đô thị khu trung tâm thành phố năm 2011-2012, trong đó có trục đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ.

Trước đó, tháng 7/2014, bồn nước tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi (Vòng xoay cây liễu trước thương xá Tax) được phá bỏ để thi công đoạn ngầm của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Theo các nhà nghiên cứu, đây là bùng binh đầu tiên ở Sài Gòn. Ban đầu, nó là cái bệ cao hình bát giác. Mỗi chiều thứ bảy, một số người lính đến chơi nhạc Tây cho dân chúng nghe, nên nó được gọi bằng cái tên dân dã là Bùng binh Bồn Kèn. Sau đó, bùng binh được sửa thành vòng xoay giao thông có đài phun nước ở giữa, xung quanh trồng những cây liễu rũ nên còn gọi là Bùng binh cây liễu.
Bùng binh cây liễu bị phá bỏ ngày 27/10/2014 - Ảnh: Hữu Công.

Hồi tháng 9 năm ngoái, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố đề xuất phương án kiến trúc cảnh quan các trục đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ và khu trung tâm. Trong đó, khu lõi trung tâm thương mại tài chính (phân khu 1 - đồ án 930 ha) được bố trí thành khu vực thương mại sầm uất, dành nhiều không gian cho người đi bộ.

Trục đường Lê Lợi sẽ tiếp nối dự án phố đi bộ Nguyễn Huệ, chuyển thành các phố thương mại, mua sắm và kết hợp vòng xoay trước chợ Bến Thành - quảng trường đi bộ. Không gian đi bộ cũng được mở rộng sang hướng Đông phía sau Nhà hát thành phố thành khu vực buôn bán quá cảnh, hình thành thêm trục đi bộ phủ xanh kéo dài từ khu Ba Son đến quảng trường trước chợ Bến Thành và Công viên 23/9.

Theo Sở Kiến trúc - Quy hoạch, việc nghiên cứu phải có tầm nhìn vì trong tương lai gần ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi sẽ thành giao lộ quan trọng bậc nhất của TP HCM với sự phát triển nhanh chóng của các công trình phức hợp, trung tâm thương mại, dịch vụ quy mô lớn đang được xây dựng.

Ở giai đoạn đầu, việc thiết kế cảnh quan tập trung quanh công viên Nhà hát thành phố (đoạn từ Hai Bà Trưng đến giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi); đồng thời nghiên cứu phân khu chức năng và bổ sung một số hạng mục cây xanh, tiện ích trên trục đường Nguyễn Huệ nhằm đáp ứng nhu cầu người dân ngay trong năm tới.

Tại công viên Nhà hát Thành phố và giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, Sở đề xuất bố trí đài phun nước hoặc tràn, vườn hoa, các chi tiết nghệ thuật, kiến trúc kết hợp các yếu tố về ánh sáng, âm thanh, màu sắc...

Giai đoạn hai sẽ hoàn chỉnh thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan của trục đường Lê Lợi - đoạn tiếp từ giao lộ với đường Nguyễn Huệ đến quảng trường trước chợ Bến Thành và Công viên 23/9. Sau đó, Sở tiếp tục nghiên cứu kết nối, định hình toàn bộ không gian công cộng, kết hợp không gian ngầm, thương mại dịch vụ theo định hướng quy hoạch được duyệt. Nhất là phương án kết nối không gian các đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ sau thời gian vận hành bộc lộ một số hạn chế do chịu ảnh hưởng lớn của bức xạ nhiệt từ mặt đường, cũng như chưa đáp ứng đủ nhu cầu về không gian mở (phục vụ thêm cho hoạt động thương mại), mảng xanh, các tiện ích công cộng, chi tiết trang trí thu hút khách tham quan trên trục đường.

DiaOcOnline.vn – Theo VNExpress