Top

Phó Chủ tịch TP.HCM: Cố gắng hết tháng 4 sẽ phê duyệt tổng đầu tư metro số 1

Cập nhật 13/03/2019 13:30

Được khởi công vào năm 2012 với mục tiêu hoàn thành vào năm 2017 nhưng cho đến nay tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) vẫn ngổn ngang. Dù TP.HCM đang khẩn trương thúc đẩy tiến độ nhưng đến nay tổng mức đầu tư vẫn chưa được phê duyệt.

Từ cam kết đúng tiến độ… đến “không thể đạt tiến độ”

Metro số 1 được phê duyệt vào tháng 4/2007 với tổng mức đầu tư 17.388 tỷ đồng. Năm 2009 tư vấn chung của dự án đã tính toán và xác định lại tổng mức đầu tư của dự án là 47.325 tỷ đồng.

Ngày 28/8/2012 TP.HCM khởi công dự án tuyến đường sắt đô thị đầu tiên sau nhiều năm chuẩn bị. Khi đó Chủ tịch UBND TP là ông Lê Hoàng Quân khẳng định các nhà thầu Nhật Bản cam kết “sử dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới” cho tuyến Metro này và đảm bảo tiến độ thi công.

Theo mục tiêu ban đầu, tuyến sẽ hoàn thành vào năm 2017, vận chuyển được 186.000 hành khách/ngày. Đến năm 2020 số lượng hành khách sẽ tăng lên 620.000 hành khách/ngày. Năm 2040 con số này sẽ là 1.020.000 hành khách/ngày.

Thi công trụ cầu metro tại sông Sài Gòn ở thời điểm năm 2014.

Tuy nhiên thực tế không như vậy, bởi tiến độ giải ngân không như dự kiến. Trước những vướng mắc, đầu tháng 1/2018, TP.HCM có văn bản gửi Chính phủ để giải trình về dự án này. Văn bản nêu ra ba lý do khiến công trình tăng vốn tới 30.000 tỷ đồng.

Thứ nhất, dự án đã tăng khối lượng xây dựng. Thứ hai là “sự biến động khách quan” của nguyên – nhiên vật liệu do trượt giá. Thứ ba là vì cập nhật tỷ giá Yên Nhật – Việt Nam Đồng (do trượt giá) và tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng rủi ro, trượt giá theo quy định mới.

Sau khi có ý kiến đồng thuận của các bộ, Thủ tướng đã đồng ý để thành phố phê duyệt điều chỉnh dự án.

Tại thời điểm đó (2011) dự án lại thuộc diện phải trình Quốc hội quyết định. Tuy nhiên lãnh đạo Chính phủ khi đó cho phép thực hiện vì có tiêu chí “công trình trọng điểm quốc gia”, dù chưa được Quốc hội phê duyệt.

Sự chưa thống nhất này khiến các bộ ngành không thể giải ngân, dù các hiệp định vay vốn trị giá hơn 31.000 tỷ đồng đã được ký kết.

Nó cũng khiến TP phải bỏ ngân sách hàng ngàn tỷ đồng ra tạm ứng cho các nhà thầu, trong khi tiến độ thi công nhiều lúc chỉ còn ở mức cầm chừng.

Vào ngày 17/10/2018, khi làm việc với Đoàn ĐBQH TP.HCM, Phó ban quản lý Đường sắt TP.HCM Hoàng Như Cương thừa nhận: “Với đà này không thể đạt tiến độ vào năm 2020”.

Đây cũng là một trong những lần xuất hiện cuối cùng của ông Cương trên cương vị này, bởi chỉ 3 tháng sau, có tin ông đã xin nghỉ việc và tự ý đi nước ngoài khi chưa được UBND TP.HCM cho phép.

Đến cuối tháng 11/2018, tình hình căng thẳng hơn khi Đại sứ Nhật Bản gửi thư tới lãnh đạo TP.HCM bày tỏ quan ngại về việc giải ngân dự án. Thậm chí phía Nhật cho biết, một số nhà thầu sẽ dừng thi công nếu không được thành phố thanh toán một số hạng mục đã hoàn thành.
Đoạn đi trên cao của tuyến metro số 1 đã hoàn thành 80%.

Đề nghị tạm ứng để tránh ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao

Sau những kiến nghị liên tục, thời gian gần đây những tín hiệu tốt về công trình bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.

Cuối tháng 12/2018, Trung ương đã đồng ý về chủ trương điều chỉnh mức đầu tư. Đây là khúc mắc lớn nhất, và nếu được giải quyết thì vốn cho dự án sẽ không còn là vấn đề.

Trong cuộc họp ngày 5/3 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng khẳng định Trung ương đã đồng ý giao thành phố điều chỉnh tổng mức đầu tư “sau thời gian dài gặp khó khăn về thủ tục”.

Theo ông Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc cùng thành phố theo hướng sẽ trình Thủ tướng đồng ý ủy quyền cho thành phố phê duyệt. Khi Thủ tướng đồng ý, TP sẽ giao sở Giao thông vận tải thẩm định lại trước khi phê duyệt.

“Cố gắng đến hết tháng 4 sẽ phê duyệt (tổng mức đầu tư) tuyến metro số 1” – ông Tuyến nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiểm tra đoạn hầm ngầm vào ngày 21/2 vừa qua.

Dù vậy ngay sau đó một ngày, vào ngày 6/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong vẫn có công văn “khẩn” gửi Thủ tướng đề nghị được tạm ứng 2.158 tỷ cho công trình.

Lý do là nhằm giải quyết việc thanh toán nợ đọng cho các nhà thầu nước ngoài, hạn chế phát sinh khiếu kiện, ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản và tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ cam kết.

Chiều ngày 11/3, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng đã có văn bản chấp thuận tạm ứng kinh phí hoạt động cho Ban quản lý đường sắt đô thị trong năm 2019 là 39 tỷ đồng.

DiaOcOnline.vn – Theo Infonet