Nhiều vi phạm ở dự án metro số 1

Cập nhật 26/12/2018 13:50

Kiểm toán Nhà nước kết luận có nhiều vi phạm về thẩm quyền phê duyệt, cách tính toán giá trị,... trong thực hiện dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) xác định các gói thầu xây dựng và tư vấn được kiểm toán thuộc dự án metro số 1 được thực hiện quản lý chất lượng theo quy định của Nghị định 209/2004, Nghị định 49/2008, Nghị định 15/2013 của Chính phủ; các hạng mục của dự án được hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước kiểm tra, đánh giá theo quy định; các vật tư, thiết bị đưa vào sử dụng trong công trình có hồ sơ thể hiện đã được kiểm tra, thí nghiệm trước khi đưa vào sử dụng; các bộ phận kết cấu công trình được kiểm tra, nghiệm thu sau khi có đầy đủ các chứng chỉ thí nghiệm, đạt yêu cầu kỹ thuật của dự án. Tuy nhiên, KTNN cũng chỉ ra không ít sai phạm khi thực hiện dự án này.

Liên tục "vượt quyền"

Theo KTNN, UBND TP HCM phê duyệt điều chỉnh dự án là chưa đúng giá trị, chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền. Cơ quan này chỉ rõ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư (TMĐT) tại Quyết định 4880 năm 2011 lên 47.325 tỉ đồng (lớn hơn 35.000 tỉ đồng) là không đúng với Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội, bởi với quy mô vốn như vậy thì dự án phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cơ quan kiểm toán cũng khẳng định UBND TP đã thực hiện quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án này khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ về nguồn vốn. Trong đó, thư của JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) chỉ xác nhận việc sẽ tính đến việc bổ sung vốn, chưa xác nhận về cho vay. Đối với quyết định phê duyệt TMĐT điều chỉnh, KTNN cũng chỉ ra nhiều sai phạm. Cụ thể, giá trị TMĐT được lập với 2 loại tiền, với mỗi loại tiền lại được tính toán trượt giá khác nhau (tiền đồng là 10,6%/năm, tiền yen là 2,4%/năm). "Giá trị phê duyệt 236.626 triệu yen chỉ là giá trị tương đương tại thời điểm lập tháng 10-2009. Trường hợp phê duyệt chi bằng một loại tiền yen thì tất cả trượt giá phải được tính theo tiền yen và giá trị TMĐT điều chỉnh chi là 206.126 triệu yen, giảm 30.500 triệu yen" - cơ quan kiểm toán nêu rõ.

Một đoạn của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang triển khai tại TP HCM Ảnh: GIANG ANH

Về phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án sang năm 2019 thay vì 2017, cơ quan kiểm toán cho rằng việc phê duyệt này không tuân thủ trình tự và thẩm quyền. Cụ thể, đối với các dự án quan trọng quốc gia khi kéo dài thời gian thực hiện từ 1 năm trở lên phải để Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Quá trình kiểm toán cơ quan này chỉ ra việc quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án được UBND TP thực hiện khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn.

Đặc biệt, KTNN nhận định ông Hoàng Như Cương, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị (QLĐSĐT) TP, đã ký quyết định điều chỉnh dự án tại Quyết định số 178/QĐ-BQLĐSĐT ngày 7-7-2014 là trái thẩm quyền, bởi ông Cương chỉ có vai trò là phó trưởng Ban QLĐSĐT TP. Cơ quan kiểm toán cho rằng với vai trò là phó trưởng ban mà ông Cương lại ký quyết định điều chỉnh TMĐT và quy mô của dự án quan trọng quốc gia. Việc "vượt quyền" của ông Cương được thể hiện rõ trong quyết định điều chỉnh dự án số 178. Theo đó, quy mô đầu tư theo Quyết định 4480/QĐ-UBND TP thì quy mô nhà ga Bến Thành là 2 tầng diện tích sàn 12.720 m2 với chức năng ga trung tâm. Tuy nhiên, nhà ga này đã được điều chỉnh 4 lần với diện tích tăng lên đến hơn 30.000 m2. Quyết định số 178 còn điều chỉnh 310 m kết cấu hầm với kết cấu vòm sang kết cấu hộp kết hợp tường vây.

Ngoài ra, KTNN còn cho biết TMĐT của dự án được xác định theo thiết kế cơ sở, trong khi đó hồ sơ thiết kế của dự án lại không thể hiện đầy đủ nội dung, các hạng mục, một số phần công việc được tư vấn xác định chi phí trong tổng mức đầu tư nhưng không xác định được khối lượng công việc cụ thể.

Tăng giá trị công trình bất hợp lý

Theo KTNN, dự án metro Bến Thành - Suối Tiên áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống đường sắt đô thị châu Á - Strasya. Tuy nhiên trên thực tế, một số chỉ tiêu lại bị "ăn bớt", không tuân thủ đúng chỉ dẫn như sử dụng loại ray, tải trọng trục. Quá trình kiểm toán cũng đã phát hiện dự án điều chỉnh dầm từ kiểu dáng Super T sang dầm chữ U của đoạn đi trên cao, dẫn đến giá trị công trình tăng lên bất hợp lý 1.420 tỉ đồng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh thay đổi thước nhịp từ 33 m xuống 30 làm phát sinh 54 trụ so với ban đầu.

