Top

Giá cát quá cao, TP.HCM sử dụng tro, xỉ, thạch cao để sản xuất vật liệu xây dựng

Cập nhật 09/08/2017 16:43

TP.HCM khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng tro, xỉ, thạch cao để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.


Giá cát xây dựng đang tăng cao do việc khai thác cát không đúng quy định - Ảnh minh họa

UBND TP.HCM vừa giao các sở ngành, UBND quận huyện chỉ đạo các chủ đầu tư công trình trên địa bàn thành phố có sử dụng vốn nhà nước cùng các doanh nghiệp phải ưu tiên sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.

Riêng Sở Công Thương được giao tổ chức rà soát danh sách các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón có phát thải tro, xỉ, thạch cao. Song song đó là thu hồi phần diện tích bãi thải vượt quá diện tích chứa của 2 năm sản xuất trung bình theo quy mô, công suất của từng nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Cơ quan này cũng cần kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các đơn vị, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Triển khai đến chủ các cơ sở phát thải về lập đề án xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao, đảm bảo đến năm 2020 diện tích bãi thải không quá 2 năm sản xuất trung bình cũng như về tổ chức xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG phát sinh trong quá trình sản xuất.

Sở Khoa học - Công nghệ được giao tổ chức đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ, hoàn thiện công nghệ xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó là phổ biến, thông tin rộng rãi các chính sách ưu đãi đối với các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất thử nghiệm đối với việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao PGD, thạch cao PG được hưởng ưu đãi.

Được biết, nguyên nhân khiến TP.HCM khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng tro, xỉ, thạch cao để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng cũng như sử dụng trong các công trình xây dựng là do giá cát tăng quá cao và ngày càng khan hiếm.

Theo ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, giá cát tăng quá cao nên trước mắt, một giải pháp được Sở đưa ra là lấy tro, xỉ, thạch cao để thay thế cát xây dựng, làm san lấp... Sở Xây dựng đã có văn bản đến các doanh nghiệp, đề nghị doanh nghiệp chủ động nghiên cứu lấy tro, xỉ làm dự án.

Về nguồn cung của cát xây dựng, dự báo của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy đến năm 2020, Việt Nam có thể sẽ bị cạn kiệt nguồn cát xây dựng. Từ năm 2016 - 2020, tổng nhu cầu về cát xây dựng của cả nước dự tính khoảng 2,3 tỉ m3. Tuy nhiên, hiện nay, trữ lượng cát cả nước chỉ còn khoảng 2 tỉ m3.

Mặt khác, do lượng cát chưa khai thác suy giảm mạnh nên thời gian qua, giá cát xây dựng đã tăng cao. Trong tháng 4.2017, giá cát xây dựng có hiện tượng tăng đột biến với biên độ từ 50 - 200% so với tháng 3.2017.

Tại một số cửa hàng vật việt xây dựng ở TP.HCM, cát vàng có giá bán tăng lên đến 560.000 đồng/m3, cát xây tô là 436.364 đồng/m3, cát san lấp (cát đen) là 231.818 đồng/m3; chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm cát đã khiến nhiều địa phương không bán cát ra ngoài tỉnh hoặc nhiều đơn vị, cá nhân tổ chức khai thác cát trộm.

Theo Vụ Vật liệu xây dựng, nguyên nhân khiến cho sản lượng cát suy giảm nghiêm trọng là do cát được sử dụng quá nhiều vào việc san lấp, thay vì sử dụng tro, xỉ, vật liệu phế thải của các nhà máy. Đồng thời, việc khai thác cát không đúng quy định xảy ra ở nhiều địa phương cũng làm giá cát tăng cao.

Ngoài ra, việc Chính phủ đã tăng cường siết chặt công tác quản lý trong hoạt động khai thác cát nên sản lượng khai thác hạn chế và nhiều địa phương không có nguồn cát cung cấp cho xây dựng dẫn đến giá cát tăng.

DiaOcOnline.vn - Theo Một Thế giới