Để việc điều chỉnh về thiết kế này được chấp thuận, Ban QLĐSĐT đã không báo cáo đầy đủ lên UBND TP. Theo đó, đơn vị này chỉ báo cáo phần ưu điểm mà không nêu rõ việc tăng giá thành do thay đổi kết cấu. Đáng chú ý, Ban Quản lý dự án cũng "phớt lờ" góp ý của Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT).

Ngoài ra, công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án tại gói thầu CP1a (đoạn ga Bến Thành - ga Nhà hát TP) còn tồn tại, thiếu sót trong công tác xác định đơn giá và tính toán giá trị là gia tăng giá trị dự toán hơn 1.600 tỉ đồng chiếm 26,9%. Trong đó, sai đơn giá 1.560 tỉ đồng. Cơ quan này cũng phát hiện giá trị dự toán tính toán lại sau khi loại bỏ các sai sót thấp hơn giá trị trúng thầu 486 tỉ đồng. "Ban QLĐSĐT phê duyệt kết quả thẩm định dự toán là không đúng thẩm quyền" - báo cáo kiểm toán nêu rõ.

Công tác đàm phán, ký kết hợp đồng thực hiện hợp đồng gói thầu CP1a cũng có những điểm không phù hợp. Cụ thể, không có biên bản đàm phán hợp đồng CP1a giữa đoàn đàm phán với liên danh nhà thầu Sumitomo Mitsui-Cienco4; trưởng Ban QLĐSĐT không có trong danh sách đàm phán nhưng vẫn đàm phán là "không phù hợp", kết quả đàm phán không báo cáo kịp thời là chưa đúng chỉ đạo của UBND TP.

Công tác quản lý tài chính, vốn đầu tư, thanh toán chưa chặt chẽ, có nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước. Tiến độ thi công của các gói thầu thực hiện chậm so với thời gian được phê duyệt, gây phát sinh chi phí đầu tư, khó có khả năng hoàn thành dự án theo kế hoạch vào năm 2020. Cơ quan kiểm toán cũng phát hiện một số tồn tại, vi phạm trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án.

Đề nghị xử lý trách nhiệm

Từ những hạn chế, tồn tại trên, KTNN kiến nghị UBND TP chỉ đạo Ban QLĐSĐT và các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN.

Cụ thể, chỉ đạo Ban QLĐSĐT và các sở, ngành liên quan thực hiện rà soát toàn diện tình hình thực hiện dự án từ khi thực hiện đến nay, các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, nhất là các căn cứ pháp lý; rà soát các hợp đồng, biên bản đàm phán thương thảo hợp đồng của các gói thầu thuộc dự án, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật và tránh thất thoát, lãng phí, gây thiệt hại ngân sách nhà nước; rà soát, xác định chính xác TMĐT của dự án và tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật để tránh thất thoát, lãng phí vốn đầu tư, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Cục Quản lý nợ, Kho bạc Nhà nước TP và Ban QLĐSĐT rà soát lại nguồn vốn vay nước ngoài đã cấp phát cho dự án, bổ sung ghi thu ghi chi đầy đủ giá trị nguồn vốn vay của dự án (7.320.881 triệu đồng) vào báo cáo quyết toán ngân sách địa phương TP. Phối hợp với Bộ Tài chính và bộ, ngành liên quan khẩn trương xác định giá trị hợp đồng vay lại của Hiệp định VN11-P7; ký kết hợp đồng vay lại phần vốn thuộc Hiệp định VN15-P5. Kiểm điểm trách nhiệm tập thể và các cá nhân có liên quan (Ban QLĐSĐT và các ban, ngành liên quan) đến các sai sót như đã nêu và có hình thức xử lý theo đúng quy định.

Xác nhận có điều chỉnh thiết kế

Liên quan đến thông tin thực hiện gói thầu CP1a, đoạn hầm ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP, thuộc dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) bị điều chỉnh sai thiết kế, từ 2 m giảm còn 1,5 m độ dày tường vây, Sở Giao thông Vận tải

TP HCM ngày 25-12 đã xác nhận là có và cho biết đã có văn bản báo cáo UBND TP. Vấn đề này, theo Sở GTVT TP, là không đúng theo trình tự thủ tục, còn về kỹ thuật thì hiện đã thuê đơn vị tư vấn độc lập kiểm tra, tính toán.

Kiến nghị xử lý gần 3.000 tỉ đồng

KTNN đề nghị các đơn vị liên quan phải xử lý tài chính số tiền lên đến 2.898 tỉ đồng. Trong đó, thu nộp ngân sách hơn 18 tỉ đồng, nộp thuế GTGT 53,5 tỉ đồng, giảm trừ các khoản thanh toán cho nhà thầu hơn 96,5 tỉ đồng và xử lý khác trên 2.648 tỉ đồng. Số tiền này chủ yếu thuộc trách nhiệm của các đơn vị: Ban QLĐSĐT, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1, quận Bình Thạnh...


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